Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Giấc mơ Nậm Chăm

Giấc mơ Nậm Chăm

Nậm Chăm là thôn xa và khó khăn nhất xã Nậm Lúc (Bắc Hà) với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây cả thôn hầu hết là hộ nghèo, nhờ được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, cùng nỗ lực vượt khó của bà con, đến nay đời sống của nhiều hộ đã được cải thiện.

Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân hiện nay là tuyến đường lên thôn được nâng cấp để tuyến đường đến trường của trẻ nhỏ không còn gập ghềnh, những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản ra vào thôn êm thuận hơn.

Hôm trước gọi điện liên lạc, Trưởng thôn Nậm Chăm - Thào Seo Cú không nhớ ra đã gặp tôi khi nào, hôm nay thì vừa thấy tôi dừng xe ở đầu thôn, anh nhận ra ngay. “Em chỉ nhớ mặt thôi, chứ không nhớ tên” - Trưởng thôn Thào Seo Cú cười nói.

2.jpg

Chẳng là cách đây hơn 1 năm, chúng tôi theo đoàn cán bộ xã Nậm Lúc lên Nậm Tông phổ biến chính sách hỗ trợ người dân 2 thôn Nậm Tông và Nậm Chăm theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nậm Tông, Nậm Chăm cùng một trục đường rẽ lên từ Tỉnh lộ 160, đến lưng chừng núi thì chia làm 2 ngả, mỗi thôn ở một dải núi. Đứng từ nhà văn hóa Nậm Tông nhìn về phía xa là bản nhỏ giữa ngút ngàn màu xanh. Chúng tôi đã hẹn Trưởng thôn Thào Seo Cú ngày nào đó sẽ lên đây, vậy mà hôm nay mới thực hiện được lời hứa.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước rằng đường lên thôn rất khó khăn nhưng không ngờ nó còn vất vả hơn mường tượng. So với nhiều thôn, bản ở vùng cao Bắc Hà, Nậm Chăm chưa phải thuộc diện vùng sâu, vùng xa nhưng đây là một trong ít thôn chưa có đường bê tông đến trung tâm.

3.jpg

Từ Tỉnh lộ 160 đến đầu thôn chưa đầy 10 cây số nhưng đã ngốn của chúng tôi chừng 30 phút. Tuyến đường rải cấp phối qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, những trận mưa lớn vừa qua khiến đất đá bị lật tung từng mảng, nhiều đoạn đường chẳng còn phân biệt được đâu là lòng đường, đâu là rãnh thoát nước. Chúng tôi cố lách xe máy đi vào vết đường mòn mà bà con thường đi lại nhưng chỉ được một đoạn, chiếc xe lại bật khỏi đường đi vì phải tránh những tảng đá to bỗng dưng lăn ra giữa đường cản lối.

Đây là tuyến đường chính lên 3 thôn: Nậm Chăm, Nậm Tông (xã Nậm Lúc) và Cô Tông (xã Bản Cái). Cách đây mấy năm, trong lần công tác ở Bắc Hà, tôi đã nghe nói huyện có chủ trương sử dụng vốn ODA làm tuyến đường này nhưng vướng nhiều thủ tục nên mãi chưa triển khai. Sự chậm trễ này khiến người dân nơi đây đang phải chịu nhiều thiệt thòi.

4.jpg

Anh Thào Seo Cú năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 5 năm làm người đứng đầu thôn. Gánh vác công việc của thôn đặc biệt khó khăn có lẽ cũng làm cho người thanh niên này già trước tuổi. Anh bảo đường sá khó khăn đôi khi lại là thuận lợi, bởi nhiều nơi khi có đường thuận lợi rồi lại chẳng giữ được rừng. Thật vậy, bao năm qua, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân Nậm Chăm vẫn luôn ý thức giữ rừng, nhờ đó nguồn nước cho sản xuất, nước cho sinh hoạt chẳng bao giờ phải lo.

Để minh chứng cho lời nói của mình, Trưởng thôn Thào Seo Cú đưa chúng tôi tiếp tục ngược dốc vào khu sản xuất của bà con cách trung tâm thôn chừng 5 cây số. Đứng từ đây phóng tầm mắt ra xung quanh nhìn thấy trọn cả thung lũng sông Chảy, phía tay phải là trung tâm xã Nậm Lúc. Gần trưa mà không khí mát dịu bởi xung quanh là bạt ngàn màu xanh của rừng. Khu vực này là toàn bộ diện tích trồng quế và ruộng của các hộ trong thôn.

Ông Giàng Seo Chểnh, người cao tuổi trong thôn bảo, người Mông Nậm Chăm đã định cư ở đây 3 đời nay. Ngày mới đến định cư, bà con vẫn quen phát rừng làm nương nhưng sau đó được cán bộ khuyến nông hướng dẫn đã biết làm ruộng bậc thang cấy lúa nước. Muốn có nước thì phải giữ rừng, vậy là những cánh rừng được trả lại màu xanh.

5.jpg

Mong mỏi có đường mới để phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn nhưng bà con cũng không trông chờ, ỷ lại. Trong khi nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn, người dân nơi đây đang từng ngày nỗ lực thoát nghèo bằng sức lao động của mình. Nhiều cuộc họp thôn, Trưởng thôn Thào Seo Cú đã thẳng thắn chỉ ra: Đường sá khó khăn chỉ là một yếu tố, nguyên nhân chính khiến Nậm Chăm còn nhiều hộ nghèo là bà con chưa biết tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất.

6.jpg

Đường lên Nậm Chăm khó khăn khiến giá cước đội lên nhưng bù lại nơi đây đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi hơn nên năng suất, sản lượng quế cũng cao hơn, chất lượng tinh dầu quế cũng được thương lái đánh giá cao nên giá cũng chẳng thấp hơn là bao so với vùng thấp. Ý chí, quyết tâm của chàng trai trẻ đã thổi bùng ngọn lửa, thôi thúc bà con nỗ lực vượt khó.

7.jpg

Đến thôn Nậm Chăm hôm nay dễ dàng nhận thấy màu xanh ngút ngàn của những đồi quế. Sắc xanh thẫm của ngàn vạn cây quế đến tuổi cho thu hoạch và màu xanh non của những vườn mới trồng phủ lên những khu đồi trước đây là đất trống. Từ cây quế, đồng bào dân tộc Mông nơi đây từng bước thoát nghèo, có điều kiện lo cho con đi học, xây nhà dựng cửa và gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trưởng thôn Thào Seo Cú chia sẻ, hôm trước lên xã họp đã nghe thông tin tuyến đường lên đây đang được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với sự quan tâm của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sớm muộn gì tuyến đường cũng sớm được khởi công.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai thành lập năm 2002, hiện có hơn 80 hội viên, đến nay đã qua 4 kỳ đại hội. Những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, doanh nhân trên địa bàn. Các hội viên tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời tích cực tham gia hoạt động an sinh, nhất là hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng thiên tai, tai nạn, rủi ro.

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của thành phố Lào Cai, xã Đồng Tuyển đã cán đích nông thôn mới năm 2015, hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2024. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo linh hoạt của các cấp còn là sự quyết tâm, đồng lòng của người dân.

Sau thiên tai, Lào Cai tập trung cứu những cánh rừng

Sau thiên tai, Lào Cai tập trung cứu những cánh rừng

Sau trận mưa lũ vừa qua, rừng ở Lào Cai bị tàn phá do sạt lở, gió lốc, trong đó nhiều diện tích rừng bị thiệt hại nằm ở  khu vực địa hình hiểm trở, núi cao. Vì vậy, việc khắc phục diện tích rừng đã mất gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, lớp đất mặt không còn.

fbytzltw