Xâm phạm an toàn lưới điện
Tại thôn Làng Mới, (thuộc xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cũ) nay là xã Tân Hợp, tỉnh Lào Cai, hoạt động đào đất, san gạt mặt bằng của một hộ dân đang tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở nghiêm trọng tại vị trí cột điện cao thế.

Được biết, đường dây 35kV, lộ 371E 12.21 đi qua địa bàn xã Tân Hợp có chức năng cung cấp điện cho cả một vùng rộng lớn gồm khu vực An Lương, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Đại Sơn (thuộc huyện Văn Yên cũ).
Nghiêm trọng hơn, có hộ dân đã thuê máy xúc san tạo mặt bằng gây sạt lở đến chân vị trí cột 122 của tuyến 371 E 12.21, khiến nguy cơ đổ cột ở mức rất cao.

Theo đại diện Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên, quá trình xây dựng đường dây 35kV, vị trí cột 122; đường dây 371E 12.21 khu vực móng cột, móng néo và dọc hành lang lưới điện đơn vị đã bồi thường giải phóng mặt bằng, cây cối. Việc hộ dân cố tình san tạo mặt bằng tại vị trí cột 122 đã vi phạm an toàn hành lang lưới điện.
Theo đại diện Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên, thời gian qua, việc duy trì bảo đảm an toàn cho công trình điện cao thế gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp.

Ngay khi người dân đào đất khu vực dưới chân cột, cán bộ Đội Quản lý điện lực Văn Yên đã có mặt, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân dừng lại nhưng không thành công. Chúng tôi đã phải đề nghị lực lượng Công an đến lập biên bản, đình chỉ thi công vì vi phạm hành lang lưới điện. Dù hộ bà Đặng Thị V đã dừng việc làm này, nhưng hiện khu vực chân cột 122 đã bị sạt lở rất sâu, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Hiện nay, Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ giải quyết vụ việc và triển khai các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn lưới điện.
Ông Hà Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, cho biết: "Chính quyền xã đã phối hợp với Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên và Công an xã tăng cường công tác kiểm tra toàn địa bàn để ngăn chặn kịp thời những vụ việc tương tự xảy ra.
Thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn lưới điện và các công trình hạ tầng trên địa bàn, đồng thời kiên quyết xử lý những hộ dân cố tình đào đắp, san gạt đất không đúng quy định."
Tại địa bàn các xã Mỏ Vàng, Trấn Yên và các phường Yên Bái, Văn Phú, phóng viên đều ghi nhận tình trạng người dân san gạt, đào đất gây nguy cơ sạt lở các công trình truyền tải điện.
Điển hình là tại 2 vị trí cột điện cao thế ở khu vực tổ 5, phường Văn Phú (đường dây đi ngang qua đường Nguyễn Tất Thành), sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra, nguy cơ đổ cột, đứt dây là rất cao. Theo quan sát của phóng viên, tại chân 2 vị trí cột này, đất đã sạt lở đến móng và vẫn tiếp tục sạt nếu không được kè chắn kịp thời.
Đối với 2 vị trí cột thuộc công trình chuyển tải điện 110 kV, đoạn qua phường Văn Phú, ngành điện đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước. Việc hộ dân san đát tạo mặt bằng dù chưa vào khu vực chân cột nhưng đã gây sạt lở ảnh hưởng đến hành lang an toàn và nguy cơ đổ cột là rất cao.
Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở 2 vị trí cột 110Kv nêu trên là do một số hộ dân đào đất để san tạo mặt bằng. Dù ngành điện và chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhưng một số hộ dân vẫn thực hiện.
“Đất đã sạt đến tận chân cột rồi, nếu cứ mưa kéo dài thì nguy cơ đổ 2 cột điện cao thế là rất dễ xảy ra. Tuyến dây 110 này nằm vắt qua nhiều nhà dân và đi qua đường Nguyễn Tất Thành với lượng phương tiện lưu thông rất đông, nếu xảy ra sự cố đổ cột thì hậu quả sẽ khó lường” – ông Nguyễn Anh Tuấn, thôn Lương Thịnh, phường Văn Phú.

Theo quan sát của phóng viên, để chống sạt lở tạm thời cho 2 cột điện cao thế 110Kv nêu trên, ngành điện đã cho phủ bạt vào vị trí sạt lở. Tuy nhiên, những tấm bạt được phủ tạm lên mái taluy và cả tấm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở của Công ty Điện lực Lào Cai cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi mỗi khi mưa xuống, sườn đồi bị đào bới dở dang tiếp tục sạt lở.
Khó khăn trong ngăn chặn vi phạm
Điện lực Lào Cai đang quản lý hàng trăm trạm biến áp và hàng nghìn km đường dây. Hệ thống lưới điện phủ khắp từ các khu công nghiệp, vùng đô thị đến những làng bản vùng cao, xuyên qua núi cao, vực sâu, trong đó, nhiều vị trí cột điện cao thế nằm ở sườn núi, đỉnh đồi và ven sông suối.
Bước vào mùa mưa bão, đội ngũ kỹ sư, công nhân ngành điện Lào Cai đã nỗ lực vượt khó để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn nạn xâm phạm an toàn hành lang lưới điện vẫn thi thoảng xẩy ra.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Quang Đông, Đội trưởng Đội Quản lý điện lực khu vực Văn Yên phân trần: "Anh em ngành điện luôn bám sát từng tuyến dây, từng trạm biến áp, nhưng việc ngăn chặn người dân xâm phạm các vị trí cột đang gặp nhiều khó khăn.
Người dân vẫn chưa nhận thức được về việc bảo vệ hành lang lưới điện, mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả nếu để xảy ra đổ cột điện cao thế. Khi chúng tôi đến nhắc nhở, người dân cho rằng đất do họ quản lý nên có quyền san gạt, thậm chí 1 số người còn tỏ ra chống đối. Khâu xử lý cũng mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản."

Thực tế ghi nhận của phóng viên, điểm chung của tình trạng vi phạm các công trình truyền tải điện là công tác xử lý vẫn chưa được thực hiện triệt để. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương và lực lượng công an.
Thiên tai cùng với việc tình trạng người dân đào bới sườn đồi, san lấp mặt bằng đã gây mất an toàn cho nhiều công trình truyền tải điện. Trước tình trạng này, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, đánh giá nguy cơ để triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn lưới điện trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Lào Cai đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ an toàn các công trình điện.
Trên thực tế, nếu xảy ra sự cố đổ cột, đứt đường dây truyền tải điện cao thế, trung thế, thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại tại khu vực sự cố. Nhà cửa, công trình dân sinh có thể bị sập, hư hỏng; nguy cơ phóng điện gây thương vong, nhất là tại khu vực dân cư đông đúc.
Nghiêm trọng hơn, sự cố còn có thể gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, thiệt hại nặng nề nhất sẽ rơi vào các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp – nhất là ngành luyện kim, hóa chất – nơi yêu cầu nguồn điện ổn định, liên tục để duy trì hoạt động.
Hành vi đào bới khu vực chân cột điện cao thế không chỉ vi phạm Luật Điện lực, mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình và tính mạng cộng đồng, có thể bị xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả, hoặc truy cứu hình sự.
Theo Điều 314, Bộ luật Hình sự 2015: “Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực gây hậu quả nghiêm trọng.” có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, tùy mức độ.
Chính vì vậy, trong cao điểm mùa mưa lũ, việc chủ động kiểm tra, ngăn chặn tình trạng xâm hại hệ thống lưới điện nhằm phòng ngừa sự cố đổ cột là nhiệm vụ cấp bách. Công tác này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ ngành điện mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương, các ngành liên quan.