Để đến được một trong những vạt na trên bãi bồi ven sông Hồng, chúng tôi phải bỏ giày, dép, xắn quần quá gối lội qua một sình đầy những bùn đất phù sa mới bồi lắng.
Vạt na giờ đây mang một màu chủ đạo là nâu đất, đất phù sa bám trên lá, cành, thân na, mặt đất phù sa phủ dày dưới gốc, khu vườn như sân bê tông trơn nhẵn, chờ nắng lên là chằng chịt những kẽ nứt.
Sau mưa lũ, cuối giờ chiều mà nắng tháng 8 vẫn bỏng rát da thịt, nắng chiếu như kim châm trên cánh tay để trần và trong cái chảo lửa ấy, không khí làm việc của người nông dân vẫn hết sức khẩn trương.
Vạt na nơi chúng tôi đứng có khoảng 10 người đang dùng cuốc, xẻng hì hục đào bới đất phù sa dưới gốc. Đất phù sa chưa khô hẳn nên quện đặc, dính sít vào mặt cuốc, xẻng như keo bẫy chuột. Không hề dễ dàng cho người nông dân nhấc cuốc lên để bổ nhát tiếp theo.
Để thêm vài bữa đất se, khô tơi, việc đào bới dễ hơn nhưng khi ấy việc cứu na không còn nhiều tác dụng. Ông Vi Quốc Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Niên lúc này đang có mặt ở vườn na, bảo: "Cây na vốn không ưa nước, lại bị ngâm trong lũ 4 ngày, nước rút lại chờ mấy ngày đất se thì đã muộn. Nếu không kịp thời bới gốc, na bị nghẹt rễ, chậm lớn hoặc có thể lập tức héo rồi chết khô".
Ông Thái dẫn chúng tôi đi xem một vài cây bắt đầu có hiện tượng rũ lá, cành mềm và gục xuống dù đã được người trồng na bới gốc cách đó 2 ngày.
Cây như thế này là vô phương rồi, không thể cứu được nữa.
Trên bãi bồi ven sông, bà Trần Thị Nơ kể, gia đình có 4 sào na. 2 lao động làm việc quần quật từ sáng đến tối trong 3 ngày liên tục nhưng mới bới gốc được hơn nửa diện tích. Con gái bà Nơ, chị Dương Thị Kiều Oanh có 13 sào na cũng gặp khó khăn bởi việc mướn người, đổi công dường như là không thể, kỹ thuật chăm sóc na không phải ai cũng thạo và trong thôn nhà nào nhà nấy đang tập trung cứu na của gia đình mình.
Trưởng thôn Đỗ Văn Kiện có diện tích na lớn thứ 2 của thôn (18 sào), tất cả đều bị ngập nước và phù sa bồi đắp trong đợt lũ vừa qua, có chỗ đất bồi tới 50 cm nên việc khơi gốc càng thêm khó.
Cũng đành cầu trời, chứ công sức đâu mà làm xuể.
Khi được Chủ tịch Hội Nông dân xã gợi ý thôn nên có đề xuất Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ nhân lực cho thôn cứu na thì ánh mắt ông Kiện chợt lóe lên những tia hy vọng.
Ngoài núi đá thì na rất hợp đất bãi bồi, nhất là đất bồi có pha cát như dải đất ven sông Hồng dọc thôn Báu. Ở thôn Báu, na phát triển, khép tán nhanh hơn, chất lượng quả cũng có nhiều ưu điểm.
Dưới tán na, bà con thường trồng xen canh đậu, lạc, cà tím. Cách làm này để chống cỏ dại và cây họ đậu với nốt sần trên rễ còn có tác dụng bổ sung khoáng chất, cải tạo đất bằng nguồn dinh dưỡng gốc hữu cơ.
Bình thường, triền na trồng trên bãi bồi ở thôn Báu xanh ngát, na đều tắp lự, rì rào, đu đưa trong gió sông Hồng mơn man. Thế rồi, hoàn lưu bão số 3 ập tới, nước sông Hồng dâng cao.
Các vị cao niên thôn Báu bảo nước dâng cao ngang con lũ lịch sử năm 1971. Lo lắng, thương na lắm nhưng bà con thôn Báu đành bất lực khoanh tay ngồi nhìn nước lũ lên và chờ nước rút, nước cạn rồi thì đua nhau ra đồng bãi cứu na.
Khoảng 20 năm trước, đất bãi bồi ở thôn Báu chỉ trồng ngô. Khi phong trào bỏ na, trồng bưởi ở thôn Múc lân cận lên cao thì một vài hộ ở thôn Báu lấy giống na về trồng thử. Cây hợp đất, sau 3 - 4 năm na đã cho quả.
Ở thôn Báu, na trồng trên đất bãi ven sông có đặc trưng rõ là vỏ mỏng, màu quả khi chín trắng như vỏ trứng gà, na có vị ngọt sắc lịm, bởi thế mà giá bán luôn cao hơn na trồng nơi khác.
Cây na dần dà được mở rộng diện tích. Thôn Báu có 108 hộ, quá nửa số hộ trồng na. Toàn thôn có tới 25 ha na. Đây cũng là vựa na chuyên canh trên bãi bồi lớn nhất huyện Bảo Thắng.
Na ở thôn Báu ít sâu bệnh hơn, nhất là bệnh liên quan đến bộ rễ bởi đặc điểm đất phù sa. Chế độ chăm sóc na cũng giản đơn, vòng đời dài tới mấy chục năm, cho nguồn thu hoạch khá và ổn định. Hiện na là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở thôn Báu.
Tiêu biểu như gia đình chị Dương Thị Kiều Oanh có vườn na dai vốn được “chấm điểm” ngon, mã đẹp nhất thôn, với 9 sào đến tuổi thu hoạch, vụ na năm 2024 thu được hơn 70 triệu đồng. Hoặc Trưởng thôn Đỗ Văn Kiện cũng có nguồn thu gần 100 triệu đồng trong vụ na vừa qua; gia đình anh Đào Xuân Thịnh - người trồng na nhiều nhất thôn Báu cũng có nguồn thu rất lớn.
Bà Trần Thị Nơ nhớ như in năm 2008 nước sông Hồng ngập tới bãi bồi nhưng chỉ nội một ngày. Sau lũ, một lượng phù sa lớn bổ sung khiến người trồng na đỡ khâu bón phân, na phát triển nhanh hơn.
Lần này khác là nước ngập sâu và lâu, dù đang cố cứu bằng cách khơi, bới gốc nhưng na có sống được hay không thì cả thôn Báu đang trông chờ vào vận may. Dẫu sao người dân thôn Báu vẫn chung thủy với cây na và chiều ngược lại cây na cũng dường như yêu thương vùng đất này mới xanh tốt như vậy.