Với sự nỗ lực vươn lên bằng tinh thần hiếu học, đồng bào dân tộc Pa Dí không chỉ năng động trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, cống hiến sức lực cho mảnh đất quê hương. Nhiều cá nhân tiêu biểu trong đồng bào Pa Dí trở thành cán bộ, đảng viên gương mẫu, đảm nhận những vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Khương, hiện nay trên địa bàn huyện, riêng trong các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện có 74 cán bộ, công chức, viên chức là người Pa Dí. Trong đó có 59 người có trình độ đại học, 11 người có trình độ cao đẳng, 4 người có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị có 17 người có trình độ từ trung cấp đến cao cấp lý luận chính trị. Có những cán bộ người Pa Dí là trưởng phòng tại các cơ quan cấp huyện, cấp xã, cán bộ chủ chốt tại các cơ quan thuộc ngành giáo dục, y tế cấp xã, cấp huyện… Đối với khối Đảng, đoàn thể tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng cũng có không ít cán bộ, chuyên viên, đảng viên là người Pa Dí.
Trong công tác xây dựng Đảng, toàn huyện hiện có 22/42 tổ chức cơ sở đảng có đảng viên là đồng bào dân tộc Pa Dí với 126 đảng viên. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng viên dân tộc thiểu số, trong đó có đảng viên người Pa Dí.
Minh chứng như Chi bộ thôn Bản Sinh, xã Lùng Vai có 10/11 đảng viên là người Pa Dí; Chi bộ thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố có 15/17 đảng viên người Pa Dí. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện kết nạp được 30 đảng viên là người dân tộc Pa Dí.
Các chi bộ có đảng viên người Pa Dí đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Nhiều đảng viên dân tộc Pa Dí phát huy được vai trò, tính tiên phong, gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác; tích cực đi đầu trong vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gặp gỡ những trưởng thôn, bí thư chi bộ người Pa Dí ở các thôn, bản đến những cán bộ, đảng viên là người Pa Dí đang công tác ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, chúng tôi đều cảm nhận ở họ sự tận tâm, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến hết lòng, hết sức cho cộng đồng.
Điều đáng nói là có những cá nhân tiêu biểu người Pa Dí không chỉ công tác trên địa bàn huyện mà đã vượt qua những đỉnh núi cao của “xứ Mường”, tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh, thậm chí có những người là thạc sĩ, tiến sĩ đang học tập, công tác ở nước ngoài. Tiêu biểu như nhà thơ Pờ Sảo Mìn với vô số giải thưởng trong lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật; nhà giáo Tráng Thị Din bảo vệ luận án Thạc sĩ tại Anh, hiện là chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai; anh Tráng Văn Thắng và vợ là Trương Thị Hoa đều bảo vệ luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đức và đang công tác tại Cộng hòa liên bang Đức; chị Tráng Sử Thư hiện đang làm việc tại Philippines...
Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc Pa Dí trong và ngoài huyện Mường Khương đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị; phát huy được vai trò, tính tiên phong, gương mẫu.
Người Da Pí có thể độc đáo, đặc biệt, nhưng họ cũng chỉ là một phần trong câu chuyện chung của 23 dân tộc anh em ở Mường Khương. Không chỉ đùm bọc, giúp đỡ trong chính cộng đồng, chúng tôi còn ngưỡng mộ ở họ tinh thần đoàn kết với những cộng đồng khác trong hành trình xây dựng và bảo vệ mảnh đất biên cương.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, những người con Pa Dí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tung Chung Phố (1962 - 2020) còn ghi tên những liệt sỹ hy sinh như Pờ Chín Diu, Thào Quáng Phà, Thào Diu Chín. Ở thị trấn Mường Khương có 2 liệt sỹ người Pa Dí là Lồ Thền Sán và Lồ Phù Díu.
Hôm nay, những người con Pa Dí vẫn tiếp tục noi theo thế hệ đi trước, tiếp bước để bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc. Bước chân của đồng bào Pa Dí vẫn tiếp tục qua năm tháng cùng lực lượng bộ đội biên phòng và các dân tộc anh em tuần tra dọc dải biên cương nơi phía Bắc của Tổ quốc. Điều đó đã được minh chứng khi chúng tôi đến thăm một số thôn biên giới do Đồn Biên phòng Mường Khương quản lý như thôn Chúng Chải B, Lao Chải (thị trấn Mường Khương), Dê Chú Thàng, Séo Tủng, Vả Thàng (xã Tung Chung Phố).
Gần đây, chúng tôi có dịp đồng hành trên chặng đường tuần tra của quân và dân xứ Mường. Thiếu tá Nguyễn Văn Hữu, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Khương cùng các cán bộ, chiến sĩ đồng bào các dân tộc Pa Dí, Bố Y làm nhiệm vụ tuần tra đường biên, cột mốc dọc tuyến biên giới thôn Chúng Chải B.
Thiếu tá Hữu chia sẻ: Tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Mường Khương quản lý dài hơn 15 km, tuy đường tuần tra đã được bê tông hóa, nhưng đường vào một số cột mốc biên giới còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi. Trong những năm qua, tại thôn Chúng Chải B, Lao Chải - nơi đồng bào Pa Dí sinh sống hòa thuận cùng các dân tộc khác có mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc giới phát huy tốt hiệu quả. Bà con trong thôn không phân biệt thành phần dân tộc, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chấp hành pháp luật, không xuất - nhập cảnh trái phép, cung cấp nhiều thông tin giúp lực lượng bộ đội biên phòng kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Để thực hiện loạt bài này, chúng tôi có rất nhiều chuyến ngược xuôi khắp nẻo vùng biên để đi tìm, ghép những mẩu chuyện đơn lẻ của một tộc người nhỏ bé kể thành một câu chuyện dài hơn. Đáng mừng biết bao khi những câu chuyện chúng tôi được nghe đều chứa đựng bao điều hay và nghị lực, truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong công cuộc kiến thiết, xây dựng vùng biên.
Một tộc người vỏn vẹn hai ngàn người, chọn những nơi cao xa, heo hút, khó khăn nhất để lập bản, hôm nay, những dấu chân của người Pa Dí đã đi muôn nơi. Họ tự tin mang theo câu chuyện của dân tộc mình để viết tiếp những chương mới đầy sáng tươi, hạnh phúc.
Người Pa Dí biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ, như câu họ hát: “Ngày xưa không có ai dẫn đường chỉ lối/Pa Dí mình không biết làm ăn/Ăn khổ, không đủ ăn no/Chỉ từ ngày có Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đường/ Pa Dí mình mới được ăn no, ngủ ấm”. Nhớ lời Bác dạy, đồng bào Pa Dí luôn đùm bọc, đoàn kết, yêu lao động, yêu quê hương. Từ những việc làm theo lời dạy của Bác, tự trong cộng đồng ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, có sức lan tỏa trong cộng đồng người Pa Dí nói riêng và cộng đồng các dân tộc huyện Mường Khương nói chung.
Có thể kể đến gia đình ông Pờ Chín Hùng, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương; ông Thào Phủng Trường, thôn Tả Chu Phùng, xã Tung Phung Phố… là những điển hình trong phát triển kinh tế, minh chứng cho nỗ lực vươn lên, sức sáng tạo, là tấm gương để bà con noi theo trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đó là bà Pờ Chin Dín, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, người cả đời miệt mài, lặng lẽ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền dạy miễn phí cho thế hệ trẻ người Pa Dí giữ nghề truyền thống trong suốt hàng chục năm qua… Và còn biết bao tấm gương của cán bộ, đảng viên, Nhân dân người Pa Dí trên nhiều lĩnh vực khác đã cống hiến cho sự phát triển của quê hương xứ Mường.
Tại những thôn, bản chúng tôi đến, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đều khẳng định cộng đồng người Pa Dí không chỉ là một bộ phận riêng lẻ mà luôn hiện hữu và được đặt trong bức tranh tổng thể các dân tộc trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mường Khương, thực tế sống động từ các bản làng là minh chứng rõ nét cho thấy người Pa Dí là những nhân tố tích cực trong việc xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết với các dân tộc anh em khác, góp phần tạo nên "thế trận lòng dân" ở nơi biên ải.
Ông Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Mường Khương khẳng định: Thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện Mường Khương đã phát huy tốt nguồn nội lực để đem lại diện mạo mới cho địa phương. Thành quả đó phải kể đến sự chung tay, đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp, vươn lên và đoàn kết của đồng bào dân tộc Pa Dí. Với niềm tin sắt son vào Đảng, khát khao tự vươn lên, cùng với việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Pa Dí, tôi tin rằng, huyện Mường Khương sẽ ngày càng phát triển.
Hành trình dọc dài vùng biên đã khép lại, nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi những con người Pa Dí hồn hậu, chất phác được gặp, những miền quê tươi đẹp được đến ở “đất thép” Mường Khương.
Xin mượn lời của bài thơ được mệnh danh là “bản tuyên ngôn” của người Pa Dí để khép lại loạt bài này: “Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi! Ta cứ hát đời mình”. Và chúng tôi tin, với truyền thống tốt đẹp và bản lĩnh của mình, “cây hai ngàn lá” sẽ mãi tươi xanh, vững vàng để hát vang khúc ca ở miền núi đá ngút ngàn sương gió.