Từ Làng Nủ trở về sau những ngày tác nghiệp, chúng tôi vẫn chưa thể ngủ ngon giấc bởi cứ nghĩ đến sức tàn phá ghê gớm của thiên nhiên lại càng thấy con người thật nhỏ bé! Những ngọn núi, dòng suối, cây rừng cũng là những thực thể sống đang ngày đêm vận động, biến chuyển chỉ có điều chúng ta không nhận ra.
Để có một cánh đồng Làng Nủ yên bình dưới chân núi Con Voi chắc chắn trước đó đã là những quá trình vận động, biến đổi liên tục của thiên nhiên và những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người. Những người dân Làng Nủ đã sống ở đây bao đời nay, hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ mảnh đất này nhưng tai họa thường ập đến lúc ít ai ngờ đến nhất.
Cơn lũ quét đi qua, hậu quả đã hiện hữu. Vấn đề cấp thiết nhất lúc này ngoài công việc tái thiết, điều cần là phải rút ra bài học để chuẩn bị ứng phó tốt hơn, bởi thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Trở lại Sủng Hoảng
Trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng ở Làng Nủ khiến chúng tôi nhớ về những trận thiên tai đã cướp đi bao sinh mạng của đồng bào các dân tộc Lào Cai suốt những năm qua. Từ Tùng Chỉn, Nậm Chàm, Sủng Hoảng, Bản Khoang, Nậm Cang… tất cả đều là những mất mát, đau thương không gì bù đắp nổi. Thời gian có thể lùi xa, màu xanh của ngàn vạn cây rừng có thể che lấp đi vết cào xé khắp sườn núi nhưng sự mát cùng nỗi ám ảnh trong mỗi người dân nơi lũ dữ đi qua thì không gì xóa được.
Từ vùng tâm lũ Làng Nủ, chúng tôi trở lại thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan (Bát Xát), là nơi tái thiết cho các hộ dân thôn Sủng Hoảng 2 sau khi trận lũ dữ xóa sổ cả ngôi làng cũ cách đây 8 năm. Thôn Van Hồ hiện có 34 hộ đang sinh sống.
Những ngày qua, khu vực Quang Kim, Phìn Ngan cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ, lớp bùn dày cả mét vẫn phủ kín cánh đồng Quang Kim, lúa, hoa màu "ngạt thở" trong lớp bùn nhão đã đổ gục xuống. Tuyến đường chính dẫn vào xã Phìn Ngan bị xé nát bởi các điểm sạt taluy hai bên, dòng suối đỏ ngầu do đất đá phía thượng nguồn vẫn trượt xuống.
Trong khung cảnh tan hoang ấy, bản định cư Van Hồ vẫn yên bình. Sau mưa lũ, những tia nắng lấp lánh chiếu xuống bản làng nhỏ bé trên một mỏm đồi với những căn nhà xếp tầng vòng quanh như một khu ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao. Khu rừng đầu thôn vẫn được giữ nguyên từ khi mở đất, lập làng mới, cây cổ thụ ngay sát nhà văn hóa vững chãi như một vị thần bảo vệ cả bản. Những đứa trẻ sơ sinh hôm nay được mẹ đưa đến nhà văn hóa kiểm tra sức khỏe định kỳ, chúng là những thế hệ được sinh ra, lớn lên ở bản mới và hình ảnh của trận lũ kinh hoàng trước đây sẽ không có trong ký ức như những người từng sống trong thời khắc hiểm nghèo.
Trận lũ kinh hoàng năm 2016 vẫn hằn sâu trong trái tim, khối óc, đến nỗi khi nhớ lại, bà Chảo Kiếu Mẩy vẫn thoáng rùng mình. Bà kể, 2 giờ sáng hôm ấy, chỉ nghe có tiếng người hét to thì tất cả cùng bật dậy vùng chạy ra khỏi nhà, rồi cứ nhằm chỗ nào có lối mà chạy ngược lên, xé màn đêm mà chạy trong tiếng gào thét, la lối mà không biết hiểm họa đang ở hướng nào. Năm ấy, cả bản mất 3 người và mấy ngày sau mới tìm thấy, ngoài ra, 19 căn nhà và tài sản của các hộ dân bị lũ cuốn sạch. Trước đó, năm 2004 cũng đã từng xảy ra lũ quét, cả bản mất 24 người.
Những ngày mưa lũ trung tuần tháng 9 vừa qua, bà Chảo Kiếu Mẩy không còn phải nơm nớp lo sạt lở nữa, căn nhà nhỏ ở bản mới Van Hồ nằm ngay đầu thôn hướng ra thung lũng thoáng rộng. Bà Mẩy bảo, trước khi về đây đã nghe các cụ kể lại, Van Hồ là đất lành, người dân còn truyền tụng rằng, ngày ấy không rõ từ đâu có một tảng đá lớn chặn ngang dòng suối như muốn chỉ chỗ cho dân bản đến đây để ổn định cuộc sống. Tảng đá đó chính là chỗ khiến dòng suối bị uốn cong nhất dưới bản Van Hồ ngày nay.
Trước đây, bản cũ ở ngay dưới chân núi, còn bản mới hiện tại ở trên mỏm đồi, đó là điểm khác biệt dễ nhận thấy. Đây đã là năm thứ 8 bà Mẩy và người dân thôn Sủng Hoảng định cư ở đây, các hộ dân đều được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở, đầu tư đường sá, cầu bê tông, điện, nước sạch, lại gần trường học cho trẻ nhỏ nên chẳng cần phải lo lắng gì. Xem tin tức và những hình ảnh đau thương ở Làng Nủ, bà Mẩy không khỏi xót xa. Bà bảo, cuộc sống của mình còn nhiều vất vả nhưng được ngủ ngon bên người thân trong những ngày mưa lũ thế này thì cũng chẳng mong gì hơn nữa.
Xây dựng Làng Nủ mới tươi đẹp hơn, an toàn hơn
Ngày cuối trước khi rời Làng Nủ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Cai, là người may mắn thoát nạn khi cơn lũ dữ ập đến, căn nhà sàn của gia đình bị xô đi cả chục mét mà vẫn đứng vững một cách thần kỳ.
Ánh mắt vô hồn nhìn về phía các lực lượng tìm kiếm, anh Cai kể câu chuyện của mình mà như chuyện của người khác, trận lũ dữ đã khiến người đàn ông này mất đi 12 người thân là anh em, họ hàng. Nỗi đau quá lớn khiến anh sang chấn tâm lý khó mà chữa lành. Anh Cai bảo, khi vừa nghe thấy tiếng nổ trên núi vọng lại cùng màn khói mù mịt, biết có chuyện chẳng lành, tôi chỉ kịp hô hoán vợ con chạy lên đồi quế sau nhà thoát thân. Mưa lớn, đất đá, cỏ cây trơn trượt nên phải nghiến răng, bấm tay chặt vào đất bò lên từng chút một. Chỉ vài phút sau, khi đã thấm mệt, ngoảnh mặt lại thì thấy tất cả đã bị san phẳng, cả nhà tôi nằm bẹp xuống đất rồi lại lấy sức bò lên thêm một đoạn nữa, lúc ấy mới tin mình còn sống.
Chỉ cho chúng tôi điều khiển flycam hướng về đỉnh núi, anh Cai bảo mình sống ở đây từ nhỏ, đỉnh núi Con Voi nơi xuất hiện vết trượt đầu tiên hình thành dòng lũ quét chẳng hề xa lạ. Ở lưng chừng núi, bà con vẫn lên hằng ngày để làm ruộng bậc thang mà chẳng hề phát hiện ra điều gì bất thường. Hình ảnh từ trên cao, không khó để nhận ra dãy núi Con Voi vẫn được phủ bởi màu xanh của tầng tầng lớp lớp cây rừng, ngoài vết trượt lở của trận lũ vừa qua, xung quanh hầu như không có thêm dấu vết cào xé trên đỉnh núi.
Ngồi trên bãi đá ngổn ngang nơi nhiều người thân của mình vẫn còn nằm dưới đó, ánh mắt vô định, anh Hoàng Văn Khợi bảo, phía dưới sâu khoảng 4 - 5m là mố cầu Vàng Quẩng vốn bắc qua con suối chính ở Làng Nủ, sau trận lũ nó đã đổi dòng hẳn sang phía bờ bên kia cánh đồng. Cánh đồng Làng Nủ là một trong những cánh đồng lớn dưới chân núi Con Voi, mảnh đất màu mỡ, thanh bình nên bà con mới đến định cư đông đến thế.
Anh Hoàng Văn Thới, người chúng tôi gặp đầu tiên trong thảm họa Làng Nủ cũng bảo nhà mình ở khu làng bên kia đã bị sạt taluy dương nên mới đưa vợ con sang bên này lánh nạn cho yên tâm, bởi bao năm qua, kể cả trận lũ lớn gần đây nhất năm 2008, cả khu làng này cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Rõ ràng, những người dân Làng Nủ đã sống bình yên ở đây qua nhiều thế hệ là những người hiểu vùng đất này hơn ai hết và họ cũng thường xuyên theo dõi, cảnh báo với gia đình, cộng đồng của mình về những hiểm nguy có thể rình rập, chỉ có điều thiên tai lần này quá cực đoan, vượt qua mọi dự báo và sức chịu đựng. Tai họa đã ập đến lúc ít ai ngờ tới nhất.
Là người từng hai lần vượt qua những giờ phút sinh tử cùng đồng bào mình khi lũ quét xảy ra, anh Chảo Láo Sử, Bí thư Chi bộ thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan (Bát Xát) thấu hiểu trong những ngày đau thương, mất mát này bà con cần điều gì nhất. Anh Sử bảo, khi người thân gặp nạn mới thấy mình sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được những giờ phút đầm ấm, hạnh phúc, bởi vậy, một bản định cư mới nơi bà con, anh em, họ hàng lại được sống quây quần, an toàn thực sự là điều quý giá.
Cũng từ niềm mong mỏi ấy, để xoa dịu phần nào nỗi đau cho người dân Làng Nủ, các lực lượng đang làm mọi cách tìm kiếm những người mất tích, đồng thời chăm lo nơi ở, điều kiện vật chất, ổn định cuộc sống cho bà con. Những ngày này, tỉnh Lào Cai đã tập trung tất cả nguồn nhân lực phối hợp với các chuyên gia địa chất, giao thông, xây dựng, cùng bà con Nhân dân khảo sát, lựa chọn vị trí và khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư mới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường tin tưởng rằng, mọi khó khăn, mọi mất mát to lớn rồi cũng sẽ qua đi và sẽ dành lại tương lai tốt đẹp hơn với mảnh đất này. Với hơn 40 gia đình bị ảnh hưởng, sẽ có gia đình không tìm lại những gì mình đã có trong quá khứ nhưng với tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc của bà con cũng như nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước, chắc chắn chúng ta sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Ngôi Làng Nủ này mất đi do bão lũ, thiên tai thì chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng lại một Làng Nủ mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn.
Hôm đi theo đoàn khảo sát khu tái thiết Nậm Tông và Kho Vàng, anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện tái định cư cho bà con Sủng Hoảng cách đây gần chục năm. Anh bảo, cơ chế, chính sách thì rất nhiều, chỉ có điều mình vận dụng ra sao, trong tình huống thiên tai cấp bách thì phải xử lý nhanh nhất có thể, cốt là làm sao cho những người dân đang phải chịu cú sốc tinh thần lớn như vậy sớm được an cư.
Khi ấy đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, anh Huy trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án tái định cư này, chủ trương là Nhà nước hỗ trợ làm nền nhà cho dân, sau đó, cùng nhiều khoản hỗ trợ khác, bà con bốc thăm, lựa chọn vị trí để dựng nhà. Năm nay, lũ quét, sạt lở đất xảy ra khắp các địa phương trong tỉnh với mức độ tàn phá khốc liệt và đau thương gấp nhiều lần nhưng tỉnh Lào Cai đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời từ lãnh đạo trung ương và nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã khởi công xây dựng, tái thiết 3 khu dân cư tại các tâm điểm lũ Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng.
Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các dự án di chuyển người dân ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, sẽ có thêm những vùng quê an cư mới, đây cũng chính là cách tốt nhất để sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong tương lai. Nguồn lực và cách thức triển khai đã khác và thuận lợi hơn khi xây dựng khu dân cư Van Hồ nhưng những kinh nghiệm làm sao để bà con có sinh kế, việc làm, thực sự ổn định cuộc sống thì có thể vận dụng.
Sau trận lũ quét lịch sử này, chúng ta sẽ còn dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân và rút ra bài học để tìm cách ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thời tiết ngày càng cực đoan và thảm họa thiên tai được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Và có một bài học luôn đúng đó là khi chuẩn bị ứng phó tốt, thiệt hại về người sẽ được hạn chế, công việc tái thiết sau thiên tai sẽ nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Một giải pháp quan trọng nữa là cần phải ưu tiên nguồn lực nhiều hơn nữa để kịp thời di chuyển những hộ dân đang sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao ra vùng an toàn, ưu tiên xây dựng khu tái định cư tập trung để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Nói rõ về mức độ khốc liệt của trận trượt lở xảy ra tại thôn Làng Nủ, Tiến sĩ Phạm Văn Tiền (Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Ðịa chất) nhận định: Trận thảm họa xảy ra sáng 10/9 ở thôn Làng Nủ là tai biến trượt lở, mà không phải như nhiều người phán đoán là lũ quét, vỡ "túi nước" từ trên đỉnh núi, hay có hồ nước ngầm trong núi… Thảm họa trượt lở như thế này chưa từng được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam hiện đại.