Tham gia lễ khởi động dự án có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai; UBND huyện Bắc Hà và hai xã thuộc địa bàn dự án (Hoàng Thu Phố và Nậm Mòn), đại diện Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam cùng người dân tham gia dự án và các bên liên quan.
Dự án REDAA tại Lào Cai hướng tới việc khôi phục đất bị suy thoái, góp phần thích ứng, giảm nhẹ và bền bỉ với biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện sinh kế địa phương thông qua thực hành nông lâm kết hợp phù hợp với bối cảnh cụ thể, cải thiện cách quản lý nông trại, nâng cao mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị, cảnh báo sớm về rủi ro khí hậu và dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp.
Tại lễ khởi động, đại diện Hội Nông dân tỉnh đã giới thiệu nội dung, kế hoạch thực hiện và các hoạt động của dự án REDAA được phê duyệt tài trợ cho Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện giai đoạn 2024 - 2027.
Theo đó, dự án có tổng nguồn vốn thực hiện hơn 15,3 tỷ đồng, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED/Anh) tài trợ thông qua Tổ chức ICRAF; thời gian thực hiện kể từ ngày dự án được phê duyệt đến tháng 12/2027, địa điểm thực hiện tại xã Nậm Mòn và xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà.
Kết quả chủ yếu của dự án: Hơn 200 ha đất trồng trọt bị suy thoái ở hai xã Nậm Mòn và Hoàng Thu Phố sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng mất lớp đất mặt, các-bon hữu cơ trong đất và chất dinh dưỡng, cải thiện chất hữu cơ trong đất thông qua hệ thống nông lâm kết hợp bền vững; 100 hộ tham gia sẽ có thu nhập tăng ít nhất 10% so với khi bắt đầu dự án; 450 hộ nông dân (dân tộc thiểu số) sản xuất nhỏ sẽ có thể chịu ít thiệt hại hơn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan; 50 cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai được hưởng lợi từ hoạt động phát triển năng lực của dự án…
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đề nghị UBND huyện Bắc Hà, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã tham gia dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Đại Học Nông lâm Thái Nguyên để triển khai các hoạt động của dự án đảm bảo tiến độ, nội dung và kết quả đã đề ra. Các hội viên nông dân tham gia dự án phải tích cực, chủ động tuân thủ các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác đã đưa ra, cùng Ban Quản lý dự án lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của đất và tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết bền vững…
Tại lễ khởi động, các chuyên gia đến từ ICRAF tại Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và những lợi ích kinh tế, môi trường của các mô hình nông lâm kết hợp đã được ICRAF triển khai tại Việt Nam trong hơn 17 năm qua. Đồng thời, ICRAF cũng giới thiệu về Trung tâm học tập về Biến đổi khí hậu mà ICRAF đang triển khai tại Thái Nguyên...