Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Ngày 1: Từ nơi sông Hồng hòa nhịp cùng biển cả

Ngày 1: Từ nơi sông Hồng hòa nhịp cùng biển cả

Chìm đắm trong vẻ đẹp bất tận của dòng sông mang sắc đỏ, hành trình dài đưa chúng tôi đến cuối nguồn - nơi sông Hồng hòa nhịp cùng biển cả, rồi lại ngược dòng trở về Lào Cai - nơi đầu nguồn sông mẹ. Sông Hồng còn nhiều tên gọi khác như: Nhị Hà, Hồng Hà, sông Cái, sông Thao, mỗi vùng đất dòng sông chảy qua mang một vẻ đẹp riêng. Hành trình cả ngàn kilômét đi qua 9 tỉnh, thành phố, dòng sông mẹ như nhạc trưởng dẫn dắt bản giao hưởng của thiên nhiên, đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến thú vị khác.

hanh-trinh-nguoc-song-hong-kham-pha-ve-dep-bat-tan.jpg

Nơi dòng sông hòa nhịp cùng biển cả mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời và độc đáo. Từ những khu rừng ngập mặn ngút tầm mắt đến những bãi biển trải dài, cảnh sắc thiên nhiên nơi này quyến rũ như một bức tranh sống động.

hanh-trinh-nguoc-song-hong-kham-pha-ve-dep-bat-tan-8028.jpg

4 giờ sáng, dải đất Cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình còn im lìm trong bóng đêm, chúng tôi thức dậy, đi dọc hàng dương lộng gió để đến gần ngọn hải đăng Ba Lạt.

Lẫn trong gió là mùi mặn mòi đặc trưng của miền biển, khác hẳn với bầu không khí thường ngày ở mảnh đất biên cương Lào Cai. Đâu đó trên những vuông tôm, ao cua, đầm phá, nhiều người đã thức dậy để bắt đầu công việc và cuộc sống thường nhật. Trên đường, vài người tản bộ, đạp xe vừa thưởng thức bầu không khí dịu mát và vừa tập thể dục trước khi bắt đầu ngày mới.

baolaocai-br_img-4490.jpg
Ngọn hải đăng tại cửa biển Ba Lạt lúc bình minh.

Chọn một góc máy ưng ý nhất hướng về ngọn hải đăng có ánh đèn chớp sáng đều đều, chúng tôi chầm chậm chờ đợi khoảnh khắc hừng đông hửng sáng ở nơi đặc biệt này. Trong làn sương sớm nơi cửa biển Ba Lạt, lắng nghe rõ âm thanh ràn rạt của gió thổi trên mặt nước và tiếng những chú chim ríu rít gọi bầy chào đón bình minh. Từng phút, từng giây nhẹ nhàng trôi qua, khung cảnh dần dần hiện rõ.

baolaocai-br_img-4489.jpg
Những người dân bắt đầu một ngày chài, lưới.

Hừng đông ửng đỏ, mặt trời ló rạng sau những đám mây. Khoảnh khắc chờ đợi bình minh nơi cửa sông thật thú vị, vừa hồi hộp vừa háo hức lạ kỳ. Sương tan dần, ánh sáng trong veo, mặt nước lăn tăn gợn sóng in bóng hàng dương, vài chiếc thuyền nan của ngư dân lướt nhanh báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu. Cảnh bình minh nơi cửa biển trong một ngày nắng mới thật đẹp khiến đồng nghiệp của chúng tôi phải thốt lên: “Ôi! Đây chẳng phải bức tranh thủy mặc tuyệt vời của mẹ thiên nhiên sao!”

baolaocai-br_img-4483.jpg
Bình minh ở Ba Lạt đẹp như một bức tranh.

Vậy là chúng tôi đã có trải nghiệm đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá những vùng đất dọc theo dòng sông mẹ, đó là buổi bình minh trong trẻo, bình yên nơi dòng sông hòa nhịp vào biển cả - cửa Ba Lạt.

Cửa Ba Lạt nằm ở giữa huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình – nơi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa hòa mình vào biển cả, tạo nên bức tranh hài hòa, tuyệt đẹp. Ở đây, tuy dòng nước không còn chảy cuồn cuộn nhưng sức nước rất mạnh, lòng sông vẫn trầm đục phù sa.

baolaocai-br_img-4501.jpg
Nơi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa hòa mình vào biển cả.

Theo lời kể của những người cao niên, trước thế kỷ XVIII, nơi đây không phải là cửa sông mà chỉ là một nhánh sông nhỏ, bờ bên này và bờ bên kia có thể kết nối với nhau bằng những cây tre buộc bằng ba chiếc lạt.

Cũng có câu chuyện truyền miệng rằng “mỗi khi làm cầu, những người dân nơi đây phải đóng góp một cây tre và ba chiếc lạt” nên cửa sông này mới có tên gọi là cửa Ba Lạt. Nhiều người lại cho rằng Ba Lạt là tên một làng cổ của vùng đất cửa sông này.

Chính tại nơi dòng sông Hồng hòa nhịp vào biển cả, năm 1962, người ta đã xây dựng nên một ngọn hải đăng mang tên Ba Lạt cao 38m - là ngọn đèn dẫn lối cho tàu thuyền hoạt động trên biển an toàn.

baolaocai-br_img-4500.jpg
Làng chài Cao Bình.

Khi khoảnh khắc bình minh đã thu gọn vào tầm nhìn và ống kính, chúng tôi tiếp tục đi theo đê biển để khám phá cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thường ngày của người dân vùng cửa sông.

Cách ngọn hải đăng Ba Lạt chỉ vài trăm mét là làng chài Cao Bình. Khi chúng tôi ngỏ lời muốn tìm hiểu về “nghề biển” – ngư dân Trần Văn Tài sẵn sàng chèo thuyền thúng qua đón chúng tôi lên tàu.

baolaocai-br_img-4499.jpg
Chủ tàu cho người đón chúng tôi lên tàu.

Anh Tài bảo: “Cô chú may mắn đấy vì hôm nay là ngày biển động nên chúng tôi ở nhà sửa chữa, chuẩn bị ngư cụ. Ở đây, mỗi chiếc tàu đánh cá là một gia đình. Trẻ con cũng được sinh ra trên tàu và nối nghiệp chài lưới của ông cha”.

baolaocai-br_img-4491.jpg

Thấy chúng tôi đến, nhiều chủ tàu khác cũng gác lại công việc, hồ hởi đón tiếp và kể về nghề đánh bắt thủy sản nơi cửa Ba Lạt. Ở làng chài Cao Bình, đa số là tàu nhỏ, đánh bắt các loại thủy, hải sản gần bờ, trong đó có cá khoai là loại đặc sản làm nên thương hiệu của vùng đất Thái Bình. Hết mùa cá khoai, ngư dân lại đánh bắt các loại thủy hải sản khác gần bờ theo mùa trong phạm vi 20 hải lý tính từ cửa sông Ba Lạt.

baolaocai-br_img-4488.jpg
Ngày biển động nên người dân làng chài ở lại thuyền, tàu vá lưới.

“Nếu ngày biển lặng, chúng tôi mời cô chú lên tàu, trải nghiệm “nghề biển” với ngư dân làng chài Cao Bình” – một chủ tàu mời.

baolaocai-br_img-4502.jpg
baolaocai-br_img-4492.jpg
Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.

Trên những con tàu nằm nghỉ nơi cửa sông Ba Lạt, chúng tôi được nghe ngư dân kể về cuộc sống lênh đênh trên biển nhiều thú vị nhưng cũng không kém phần khó khăn, thử thách. Có những chuyến đi biển đầy ắp cá tôm, cũng có những chuyến đi gặp nhiều sóng gió hoặc cả ngày đánh bắt cũng không đủ chi phí để trang trải cuộc sống nhưng ngư dân làng chài Cao Bình vẫn quyết tâm bám biển.

Thời gian ngắn ngủi ở trên tàu, chúng tôi cũng được ngư dân dạy cách đan, sửa ngư cụ, được trải nghiệm một bữa sáng đầy “đặc sản” do chính ngư dân nơi đây mới khai thác trên biển.

Rời làng cá Cao Bình chúng tôi tiến về Khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Tại đây có nhiều dịch vụ để bạn trải nghiệm như nghỉ dưỡng, ẩm thực, tắm biển. Chúng tôi đi chân trần ra biển, để chân vùi dưới dòng nước mặn và cát, ngắm nhìn những tia nắng buổi sớm chiếu xuống mặt nước lấp loáng như chiếc gương. Buổi sáng ở nơi này, dù ngắm ở góc nào bạn cũng sẽ thấy thiên nhiên đẹp như một bức tranh.

hanh-trinh-nguoc-song-hong-kham-pha-ve-dep-bat-tan-6083.jpg

Tiếp nối hành trình khám phá sông Hồng, chúng tôi di chuyển qua bến đò Ông Già, đi thêm 10 km đường bộ để tới Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ - nơi được mệnh danh là “ga chim” lớn nhất nhì Đông Nam Á.

Trên đài quan sát của vườn quốc gia, phóng tầm mắt ra xa là bốn bề rừng ngập mặn. Không gian rộng lớn, bạt ngàn màu xanh sú vẹt – tiếc là khi chúng tôi đến chưa phải là mùa những đàn chim di cư tìm về tránh rét. Mùa này, chỉ có những chú chim bói cá, lác đác vài chú cò trắng lang thang kiếm mồi hay vài con sáo sậu cô đơn trên những bãi cỏ ven đê.

baolaocai-br_img-4496.jpg
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ - nơi được mệnh danh là “ga chim” lớn nhất nhì Đông Nam Á.

Men theo những con đường nhỏ và hẹp vào sâu trong vườn chúng tôi bắt nhịp với một đoàn khách để lên tàu đi khám phá hệ sinh thái tại vườn quốc gia. Anh nhân viên trên du thuyền nhanh nhảu: “Hơi tiếc là đợt này anh chị đến thăm vườn không đúng dịp chim di cư. Vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau các anh chị tới đây sẽ được chứng kiến hình ảnh hàng ngàn con chim bay náo động cả khu vườn”.

baolaocai-br_img-4486.jpg
Những con thuyền đưa du khách đến "ga chim".

Thuyền rời bến, vòng qua những khu rừng ngập nước, thi thoảng trong rừng cây lại có tiếng động, vài chú chim đập cánh rồi vút bay xa. Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm du lịch nổi tiếng với hệ sinh thái mang lại nhiều giá trị được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại khu vực sông Hồng. Được vun bồi bởi phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển, do đó nơi đây trở thành “ngôi nhà” lý tưởng của nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt được coi là “sân ga” của nhiều loài chim quý hiếm. Mùa chim di trú, từ phương Bắc lạnh giá hàng chục ngàn cá thể chim đã chọn Xuân Thuỷ làm điểm dừng.

baolaocai-br_img-4497.jpg
baolaocai-br_img-4485.jpg
Những điều thú vị ở "ga chim".

Thuyền dừng lại trên bãi cát nơi cửa Ba Lạt, du khách thích thú trải nghiệm đi chân trần để tìm và tự tay đào bắt những con ngao ẩn mình dưới cát. Lang thang chụp ảnh, trải nghiệm với những chòi nuôi ngao trên cửa sông, đoàn du khách tiếp tục tìm một vị trí thích hợp để dựng trại, nấu ăn và thưởng thức hải sản.

Sau nửa ngày lang thang theo dòng nước để khám phá vẻ đẹp hoang sơ mà yên bình của vùng đất ngập nước nổi tiếng, chúng tôi nói lời tạm biệt “ga chim” với lời hứa sẽ trở lại nơi này để dựng lều cắm trại qua đêm, để câu tôm, câu cá và ngắm đàn chim di cư từ phương Bắc về đây tránh rét.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam lọt vào top 5 điểm đến của khách du lịch Nga

Việt Nam lọt vào top 5 điểm đến của khách du lịch Nga

Ngày 15/4, theo Hiệp hội Các công ty lữ hành của Nga, khoảng 900 nghìn người Nga sẽ đi du lịch nước ngoài vào kỳ nghỉ tháng 5, tăng 200 nghìn người so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam lọt vào top 5 điểm đến ở nước ngoài được du khách Nga lựa chọn.

Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới

Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới

Triển lãm du lịch và kỳ nghỉ lần thứ 28 của Canada được tổ chức vào cuối tuần qua với sự tham gia tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao quốc tế, các công ty lữ hành, hãng hàng không và các nhà điều hành dịch vụ du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Ứng dụng AI để phát triển du lịch bền vững

Ứng dụng AI để phát triển du lịch bền vững

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), ngành Du lịch không tránh khỏi việc bị tác động. Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng thích ứng, áp dụng các công nghệ mới, trong đó có AI để phục vụ du khách tốt hơn, nâng cao hiệu quả trong quản lý và phát triển du lịch bền vững.

Du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Trước bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Giờ đây, du lịch xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu nếu muốn phát triển bền vững, lâu dài .

Hội thảo và tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp

Hội thảo và tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp

Ngày 11/4, Đại học Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Bắc Hà tổ chức Hội thảo “Tiềm năng du lịch nông nghiệp và kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam”; tập huấn nghiệp vụ quản lý, vận hành mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Ba điểm đến tạo hành trình du lịch xanh

Ba điểm đến tạo hành trình du lịch xanh

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2025, chiều 10/4, UBND tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ba tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình với chủ đề “Hành trình du lịch xanh”.

Cơ hội quảng bá du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản

Cơ hội quảng bá du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản

Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội - VITM Hà Nội 2025 với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam” diễn ra từ ngày 10 đến 13/4/2025 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE Hà Nội (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, số 91 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch Việt Nam.

fb yt zl tw