Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Ngày 2: Về làng Vũ Đại thăm nhà Bá Kiến

Ngày 2: Về làng Vũ Đại thăm nhà Bá Kiến

Làng Vũ Đại nổi tiếng trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thực tế được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây cũng là địa điểm tiếp theo trong hành trình du lịch ngược sông Hồng mà chúng tôi tìm đến.

hanh-trinh-nguoc-song-hong-kham-pha-ve-dep-bat-tan-3401.jpg

Mặc dù đã đô thị hóa nhiều nhưng đường về nhà Bá Kiến vẫn còn mang đậm nét thôn quê với ruộng lúa, bãi ngô, những ngôi nhà mái ngói, tường gạch rêu phong đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Chúng tôi không khó để tới nhà Bá Kiến vì ngôi nhà nổi tiếng đã đi vào văn chương, là điểm du lịch trải nghiệm nổi tiếng của Lý Nhân.

baolaocai-c_img-4507.jpg
Nhà Bá Kiến.
baolaocai-c_img-4513.jpg
Bà Ngà giới thiệu về lịch sử nhà Bá Kiến.

Nhà Bá Kiến khá nhỏ so với những gì tôi tưởng tượng, thế nhưng không khỏi ngạc nhiên bởi trải qua hơn 100 năm mà ngôi nhà vẫn giữ được nguyên kiến trúc. Trước sân là vườn chuối, cây chanh đang nở hoa toả hương thoang thoảng. Bà Trần Thị Ngà - người trông coi nhà Bá Kiến giới thiệu với chúng tôi đôi nét về lịch sử căn nhà.

Bà Ngà cho biết: “Nhà tôi ở cách đây khoảng 100m, tôi trông coi ngôi nhà Bá Kiến gần 20 năm hoàn toàn không lương. Gia đình tôi có nghề làm cá kho truyền thống và nguồn thu nhập chính đều từ việc làm và bán cá kho, trong đó chủ yếu là bán cho khách du lịch. Tôi trông coi nhà và giới thiệu tới du khách món cá của quê hương”.

baolaocai-c_img-4508.jpg
Giếng nước trước sân nhà.

Có lẽ đọc truyện Chí Phèo nhiều người thắc mắc Bá Kiến có thật không? Thực tế, nhân vật này hoàn toàn có thật. Nguyên mẫu hình tượng Bá Kiến của nhà văn Nam Cao chính là Bá Bính, tên thật là Trần Duy Bính.

Nhà Bá Kiến đến nay đã trải qua 7 đời chủ. Ngay sau khi cụ Cựu Hạnh – người xây dựng ngôi nhà này qua đời, người kế thừa là cụ Xầm. Thế hệ kế thừa tiếp đến là Cựu Cát. Tuy nhiên, Cựu Cát là người đam mê bài bạc nên đã bán lại cho Bá Bính làm nhà thờ. Sau này ngôi nhà được giao cho nhà nước quản lý, trở thành địa chỉ để du khách gần xa tới tham quan.

baolaocai-c_img-4511.jpg
Khu vườn chuối trước cửa nhà Bá Kiến.

Đứng giữa ngôi nhà 3 gian, tôi như được trở về với những hình ảnh xưa cũ bởi từng chi tiết của ngôi nhà này đều phác họa một phần của lịch sử. Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách truyền thống của người Việt. Trong nhà có 4 hàng cột với tổng 16 cây cột gỗ lim. Từng chân cột đều được kê đá tảng - chi tiết này còn được đẽo gọt hết sức công phu.

Phần mái lợp loại ngói ta, hai đầu bờ nóc được thiết kế với đấu vuông giật cấp. Dù đã trải qua hơn 100 năm dãi nắng dầm mưa, mái ngói của ngôi nhà chưa một lần tu sửa nhưng vẫn phẳng lỳ, không dột nát, các hoa văn chạm khắc chữ nho, hình rồng ở văng, kèo dường như vẫn còn nguyên.

baolaocai-c_img-4521.jpg
Cụ bà ngồi bán chuối tiến vua trước nhà Bá Kiến.

Được biết, trước đây, nhà Bá Kiến cũng là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ vật đáng giá như: hoành phi, câu đối, tranh ảnh… nhưng một số đã bị bán hoặc mọt mối theo thời gian.

baolaocai-c_img-4516.jpg
Kiến trúc nhà Bá Kiến.

Trải qua hơn 100 năm thăng trầm nhưng ngôi nhà Bá Kiến chỉ được cả nước biết đến nhờ một sự kiện, đó là vào năm 1941, truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao được xuất bản.

Ngày nay, đến thăm nhà Bá Kiến, du khách được trải nghiệm, tham quan tự do, ngôi nhà cổ này cũng là niềm tự hào của người dân Đại Hoàng.

hanh-trinh-nguoc-song-hong-kham-pha-ve-dep-bat-tan-496.jpg

Rời nhà Bá Kiến, chúng tôi đi sang nhà đối diện, nơi toả khói nghi ngút nhưng cũng dậy hương thơm rất đặc trưng - đó là hương thơm của cá kho, đặc sản nổi tiếng mà bất cứ ai đến làng Vũ Đại cũng muốn thưởng thức.

Trong không gian mờ ảo tràn ngập khói, trên bếp than củi lửa đỏ rực, những chiếc nồi đầy ắp cá đang sôi nhẹ, hương cá thơm phức khiến bất cứ ai cũng muốn bới cho mình một tô cơm để thưởng thức miếng cá kho nhừ, nóng hổi trên bếp.

baolaocai-c_img-4512.jpg
Nơi chế biến món cá kho đặc sản.

Ngoài sự nổi tiếng về miếng cá kho xương nhừ, thịt chắc, thơm phức thì món cá kho làng Vũ Đại còn có những giá trị riêng mà không nơi đâu có được. Không giống với bất kỳ món cá kho của vùng miền nào, với những bí quyết kho cá không “đụng hàng”, cá kho quê anh Chí dùng nguyên liệu chính là các loại cá nước ngọt.

Cá được kho theo cách truyền thống từ thời xa xưa với các nguyên liệu quen thuộc gồm: gừng, riềng, nước chanh, hành, ớt, nước cốt cua đồng… nhưng được gia giảm bằng “bí quyết” riêng của người dân làng Vũ Đại. Cá còn được kho rất kỳ công trong vòng 12 tiếng bằng gỗ nhãn, vì theo người dân, khói của gỗ nhãn bay lên không bị ám mùi, than đượm giúp người kho dễ điều chỉnh nhiệt độ hơn.

baolaocai-c_img-4506.jpg
Niêu đất để kho cá.

Giữa lúc hàng trăm nồi cá đang kho, ngày bên cạnh gian bếp là 3 - 4 nhân công đang đóng gói, dán tem hàng trăm tô cá khác để chuyển đi. Chị Trần Thu Hường, chủ Cơ sở Cá kho quê anh Chí làng Vũ Đại chia sẻ: Các thế hệ của gia đình tôi đều biết kho cá. Đến thời bố mẹ tôi bắt đầu kho cá để bán nhưng chủ yếu bán cho người quanh vùng. Mấy chị em trong gia đình tôi kế thừa nghề của bố mẹ, không ngừng mở rộng đầu tư nhà xưởng với nhiều loại máy móc để có thể kho cá với sản lượng lớn cung cấp hàng đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, còn đóng hàng cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

baolaocai-c_img-4515.jpg
Cá kho làng Vũ Đại có hương vị đặc trưng nhờ được kho trong niêu đất.

Ngày nay, dù được kế thừa qua nhiều thế hệ nhưng những niêu cá kho vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống mà ông bà để lại. Đặc biệt, cá được kho trong niêu đất cổ, không chỉ là dụng cụ kho cá giúp giữ nhiệt lâu, tăng hương vị thơm ngon cho món ăn, mà còn là biểu tượng cho văn hóa, nếp sinh hoạt của người Việt xưa.

baolaocai-c_img-4518.jpg
Niêu cá thơm, ngon, hấp dẫn.

Sau khi thưởng thức đặc sản của quê anh Chí, chúng tôi tiếp tục dạo một vòng quanh làng Vũ Đại thăm nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao.

Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi được biết nơi này còn là ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt vải đũi thô sơ. Ngày nay, không còn nghe tiếng thoi đưa lách cách của khung mỏ quạ mà thay vào đó là âm thanh dệt vải bán công nghiệp khắp xóm làng.

baolaocai-br_img-4523.jpg
Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao.
baolaocai-br_img-4522.jpg
Ngôi làng còn nổi tiếng với nghề dệt.

Sau một ngày về quê anh Chí, thăm nhà Bá Kiến và viếng mộ nhà văn Nam Cao, chúng tôi rời làng khi bóng chiều đã ngả, vệt nắng tà yếu ớt rọi xuyên qua thước vải trắng phơi trong vườn tạo nên khung cảnh thật đẹp. Tạm biệt một làng quê yên bình và mộc mạc nữa trong hành trình chúng tôi đi qua.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Dưới nếp nhà sàn mộc mạc bên dòng suối mát, từ những cánh đồng tốt tươi chuyển mình theo mùa cho đến bữa cơm ấm áp trong điệu then ngọt ngào, văn hóa Tày ở thung lũng Lâm Thượng (Lào Cai) đang được giữ gìn và lan tỏa bởi chính những người con quê hương.

'Sống chậm' ở bản Sưng

'Sống chậm' ở bản Sưng

Có một nơi mà thời gian như ngưng đọng. Bước chân vội vã nơi phố thị dường như chẳng thể len lỏi tới được. Ở đó, người ta sống với núi rừng, với gió và nụ cười mộc mạc thuần hậu. Nơi ấy là xóm Sưng, nằm nép mình dưới chân núi Biều, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Vùng đất Mù Cang Chải sở hữu bức tranh thiên nhiên cuốn hút với cảnh ruộng bậc thang hùng vỹ, núi đồi trập trùng và nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Giữa bức tranh hùng vỹ ấy, có chàng trai người Mông đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao. Đó là Thào A Su, sinh năm 1994, ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, tỉnh Yên Bái (cũ), nay thuộc xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai.

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Làn sóng dịch chuyển từ du lịch tiêu dùng sang du lịch trải nghiệm đang ngày càng rõ rệt. Đây không chỉ là bước ngoặt cho ngành du lịch cộng đồng, mà còn là cơ hội lớn để những bản làng giữ gìn hồn quê, phát triển, xây dựng bền vững các homestay.

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Sáu tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai tăng trưởng ấn tượng, thu hút hơn 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Từ ngày 1/7, sau khi sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới được kỳ vọng tiếp tục trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc, hướng tới mục tiêu đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030.

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách chọn Lào Cai để tham quan, nghỉ dưỡng, bởi cái họ tìm đến không chỉ là không khí trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, mà còn là trải nghiệm văn hóa, điều mà không resort nào ở nơi khác có thể sao chép được.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Đến với Hồ Thác Bà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được đi trên những con thuyền để ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước, thăm các nhà nổi nuôi cá lồng mà giờ đây còn được tận mắt ngắm nhìn, thu hái và thưởng thức những trái nho ngọt ngào.

Chạm vào bản Thái

Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

fb yt zl tw