
Vượt qua con dốc dựng đứng hai bên trồng bạt ngàn quýt và sa nhân, chúng tôi đặt chân đến thôn Sa Pả. Những “ngôi biệt thự” tập trung ở khu Sa Pả 10 đang được gấp rút hoàn thành. Hầu hết ở nhà chỉ còn người già, trẻ nhỏ, người trẻ và trung niên đi làm nương từ sáng đến tối muộn mới về. Người Pa Dí được đánh giá là cộng đồng dân tộc thiểu số chăm chỉ cũng như có chỉ số hạnh phúc nhất. Các cặp vợ chồng người Pa Dí thường cùng nhau làm việc, cùng nhau trở về nhà, cùng sẻ chia mọi khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Nếu như ở vùng cao, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt, thanh niên thường rời quê hương đi làm ăn xa mong đổi đời thì người Pa Dí ở đây lại suy nghĩ khác. Họ kiên trì bám trụ mảnh đất cằn cỗi toàn đá xám xịt. Họ chắt chiu từng mảnh nương nhỏ, gieo vào đất những mầm xanh để rồi từ mảnh nương ấy đem lại biết bao mùa quả ngọt.

Ở Sa Pả, người dân chủ yếu trồng các loại cây như chè, sa nhân, quýt ngọt, lạc hoa... trong đó diện tích cây quýt đạt 30 ha, chè 40 ha, lạc hoa 8 ha. Ngoài ra, người Pa Dí ở đây còn tiên phong đưa giống cây trồng mới vào canh tác nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, trong đó có cây hồng giòn hứa hẹn hướng đi mới đầy triển vọng. Chăm chỉ lao động trên nương, tiết kiệm chi tiêu, có kế hoạch tích cóp tài chính trở thành đòn bẩy để các hộ dân xây được những ngôi nhà to đẹp.
Trong căn nhà 2 tầng khang trang, Trưởng thôn Pờ Khái Củi nhớ lại tuổi thơ cơ cực: Ngày tôi còn bé, kinh tế gia đình khó khăn lắm, mèn mén là món chính trong bữa ăn hằng ngày. Tôi luôn ước nhà có đủ gạo để không phải ăn mèn mén. Đến nay, cuộc sống thay đổi từng ngày, chất lượng bữa ăn được nâng lên. Vài năm trước, trong thôn chủ yếu là nhà gỗ, nhà tạm thì nay những ngôi nhà cao tầng khang trang “mọc lên” san sát.
Gia đình ông Pờ Khái Củi đã nhiều đời gắn bó với mảnh đất Sa Pả. Cũng giống như nhiều hộ người Pa Dí trong thôn trước đây chỉ biết canh tác ngô trên nương đồi đá xám, sau đó được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc khuyến khích đưa các loại cây con mới vào sản xuất, gia đình ông Củi đã mạnh dạn trồng quýt, trồng lạc, sa nhân. Mỗi năm gia đình ông tích cóp vài chục triệu đồng. Tích tiểu thành đại, cuối cùng cũng xây dựng xong ngôi nhà 2 tầng khang trang vào năm 2024. Giấc mơ an cư của gia đình ông đã thành hiện thực. Với vai trò là trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, ông Củi tích cực giúp đỡ, động viên các gia đình khác trong thôn xây nhà kiên cố thay thế những căn nhà dột nát.

Cách nhà trưởng thôn không xa là ngôi nhà đẹp nhất thôn mới hoàn thành, chủ nhân là ông Pờ Si Củi. Ông Pờ Si Củi hằng ngày ngắm nghía, chăm chút từng góc nhỏ của ngôi nhà với niềm tự hào, hạnh phúc. Ngôi nhà hai tầng theo kiến trúc hiện đại, mái màu xanh, cửa kính, ban công được chủ nhân đầu tư bằng vật liệu đắt tiền. Dù ngôi nhà chưa được sơn nhưng bất cứ ai đến thôn cũng phải trầm trồ khen ngợi. Để xây dựng được ngôi nhà bề thế như vậy, vợ chồng ông Pờ Si Củi đã chăm chỉ lao động. Không một mảnh nương để lãng phí, mảnh đất chỉ bằng bàn tay xen lẫn đá xám cũng được gia đình tận dụng gieo trồng. Hiện gia đình ông Pờ Si Củi đang sở hữu diện tích lớn sa nhân và quýt, mỗi năm đem lại nguồn thu cả trăm triệu đồng.
Ông Pờ Si Củi chia sẻ: Làm nông nghiệp tuy vất vả và rủi ro nhưng đem lại giá trị bền vững. Tôi thường nói với các con cũng như thanh niên trong thôn chẳng cần đi đâu xa, cứ khai thác hết tiềm năng sản xuất nông nghiệp trong thôn là có thể sống khỏe.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thôn đang sôi nổi từng ngày. Chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là hộ anh Thào Tờ Thắng sẽ về nhà mới. Hộ anh Thắng thuộc diện khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà tạm. Sau một thời gian bàn bạc, hai vợ chồng anh Thắng quyết định dùng hết số tiền tích cóp, tiền được hỗ trợ, vay mượn họ hàng xây luôn ngôi nhà kiên cố 2 tầng. Anh Thắng chia sẻ: Biết là khó khăn nhưng tôi muốn xây một lần kiên cố để không phải sửa đi sửa lại. Được Nhà nước hỗ trợ, được họ hàng cho vay tiền làm nhà như tiếp thêm động lực để vợ chồng tôi lao động chăm chỉ hơn nữa trong thời gian tới.

Những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, đầy đủ công năng sử dụng, gồm phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, sân vườn. Mỗi ngôi nhà đều có diện tích từ 100 m2 trở lên. Chẳng cần bản thiết kế cầu kỳ, tự những người đàn ông trong gia đình lên ý tưởng. Không cần phối cảnh, chỉ là nét vẽ dù nguệch ngoạc vào bản thiết kế nhưng chứa đựng tâm huyết của chủ nhân. Thế rồi từ bản thiết kế ấy, các gia đình trong thôn đổi công cho nhau cùng hoàn thiện ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà hoàn thành không chỉ là biểu tượng của tinh thần lao động chăm chỉ, kiên trì bám làng, bám bản, mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống của cộng đồng người Pa Dí.
Thôn của người Pa Dí giờ đây đã nhiều đổi khác. Trong những ngôi nhà khang trang tiếng cười hạnh phúc ngập tràn. Người Pa Dí ở Sa Pả luôn giữ đức tính cần kiệm, giấc mơ của họ không chỉ dừng lại ở mái nhà khang trang, no ấm, đủ đầy mà còn hướng tới thế hệ tương lai được giáo dục tốt, bay cao, vươn xa rồi trở về xây dựng bản làng văn minh, hiện đại. Những “biệt thự” của người Pa Dí nơi vùng cao điệp trùng núi đá Mường Khương chính là minh chứng khẳng định nông nghiệp là một trong những nền tảng, trụ cột vững chắc giúp kinh tế hộ gia đình bứt phá nếu biết khai thác tiềm năng.