Đám tang muộn
Tham gia tìm kiếm cứu nạn từ ngày đầu cho đến khi lực lượng cuối cùng rút khỏi Làng Nủ, Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Độ lại tiếp tục chỉ huy dân quân xã giúp dân dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Hơn một tháng sau lũ, anh mới tổ chức được đám tang theo phong tục cho những người thân trong gia đình bị thiệt mạng trong trận lũ quét sạt lở đất ở Làng Nủ. Thi thể người em trai của anh tìm thấy ngày 8/10 cũng là nạn nhân được tìm thấy muộn nhất trong số những nạn nhân mất tích đến thời điểm này.
Là người con sinh ra và lớn lên ở Làng Nủ nên với anh, những người xấu số trong trận lũ quét kinh hoàng vừa qua đều là những người thân quen. Nghĩ đến thảm cảnh cách đây hơn một tháng, anh lại ngậm ngùi.
Hôm ấy, nước lũ sông Chảy dâng cao, lực lượng dân quân xã đang giúp các hộ dân ở khu vực ven sông di chuyển tài sản thì nhận được tin báo thôn làng Nủ xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hàng chục nóc nhà. Liên lạc với những người thân quen trong thôn thì thấy tất cả đều mất sóng điện thoại, khuôn mặt tái đi vì lo lắng, anh cứ thế nhằm hướng Làng Nủ lao đi thật nhanh. Các tuyến đường đều bị sạt lở, chia cắt chỉ còn cách đi bộ, vượt rừng, vừa đi anh Độ vừa chỉ đạo thôn đội trưởng huy động lực lượng dân quân tại chỗ và truyền tin cho nhau khẩn trương cơ động vào Làng Nủ.
Sáng 10/9, ngay sau khi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra, cán bộ, chiến sĩ dân quân xã Phúc Khánh là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường hỗ trợ đưa người bị thương đi cấp cứu, tìm kiếm người mất tích và chôn cất các nạn nhân thiệt mạng. Chạy đua với thời gian, ngay trong ngày đầu xảy ra lũ quét, lực lượng dân quân xã và người dân địa phương đã tìm được 12 thi thể bị lũ cuốn trôi.
Cứ có việc gì mình làm được thì mình làm, bây giờ nghĩ lại không kể xiết.
Khi lực lượng tìm kiếm của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 hành quân đến giúp dân, Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Độ đã cử chiến sĩ dân quân tham gia vào các tổ tìm kiếm của bộ đội, lực lượng còn lại hỗ trợ chôn cất thi thể. Thuộc từng căn nhà, từng khe suối nên sự hỗ trợ của dân quân Phúc Khánh đã giúp công tác tìm kiếm của bộ đội hiệu quả hơn.
Ngày đầu đến tập kết, bộ đội chưa ổn định nơi ăn chốn ở, Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Độ cùng lực lượng dân quân cũng giúp bộ đội dựng lều bạt, kéo đường điện nước rồi vận động bà con trong thôn tạo điều kiện cho bộ đội ăn ở, sinh hoạt. "Cứ có việc gì mình làm được thì mình làm, bây giờ nghĩ lại không kể xiết". - Anh Độ tâm sự. Khi các lực lượng tìm kiếm của quân đội, công an, biên phòng rời Làng Nủ, lực lượng dân quân xã lại tiếp tục tìm kiếm cho đến khi được lệnh dừng hoạt động.
Trắng tay sau lũ
Sau trận lũ lịch sử, những căn nhà đầu tiên của người dân bị mất nhà ở do mưa lũ đang dựng lên ở bản 3 Là - nơi chịu thiệt hại nặng nhất trên địa bàn xã Xuân Thượng, nhịp sống thường ngày dần trở lại. Hôm nay, anh Lương Văn Soái, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng mới có thời gian lo việc gia đình.
Nhớ lại trận mưa lũ vừa qua, Bí thư Soái cho biết, dù chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất nhưng không ai ngờ được sức tàn phá lại ghê gớm đến thế. Ngay từ sáng 9/9, khi có thông báo các thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ, nước sông Chảy dâng cao lịch sử, lãnh đạo xã đã tập trung huy động Nhân dân khẩn trương di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Là lãnh đạo xã lại cư trú ở thôn nên anh Soái trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn, tất cả hộ dân trong khu vực nguy hiểm được đưa đi lánh nạn.
10 giờ tối 9/9, nước sông Chảy đạt đỉnh, cả khu vực bản 3 Là mênh mông giữa biển nước, quả đồi cao ở giữa thôn bất ngờ đổ ập xuống, tạo thành cột sóng cao hơn 10 m đánh sập hoàn toàn 14 căn nhà, làm 3 người chết.
Khi dòng nước tạm rút, anh Soái cùng lực lượng tại chỗ và bà con trong thôn chạy đua xuyên đêm cứu hộ các gia đình bị sập nhà, mang thi thể để tạm vào lán. Trời tối, mưa vẫn xối xả khi ấy dù cách nhà hơn 200 m nhưng anh vẫn chưa biết căn nhà của mình đã bị sập hoàn toàn.
Sáng hôm sau, trời còn chưa tỏ, Bí thư Soái lại tất bật giúp các hộ trong thôn chạy thóc lúa bị ngập nước. Khi trời hửng sáng nhìn sang căn nhà của mình mới giật mình thấy tan hoang hết. Căn nhà kiên cố bị sóng nước ập vào nát vụn. “Chiều hôm trước, căn nhà ngập đến tận nóc nghĩ là tài sản giấy tờ hư hỏng hết, sáng hôm sau nhìn lại thì khung cảnh tan hoang quá sức mình tưởng tượng”.
Sau phút trấn tĩnh, anh lại tất cả ngược xuôi tiếp cận các hộ dân cố vớt vát lại chút đồ dùng, thóc gạo cho bà con. “Nhà mình đổ sập hoàn toàn, lại khó tiếp cận nên cứ đi giúp bà con trước đã” - anh Soái cho biết.
Đường từ bản 3 Là đến trung tâm xã hoàn toàn bị cô lập, không có điện nước, mất liên lạc, người dân hoang mang. Bí thư Soái bàn với cán bộ thôn bản cử người vượt rừng, vượt sông ra thị trấn Phố Ràng mua một động cơ hàn vào thuyền gỗ làm thuyền máy phục vụ công tác cứu hộ, tiếp tế.
Sau hai ngày chỉ đạo cứu hộ ở bản 3 Là, Bí thư Soái tiếp tục xuôi thuyền máy qua thị trấn Phố Ràng về trung tâm xã Xuân Thượng cùng cấp ủy đảng, chính quyền xã chỉ đạo khắc phục hậu quả tại các bản 3 Thâu, 4 Vành, nơi các hộ dân cũng đang bị cô lập.
Các tuyến đường đến trung tâm xã đều bị chia cắt, vì vậy chỉ còn duy nhất con đường tiếp tế bằng đường sông. Một bến đò tạm được thiết lập từ thị trấn phía Nam thị trấn Phố Ràng sang Soi Bầu, Bí thư Soái huy động bà con các thôn tham gia vận chuyển hàng nhu yếu phẩm xuống thuyền đưa sang sông rồi chở xe máy về tập kết ở trung tâm xã, sau đó phân phối đi các thôn.
Khi cơ bản giải quyết xong nhu cầu phẩm cho bà con thì việc cấp bách lúc này là phải thông các đường vào Xuân Thượng. Trong điều kiện nguồn lực của xã có hạn, Bí thư Soái cũng lãnh đạo chủ chốt xã đã vận động một số hộ dân máy xúc trên địa bàn hỗ trợ san gạt đất đá thông tuyến, trước mắt đảm bảo cho xe máy đi được để bà con tiếp nhận hàng cứu trợ từ bên ngoài chuyển đến.
Đến ngày thứ 4, các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến thôn đã cơ bản thông tuyến. Hai ngày sau ô tô đã có thể đi vào vào thôn, giao thông thông suốt, bà con dần ổn định tinh thần, bắt tay khắc phục hậu quả.
Những ngày này, Bí thư Lương Văn Soái cùng cấp ủy đảng, chính quyền khẩn trương giúp dân dựng lại nhà sau bão. Toàn xã có 40 căn nhà sập hoàn toàn, đến nay, nhờ nguồn lực hỗ trợ được phân bổ kịp thời, tất cả các hộ đã khởi công dựng lại, phấn đấu đến 31/12 bà con đều được ở trong những căn nhà mới. Song song với đó, xã cũng phát động cán bộ, công chức “cùng nhau về thôn”, hỗ trợ bà con xuống đồng khôi phục diện tích bị vùi lấp. Hiện nay, 60 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt đã được khôi phục. Những cánh đồng trồng ngô, khoai tây, bí đỏ, rau các loại đang dần hồi xanh.
Bão lũ chỉ diễn ra trong vài ngày đã phá đi thành quả, công sức cả chục năm gây dựng nhưng tinh thần, trách nhiệm của những người như anh Hoàng Văn Độ, Lương Văn Soái và nhiều cán bộ thầm lặng gác việc nhà lo cho dân đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc và được người dân ghi nhận, trân trọng.