Chúng tôi trở lại Làng Nủ đúng hôm không khí lạnh tràn về. Tiết trời se lạnh, sương mây phủ trắng trên triền núi khiến tôi rùng mình nhớ lại khung cảnh cách đây hơn một tháng vào cái ngày định mệnh. Sau cuộc tìm kiếm kéo dài, vẫn còn 7 thi thể nằm dưới lớp bùn sâu, để lại nhiều nỗi day dứt cho những người ở lại.
Không khí đặc quánh, u buồn ấy nhanh chóng được xua tan bởi tiếng máy đã rền vang trên công trường tái thiết Làng Nủ. Những chiếc máy xúc, máy ủi cỡ lớn đang san gạt mặt bằng, đào đắp nền, hố móng các căn nhà; ô tô chở đất, đá, sắt thép, cấu kiện bê tông chạy rầm rập. Hai căn nhà đầu tiên đang được các tốp thợ lắp dựng. Từng bộ phận cột, dầm, sàn bê tông được đúc sẵn tại nhà máy được vận chuyển lên công trường, sau đó đưa đến các vị trí lắp đặt. Tại đây, những người lính thợ hiệu chỉnh từng cột nhà vào vị trí các hố móng đúc sẵn và tỷ mỷ điều chỉnh các bộ phận khớp nối chính xác từng xăng ti mét. Sau khi hoàn thiện khung nhà, một bộ phận khác tiếp tục lắp đặt sàn và tường vách.
Chúng tôi men theo con đường công vụ ngoằn nghoèo được đắp tạm men theo sườn đồi lên điểm cao nhất của khu tái định cư để nhìn thấy toàn cảnh. Từ trên điểm cao, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh khu đồi 13 ha sau khi hoàn thành công tác san gạt đã hình thành mặt bằng thoáng rộng, tôi mường tượng về những hình ảnh trong phối cảnh những căn hộ thiết kế theo kiến trúc nhà sàn nay mai hiện hữu trên mảnh đất này sẽ đẹp biết mấy.
Cách đây 2 tuần, ngày 3/10, ngay tại công trường này, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Tư lệnh Binh Đoàn 12, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã trực tiếp báo cáo tiến độ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và cam kết ngày 15/10 sẽ tiến hành lắp dựng 4 căn nhà đầu tiên; quyết tâm đến ngày 30/11, đơn vị cơ bản lắp xong 40 ngôi nhà. Cùng với đó là xây dựng các điểm trường và nhà sinh hoạt cộng đồng… Sau đó, 1 tháng còn lại của năm sẽ tiến hành hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đường nội bộ, đơn vị sẽ thi công cả ngày và đêm để đáp ứng tiến độ thời gian.
Thượng tá Vũ Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Thực hiện lời hứa trước Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nhân dân Làng Nủ và cam kết với Bộ trưởng Phan Văn Giang, các cán bộ, kỹ sư, công nhân nơi đây đã tranh thủ thời tiết thuận lợi, dồn sức thi công, ngày đêm sớm tối, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, kỹ thuật.
Trên công trường hiện tại luôn duy trì 160 cán bộ, kỹ sư, công nhân, gồm các bộ phận chỉ huy quản lý, đào móng, đổ bê tông, thi công lắp dựng cột dầm sàn, lực lượng tập kết tường vách, cấu kiện, vật liệu, sắt thép… Để đảm bảo tiến độ khắt khe đã đề ra, các mũi sẽ thi công cuốn chiếu, khi mặt bằng được bàn giao đến đâu sẽ bắt tay vào thi công ngay đến đó nhằm tiết kiệm thời gian. "Những ngày qua, chúng tôi duy trì thi công liên tục làm cả ngày lẫn đêm, có tốp thợ do yêu cầu công việc thi công đến 3h sáng hôm sau" - Thượng tá Dũng cho biết.
Với yêu cầu đặc biệt về cả tiến độ và kỹ thuật, Binh Đoàn 12 cũng huy động lên công trường 50 đầu xe máy các loại và 20 xe ô tô tải trọng lớn để vận chuyển đất đá. Đơn vị cũng lắp đặt 2 cẩu lớn chuyên dụng để lắp đặt dầm sàn, 1 cẩu nhỏ phục vụ hạ tải vật liệu cấu kiện xuống vị trí lắp dựng. Ngoài ra, do các tuyến đường dẫn vào công trường nhỏ hẹp, không đảm bảo an toàn cho xe đầu kéo di chuyển, đơn vị phải bố trí 2 máy cẩu để hạ tải từ xe đầu kéo sang xe tải nhỏ.
Tại nhà chỉ huy công trường, bảng kế hoạch tiến độ được tính toán chi tiết từng căn hộ. Đúng cam kết với Bộ trường Phan Văn Giang, ngày 15/10, những căn nhà đầu tiên của khu tái thiết đã được lắp dựng, đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện đổ bê tông hố móng cho 7 căn nhà.
Câu chuyện của chúng tôi với đồng chí Chỉ huy trưởng công trường bị ngắt quãng khi cơn mưa bất chợt đổ xuống, vậy nhưng, mọi hoạt động trên công trường vẫn diễn ra bình thường. Thượng tá Dũng cho biết, nếu mưa lớn ảnh hưởng đến thiết bị, nguy cơ mất an toàn cao phải tạm dừng thi công thì sẽ phải tăng ca, tăng kíp để bù tiến độ; còn nếu mưa nhỏ, sẽ căng bạt tiếp tục thi công đối với các hạng mục phù hợp.
Thượng tá Vũ Đình Dũng chia sẻ, thời tiết mưa gió cũng chính là điều đáng lo ngại nhất, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công mà còn khiến công tác vận chuyển vật liệu, cấu kiện bê tông gặp nhiều khó khăn do đoạn đường từ Quốc lộ 70 vào công trường gần 10 km nhỏ hẹp, xuống cấp, sạt lở, nguy cơ mất an toàn cao. Việc san tải sang xe nhỏ để đưa vào công trường mất nhiều thời gian và nhân lực.
Tuy nhiên, công trường lại có một điểm rất thuận lợi là mặt bằng thi công được bàn giao rất nhanh, bà con hết lòng ủng hộ, giúp đỡ. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Ban Quản lý dự án ĐTXD huyện Bảo Yên cho biết, chưa có dự án nào mà công tác giải phóng mặt bằng lại được tiến hành nhanh như vậy, từ khi công bố dự án đến khi giải phóng mặt bằng chỉ chưa tới 3 ngày. Nhờ đó, quá trình san tạo, đào đắp mặt bằng sớm được triển khai để bàn giao cho nhà thầu thi công. Đến đến hết ngày 15/10, Ban đã chỉ đạo đơn vị đào đắp, san lấp mặt bằng hoàn thành toàn bộ 40 nền nhà, cùng với đó thi công nền đường lên khu tái thiết. Ước tính, để hoàn thành mặt bằng tái định cư, đơn vị thi công đã phải đào đắp khoảng 15 vạn m3 đất đá. Hiện, Ban đang tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu triển khai phương tiện, nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dõi theo những người lính thợ đang gấp rút lắp dựng nhà sàn, chúng tôi gặp lại anh Sầm Văn Bóng, người dân Làng Nủ cũng đến giúp lắp đặt ván coppha, thu dọn công cụ lao động sau giờ làm việc. Trận lũ dữ vừa qua đã cướp đi của anh 5 người thân và toàn bộ nhà cửa, tài sản. Anh bảo, thỉnh thoảng lên công trường nhìn khí thế làm việc cho khuây khỏa và xem công nhân có việc gì cần thì mình giúp, vì các anh đang dựng nhà cho mình và bà con trong thôn. Nhìn khung nhà dựng lên thấy đẹp và rộng rãi, đúng như ước mơ của mình trước đây, chỉ là vợ con không còn để được ở cùng.
Gương mặt đượm buồn của anh Bóng khiến chúng tôi nhớ lại cách đây gần một tháng, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 khi chia tay Làng Nủ cũng không cầm được nước mắt, bởi dù đã cố gắng hết sức, họ vẫn thấy mình như có lỗi với bà con khi không thể thực hiện trọn vẹn lời hứa giúp đồng bào nơi đây tìm lại tất cả thi thể những người đã khuất. Hôm nay, trên công trường tái thiết, những đồng đội của họ, những người lính thợ từ Binh đoàn 12 đang nỗ lực nhiều hơn để bù đắp phần nào nỗi đau cho những người ở lại.
Thượng tá Dũng tiết lộ một điều ngẫu nhiên thú vị, căn nhà đầu tiên được lắp dựng là căn nhà số 5 trên sơ đồ, theo quan niệm sinh - lão - bệnh - tử của người Á Đông thì số 5 ứng với chữ sinh, chính là sự khởi đầu, bắt đầu của một sự sống mới. Hy vọng đó cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp ở khu tái thiết này.