Thành công đạt được và hạn chế trong công tác sắp xếp cán bộ, công chức gắn với tổ chức bộ máy cho thấy cần có chính sách đặc thù để lựa chọn được đội ngũ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc đồng thời làm công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ trong diện phải tinh giản.
Năm 2020, xã Long Phúc và Long Khánh (huyện Bảo Yên) thực hiện sáp nhập và lấy tên mới là xã Phúc Khánh. Sau khi sáp nhập xã Phúc Khánh có 35 cán bộ, công chức, 23 người hoạt động không chuyên trách, đến năm 2022 xã đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tinh giản cán bộ theo quy định, về đích trước hai năm. Được biết, trước khi thực hiện sáp nhập, Đảng ủy xã Long Phúc và Long Khánh đã phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy, phòng Nội vụ huyện tiến hành rà soát độ ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn, những đồng chí có nghiệp vụ tốt, tuổi còn trẻ nhưng chưa đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ thì vận động đi học để đảm bảo theo quy định; những đồng chí tuổi đã cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đảm bảo thì làm công tác tư tưởng, vận động nghỉ việc hưởng chế độ nghỉ việc một lần; sau khi thực hiện hai giải pháp trên, vẫn còn một số cán bộ, công chức dôi dư sẽ từng bước luân chuyển sang địa bàn khác hoặc các cơ quan chuyên môn của huyện.
“Như trường hợp đồng chí Hoàng Văn Dòng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phúc, có 15 năm công tác, tuổi mới trên dưới 40; trước khi sáp nhập được vận động viết đơn xin nghỉ và bố trí làm bí thư chi bộ thôn. Lúc đầu đồng chí Dòng không đồng thuận vì sợ bà con trong thôn nghĩ "không làm được cán bộ xã bị đuổi về thôn". Sau khi được tuyên truyền, đồng chí Dòng cũng hiểu và bà con trong thôn cũng hiểu nhờ đó đồng chí yên tâm nhận nhiệm vụ công tác ở thôn. Từ đó đến nay, đồng chí Dòng luôn là Bí thư chi bộ gương mẫu, là điển hình trong vận động đảng viên, bà con trong thôn chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, tham gia nhiệt tình các phòng trào thi đua do xã phát động”. Đồng chí Vũ Thị Tư nói.
Thực tế, trong quá trình sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập không phải ai cũng đồng thuận ngay, đặc biệt là cán bộ trong diện thôi việc, nghỉ công tác. Khi sáp nhập có 3 đồng chí chưa có bằng đại học nhưng lười đi học nâng cao trình độ, Đảng ủy xã đã yêu cầu cam kết nếu không đi học để nâng cao trình độ chuyên môn theo quy định thì sẽ trong diện phải tinh giản biên chế. Có trường hợp dù đã được sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với bằng cấp được đào tạo, nhưng qua hai năm làm việc ở vị trí mới, không đáp ứng được yêu cầu công việc, chúng tôi cũng tiến hành đánh giá xếp loại và cho nghỉ việc. Đến nay 100% cán bộ công chức xã đều đã có trình độ đại học, 80% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đồng chí Vũ Thị Tư cho biết thêm.
Giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh sẽ tiếp thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Bài học từ giai đoạn trước cho thấy cần có chính sách đặc thù để lựa chọn được đội ngũ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc đồng thời làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ trong diện phải tinh giản. Phải linh hoạt trong bố trí cán bộ, công chức, nhìn nhận đúng đắn năng lực, phẩm chất từng người.
Xã Tà Chải, Bắc Hà là địa phương duy nhất của tỉnh Lào Cai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn này. Đồng chí Sùng Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Việc sắp xếp đội ngũ công chức thì dễ, nhưng các trưởng đoàn thể thì rất khó, một số đồng chí trẻ tuổi có thể chuyển sang công chức, một số chuyển sang xã khác; nhưng các cán bộ có tuổi, công tác lâu năm đi các xã xa cũng rất vất vả.
Kinh nghiệm của Bắc Hà là công khai, minh bạch khi trực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khi làm việc với cán bộ các xã chúng tôi đã công khai thứ tự ưu tiên như ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ đã ở xã khó khăn thì ưu tiên ở lại công tác, nếu điều động đi xã khác thi cũng không quá xa trung tâm so với xã đang công tác; tính toán đội ngũ cán bộ huyện tăng cường xuống xã nếu đủ thời hạn thì rút về huyện; xác định rõ chế độ, chính sách đối với cán bộ nghỉ trước tuổi…
Theo tổng hợp từ các địa phương, đến nay số lượng cán bộ công chức dôi dư đang tiếp tục xem xét giải quyết dứt điểm theo quy định là 21 người. Trong đó, huyện Si Ma Cai có 16 người (4 cán bộ, 12 công chức), thị xã Sa Pa có 5 cán bộ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ: Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác sắp xếp, tổ chức cán bộ, công chức thời gian qua đó là sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy chính quyền các địa phương. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần coi trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hành động và triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã có sự chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện tốt các quy trình, quy định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ngay từ khi đề xuất chủ trương, xây dựng kế hoạch. Đối với các vị trí công tác còn thiếu sẽ không tuyển dụng ngay mà để dành biên chế để thực hiện bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư. Tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý và tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn kể từ ngày UBND tỉnh trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Công tác sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập đơn vị hành chính là công việc hệ trọng, nhạy cảm; vì vậy, các cấp, ngành cần phải nghiên cứu kỹ để lập phương án, chọn thời điểm, trong đó tính đến điều kiện của địa phương (địa lý, quy mô dân số, trụ sở làm việc, đội ngũ cán bộ, công chức…) làm cơ sở để tính toán việc bố trí, sắp xếp, phân công đội ngũ cán bộ, công chức.
Cùng với đó, khi triển khai, ngoài quyết tâm chính trị cao thì cấp ủy các cấp cũng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ cơ sở trong quyết định vấn đề. Cùng với đó, trong quá trình triển khai cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đúng theo nội dung các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh để đạt kết quả cao nhất.
Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Lào Cai hiện giữ nguyên 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã (tăng 1 thị xã), 7 huyện (giảm 1 huyện); 152 đơn vị hành chính cấp xã (sắp xếp 42 đơn vị hành chính thành 30 đơn vị hành chính), gồm 127 xã (giảm 17 xã), 16 phường (tăng 4 phường), 9 thị trấn (tăng 1 thị trấn); 1.558 thôn, tổ dân phố, trong đó 1.209 thôn và 349 tổ dân phố (sáp nhập 630 thôn, tổ dân phố thành 353 thôn, tổ dân phố (giảm 277 thôn, tổ dân phố).