Trên đường đưa chúng tôi lên thôn Sao Cô Sỉn, anh Chấu Seo Sèn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nấm Lư (Mường Khương) tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở Sao Cô Sỉn nên mình cũng hiểu rõ về mảnh đất này. Theo bậc cao niên kể lại: Từ rất lâu, 3 dòng họ Chấu, Sì, Sùng đi khai hoang, thấy mảnh đất này tương đối thuận lợi nên đã chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Khi đến đây, thấy nhiều cây thảo quả hoang mọc trong rừng, các cụ quyết định đặt tên là Sao Cô Sỉn, theo tiếng phổ thông là rừng thảo quả.
Đến tới ngã ba, chỉ có vài nóc nhà, thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Sèn giải thích: Từ ngã ba này, rẽ trái vào thôn Sao Cô Sỉn và rẽ phải vào thôn Lùng Cá Cồ. Tuy nhiên, từ năm 2017, hai thôn Sao Cô Sỉn và Lùng Cá Cồ sáp thành một và mang tên Sao Cô Sỉn.
“Cách đây khoảng 15 năm về trước, Sao Cô Sỉn là cái tên rất xa lạ, mỗi lần nhắc đến, nhiều người dân ở đây đều xấu hổ vì những biệt danh không mong muốn”, anh Sèn trải lòng. Do điều kiện thuận lợi, có những bãi chăn thả lớn nên người dân Sao Cô Sỉn tích cực phát triển chăn nuôi đại gia súc. Vào thời điểm đó, trung bình mỗi hộ dân ở đây nuôi từ 3 - 4 con trâu, chưa kể còn nuôi nhiều lợn nái. Tuy nhiên, do tập quán thả rông gia súc nên phân gia súc tràn ra đường.
Dù nói ra rất xấu hổ nhưng anh Sèn không quên thời gian ấy: Sau mỗi trận mưa, phân gia súc tràn ra đường, để tránh dẫm vào cũng khó, thành ra mỗi người đều trang bị cho mình đôi ủng. Chính vì vậy, người Sao Cô Sỉn đã từng nói với gánh hàng rong, đừng bán quạt và hãy bán ủng cho chúng tôi. Câu nói tưởng đùa nhưng lại rất thật vào thời điểm đó, bởi ở Sao Cô Sỉn, thời tiết mát mẻ, dù mùa hè nhưng buổi tối đi ngủ vẫn phải đắp chăn nên không cần phải đến quạt. Trong khi đó, đường lên Sao Cô Sỉn khi đó vẫn là đường đất, lầy lội mỗi khi trời mưa, thêm cả phân gia súc chảy tràn ra đường nên đi ủng là thượng sách.
Đường đi không thuận tiện, chăn nuôi theo hướng thả rông, ngoài ra cũng chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa nên cuộc sống của người dân Sao Cô Sỉn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao “chót vót” lên tới 80 -90%.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 15 năm trước, giờ đây khó khăn đã lùi dần phía sau. Đưa chúng tôi trải nghiệm tuyến đường bê tông trải dài trên địa bàn thôn Sao Cô Sỉn, ngắm những căn nhà xây khang trang, kiên cố, cao 2 -3 tầng; rồi rong ruổi cả tiếng đồng hồ, qua khu dân cư, đến rừng trúc tuyệt đẹp, leo lên rừng sa mộc hàng chục năm tuổi, ngắm những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, đỉnh núi cao vời vợi của xứ Mường, anh Sèn thấy hãnh diện với mảnh đất quê hương mình.
Sau sáp nhập, thôn Sao Cô Sỉn có số khẩu nhiều nhất xã Nấm Lư, với gần 600 khẩu. Với tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, cảnh quan và nguồn lao động nên mảnh đất “rừng thảo quả” được quy hoạch thành vùng trồng chè Shan và du lịch cộng đồng. Cuối năm 2016, cây chè Shan được đưa vào trồng trên đất Sao Cô Sỉn và cũng là thôn đầu tiên của xã Nấm Lư trồng loại cây này. Đến nay, thôn Sao Cô Sỉn có 61 ha chè Shan, trong đó 55 ha cho thu nhập, sản lượng đạt 7,5 tấn chè búp tươi/ha, với giá bán trung bình 7.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu gần 2,9 tỷ đồng/năm. Ông Chấu Cồ Dìn là người đầu tiên trồng chè ở Sao Cô Sỉn. Đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 3 vạn cây, mỗi lứa cho thu nhập 20 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Dìn thu khoảng 140 triệu đồng từ cây chè Shan. Chỉ tay vào căn nhà xây 2 tầng bề thế nhất, nhì thôn, ông Dìn bộc bạch: Tiền xây nhà có một phần từ cây chè Shan đấy!
Ngoài cây chè Shan, người dân Sao Cô Sỉn bắt đầu biết làm du lịch. Tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, một số hộ dân đã chỉnh trang nhà ở, đầu tư trồng hoa, thiết kế điểm check-in phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh. Anh Giàng Châu - người Mông sinh ra và lớn lên ở Sao Cô Sỉn đã mạnh dạn biến nương ngô, bãi chăn thả gia súc thành vườn hoa cánh bướm, hoa anh đào, tam giác mạch rực rỡ sắc màu, làm tuyến đường lát gỗ đi dạo quanh cánh rừng sa mộc… thành điểm check-in hấp dẫn. Đứng ở rừng sa mộc của gia đình anh Giàng Châu, phóng tầm mắt thấy sông Xanh uốn lượn nơi vòm nhô Si Ma Cai, những bản làng người Mông thấp thoáng giữa đại ngàn, những thửa ruộng bậc thang như “lớp sóng”, những đồi chè xanh mướt trải dài ngút tầm mắt...
Điều đặc biệt hơn cả, bây giờ đến Sao Cô Sỉn không còn sợ vì phân gia súc tràn ra đường, bởi từ năm 1996, khi dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu do Đan Mạch tài trợ, người dân trong thôn đã quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường. Từ chỗ mỗi tháng người dân tham gia vệ sinh thôn một lần, đến nay đã trở thành công việc thường xuyên của cả cộng đồng.
Sao Cô Sỉn đã khoác áo mới từ chính sự thay đổi về nhận thức, sự cần cù lao động và tinh thần vượt khó. Minh chứng rõ nét nhất chính là tỷ lệ hộ nghèo của Sao Cô Sỉn giảm mạnh, còn 41,7%, thấp hơn trung bình của xã (43,6%), những căn nhà xây khang trang ngày càng nhiều không kém gì các thôn ở trung tâm xã. Đó là sắc mới của Sao Cô Sỉn,