480 phút là quãng thời gian làm nên kỳ tích ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Đó cũng thời điểm người dân bản Mông đồng lòng, đoàn kết nghe theo lời đảng viên trẻ, trưởng thôn Ma Seo Chứ.
Đường từ xã Cốc Lầu đến thôn Kho Vàng đã bị chia cắt hoàn toàn sau khi mưa lũ kéo dài. Để tiếp cận được với 17 hộ dân tạm lánh nạn trên núi cao, nhóm phóng viên chúng tôi phải di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ đường rừng dốc, trơn trượt.
Khi chúng tôi đến, cả khu chỉ còn toàn trẻ nhỏ. Hỏi ra thì được biết người lớn đã xuống xã lấy đồ cứu trợ. Đợi một lúc thì chúng tôi gặp được chị Hạng Thị Say, khi chị vừa mới gùi hàng tiếp tế trở về.
Vừa gỡ bỏ thùng hàng, vừa đưa tay lau đi những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt, chị Say kể với chúng tôi về chuyến sơ tán ngày hôm ấy. Đó là vào 7 rưỡi sáng ngày 9/9, khi chị Hạng Thị Say đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng và hai đứa con thì nghe thấy tiếng Trưởng thôn Ma Seo Chứ gọi vọng vào: “Đề nghị thanh niên đến điểm tập kết của thôn”. Bỏ vội đôi đũa trên tay, chị Say nhanh chóng chuẩn bị áo mưa để chồng mình là anh Ma Seo Hòa đến nơi đúng thời gian.
Chị Say cho biết: “Bình thường, thôn đều họp vào buổi tối. Hôm nay, trưởng thôn triệu tập vào buổi sáng, lại là ngày mưa nên tôi nghĩ đây là việc quan trọng, vì vậy đã giục chồng đi ngay”.
Đúng như chị Say lo lắng. Một lúc sau, anh Hòa hớt hải chạy về. Giọng nói gấp gáp, anh kể với vợ rằng quả núi sau nhà có một vết nứt rất lớn, rộng khoảng 30 cm và kéo dài hơn 10 mét có thể sạt bất kỳ lúc nào. Theo lệnh của trưởng thôn, giờ thanh niên, trai tráng trong thôn sẽ tỏa đi khắp nơi tìm nơi tránh trú cho cả khu.
Trước khi cầm vội chiếc dao phát chạy ra khỏi nhà, anh Hòa còn dặn vội vợ mình: "Ba mẹ con nhanh chóng chuẩn bị đồ dùng cần thiết và một ít lương thực dự trữ, vì có thể phải ở lâu dài. Khi có lệnh sẽ di tản ngay". Nghe chồng nói, chị Say gọi hai đứa con còn đang nô đùa phía hiên nhà vào chuẩn bị đồ đạc. Lời của ông xã vẫn đang văng vẳng bên tai khiến chị không dám chậm trễ một phút giây nào.
Cách đây 5 năm, anh Ma Seo Chứ (sinh năm 1991), đảng viên trẻ của Chi bộ thôn Kho Vàng đã được người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Mặc dù nhận nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Chứ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tích cực học hỏi, quyết tâm làm tròn trách nhiệm “Đảng cử, dân tin” để đưa ra nhiều “quyết sách” đúng đắn đến với người dân. Trong đó, đặc biệt phải kể đến quyết định sáng suốt, nhanh, chuẩn của anh Chứ trong đợt mưa lũ ngày 9/9 vừa qua đã đem lại sự bình an cho 115 nhân khẩu ở thôn Kho Vàng.
Từ ngày 7/9, trên địa bàn thôn Kho Vàng có mưa lớn kéo dài. Trưởng thôn Chứ lòng như lửa đốt, bởi khu 17 hộ dân xóm Bản Vàng trước đây (nay thuộc thôn Kho Vàng sau khi thôn Bản Vàng sát nhập với thôn Kho Lạc) sống tập trung quanh đỉnh núi cao, nỗi lo đất đá sạt xuống luôn thường trực.
Bước sang rạng sáng 9/9, qua kiểm tra, thấy trên đỉnh núi phía sau nhà có vết nứt, nguy cơ sạt núi cao, trong khi đó do ảnh hưởng mưa lũ, điện và sóng điện thoại ở khu vực thôn đều bị mất. Không thể liên lạc ra bên ngoài xin kiến chỉ đạo của chính quyền xã và Chi bộ thôn Kho Vàng, anh Chứ đã bàn bạc với 2 đảng viên sinh sống tại xóm Bản Vàng là Ma Seo Hồ và Ma Seo Cú cùng đưa ra biện pháp đưa người dân đến nơi an toàn. Ý kiến của đồng chí đảng viên trẻ được 2 đảng viên cao tuổi tán thành. Họ nhanh chóng triệu tập thanh niên, trai tráng trong bản đến để chia nhau mỗi người một việc trong tình thế nguy cấp.
Anh Ma Seo Chứ chia sẻ: “Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến tôi rất lo lắng. Đến ngày mưa thứ 3, tôi hội ý nhanh với các đảng viên và quyết định gọi một số thanh niên trong thôn đi khảo sát tình hình xung quanh. Vì trước đó cũng được chính quyền xã đã nhắc nhở ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn, có khả năng sạt lở ở nhiều nơi”.
Khoảng 8 giờ sáng 9/9, sau khi anh Chứ cùng đội khảo sát phát hiện vết sạt lở rộng khoảng 30 cm, liền huy động mọi người chặt vầu về khu vực an toàn để dựng lán, đưa 17 hộ nằm trong vùng nguy hiểm lên đó ở tạm. Trước khi di tản lên chỗ ở mới, anh Chứ thông báo cho mọi người chỉ mang theo những đồ thiết yếu như chăn màn, bát đũa, xoong nồi và ít gạo để nấu cơm, vì trời còn đang mưa to mà thời gian di chuyển rất gấp.
“Từ lúc phát hiện đến khi mọi người an toàn đến nơi lán trại chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ. Đến 16 giờ cùng ngày, tất cả 115 người dân đã đến nơi an toàn. Không ngờ sau khi mọi người lên đến nơi, ngày hôm sau, chân đồi phía dưới khu làng ở bị sạt, đoạn nứt trên đồi phía sau nhà bị sạt rộng hơn, có sạt xuống làng bất cứ lúc nào” – anh Chứ chia sẻ.
Để đưa ra quyết định nhanh như vậy, anh Chứ bảo phải cảm ơn kinh nghiệm của các bậc cao niên người Mông để lại. Bởi, tập quán của người Mông có nhiều đặc điểm khác so với những dân tộc khác. Người Mông thích ở trên vùng núi cao, để có nhiều nương đồi canh tác. Cuộc sống gian khó cũng dạy cho cộng đồng kinh nghiệm về việc quan sát các hiện tượng tự nhiên để phỏng đoán các tình huống có thể xảy ra. Cũng như trong trường hợp ở Kho Vàng, mỗi khi trời mưa dài ngày, lưu lượng nước lớn, người Mông bắt buộc phải kiểm tra xung quanh nhà ở xem có gì bất thường hay nguy hiểm gì không, để kịp thời di chuyển đến nơi ở khác.
Đang ru cháu ngủ nhưng đôi tay của ông Lù A Lếnh vẫn thoăn thoắt vót từng nan quạt. Ông Lếnh cho biết: Nghĩ lại trận sạt lở mấy ngày gần đây, cả bản cảm giác như được hồi sinh. Thật may vì các đảng viên, trưởng thôn đã sáng suốt chỉ lối cho bà con vượt qua nguy hiểm. Những ngày đầu sinh hoạt tại khu lán trại, người dân khó khăn trăm bề. Thực phẩm và nước sạch đều thiếu thốn nên chỉ biết động viên nhau cố gắng, còn người là còn của. Tất cả mọi người đều nghe lời trưởng thôn không ai được tự ý trở về nhà cũ.
Trong số 115 người của thôn Kho Vàng di tản tránh sạt lở, có 50 trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 15 tuổi. Đây đều là những mầm non tương lai của thôn Kho Vàng. Anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng chia sẻ: “Khi đến nơi tạm trú, chúng tôi phải phân công người để ý, trông nom các cháu. Nhiều cháu còn nhỏ, không hiểu tình hình nguy hiểm như thế nào, chúng tôi sợ các cháu trở về nhà cũ lấy đồ, nơi mà có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào”.
Lên nơi lánh nạn được an toàn, nhưng khó khăn mà người dân phải đối mặt đó là thiếu lương thực, nước uống, vì đồ người dân mang theo được rất ít. Do đó, ngoài việc “trông trời, trông đất” xem tình hình mưa lũ, bà con còn cắt cử nhau khảo sát đường đi đến các thôn xung quanh, đường về xã để tìm sự trợ giúp. Tuy nhiên, mọi ngả đường đều bị sạt lở.
Khi người dân đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thì trưa 11/9, cả làng nghe có tiếng hú gọi lao xao phía bên kia đỉnh núi. “Khi được lực lượng chức năng tìm tới, chúng tôi vô cùng vui mừng, biết rằng mình đã được cứu sống. Mọi người mang theo mỳ tôm, lương khô giúp chúng tôi giải quyết cái ăn trước mắt. Đến ngày hôm sau, chính quyền xã và huyện mang theo rất nhiều đồ cứu trợ, giúp bà con ổn định cuộc sống”, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ kể lại trong niềm xúc động.
Nói về tương lai của 115 người dân, anh Chứ cho biết, hiện tại việc quay về nơi ở cũ là không thể, bởi khu vực đó đã bị sạt lở nghiêm trọng. Vì vậy, thời gian tới, anh Chứ và người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện, tìm nơi ở mới an toàn để người dân di dời, xây dựng lại nhà ở giúp an cư lạc nghiệp.
Mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, mọi mất mát rồi cũng sẽ dịu vợi, nhưng chắc chắn với người dân Kho Vàng, với những người may mắn thoát khỏi nguy nan trong gang tấc, sẽ vẫn mãi nhắc đến các đảng viên của thôn, đặc biệt là trưởng thôn Ma Seo Chứ. Bởi chính sự nêu gương, trách nhiệm, nhiệt huyết vì cộng đồng của họ đã giúp cho 115 người thoát khỏi nguy cơ bị sạt lở.
Trình bày: Khánh Ly