LCĐT - Lào Cai hiện có 4 khu công nghiệp và khu công nghiệp - thương mại, trong đó các khu Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn, số lao động không nhiều và chủ yếu là người địa phương nên nhu cầu về nhà ở không thực sự bức xúc.
Riêng Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) là nơi tập trung các dự án, cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động nhất. Đây cũng là khu công nghiệp cách xa trung tâm tỉnh, nên nhu cầu về nhà ở của công nhân là rất lớn.
Khu nhà trọ dành cho công nhân tại thôn Tân Lợi, xã Xuân Giao (Bảo Thắng). |
Theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Thực hiện tinh thần đó, những năm qua, Lào Cai đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi như bố trí quỹ đất, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ vay vốn để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở tập trung cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay, tại Khu Công nghiệp lớn nhất của tỉnh là Tằng Loỏng mới có 6 trong số 23 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện được yêu cầu này, đáp ứng chỗ ở cho 1.357/6.724 lao động. Như vậy, số lao động đang làm việc tại trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng có nhu cầu về nhà ở được đáp ứng mới chỉ đạt 45%. Những đơn vị điển hình là: Công ty Cổ phần hóa chất Đức Giang, Công ty Luyện đồng Lào Cai, Nhà máy DAP số II, Nhà máy Gang thép Công ty Khoáng sản và luyện kim Việt - Trung, Nhà máy Tuyển quặng apatít và Công ty Hóa chất phân bón Lào Cai.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế, hiện nay, trong tổng số 6.724 lao động đang làm việc ở 23 đơn vị, nhà máy tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện còn 1.633 người có nhu cầu được bố trí nhà ở. Để ổn định đời sống, họ phải tự đi thuê nhà, phòng trọ ở nhiều địa bàn khác nhau và phải đối mặt với các hệ quả như những vấn đề xã hội phức tạp và ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế thẳng thắn nhận định: “Việc bố trí nhà ở tập trung cho công nhân tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện rất bức thiết, bởi hầu hết lao động trong độ tuổi lập gia đình riêng. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân cần được các cấp, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn và đó cũng là hướng phát triển doanh nghiệp bền vững”.
Tại Tằng Loỏng, công nhân phải tìm phòng trọ cách xa khu vực sản xuất nên an toàn giao thông, nhất là giao thông đối với người sử dựng xe gắn máy là vấn đề lớn. Thực tế là trên đoạn tuyến Tỉnh lộ 151, trục giao thông chính của Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và xã Xuân Giao có chiều dài khoảng 5 km, nhưng 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người. Trong đó, vụ va quệt xe máy xảy ra gần đây nhất là vào ngày 16/7 khiến công nhân Lưu Văn Định thuộc Nhà máy Gang thép bị thương nặng, người va chạm là ông Nguyễn Văn Phong, thôn Cù 1, xã Xuân Giao tử vong. Theo ông Phạm Văn Như, Trưởng ban Công an xã Xuân Giao thì vấn đề bức xúc đối với nhiều hộ dân của địa phương là “không đêm nào yên trong thời điểm công nhân các nhà máy tan ca, vào ca vì số lượng người và phương tiện tràn ra đường quá đông”. Ông Phạm Văn Như cũng cho biết thêm, việc quản lý công nhân thuê trọ, tạm trú trên địa bàn khó khăn do tính chất làm việc ca kíp của họ. Nhưng đáng ngại nhất là hiện tượng tụ tập bạn bè ở khu nhà trọ, nguy cơ xảy ra tệ nạn xã hội là khó tránh khỏi. Mới đây trên địa bàn xảy ra 1 vụ mất cắp xe máy, cơ quan điều tra đã bắt được 2 thủ phạm gây án là công nhân của một nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.
Nhu cầu cao nên giá thuê phòng phòng trọ tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng cũng khá đắt đỏ, giá trung bình một căn phòng rộng hơn 10 m2 có khu vệ sinh khép kín là 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Đó là số tiền lớn đối với hầu hết công nhân, lao động và đó cũng là lý do khiến công nhân tìm tới thuê phòng tại các xã có cự ly xa hơn như Xuân Giao, Gia Phú, Sơn Hà, Sơn Hải. Thực tế thì đời sống của các công nhân tại nơi thuê trọ khá khó khăn, chật chội, có từ 2 - 4 lao động thuê chung một phòng rộng chừng 15 m2 để tiết kiệm chi phí. Các đồ dùng, trang bị đều thiếu hoặc tối giản bởi diện tích hẹp và nhường không gian cho 3 - 4 xe máy.
Tâm sự với chúng tôi, anh Tưởng Văn Thìn, chủ một dãy nhà trọ gồm 9 phòng tại thôn Giao Bình, xã Xuân Giao chia sẻ: “Tôi thường thấy chạnh lòng và lo cho tương lai của công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Làm sao có được cuộc sống, công việc ổn định nếu cứ đi thuê trọ như thế mãi?”.
Trong 4 khu công nghiệp và khu thương mại - công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 185 dự án đăng ký đầu tư với tổng mức trên 23.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này có 102 dự án đã đi vào hoạt động, 44 dự án đang đầu tư xây dựng, 59 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hiện có 7.930 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp với thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/tháng. Tại đây, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.800 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng gần 95% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm trên 50% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh. |