Năm 2021, khi triển khai sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, toàn tỉnh có 270 cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã dôi dư. Sau gần 5 năm sắp xếp, các địa phương đã giải quyết nghỉ hưu 8 người, tinh giản biên chế 132 người, chuyển công chức cấp huyện 10 người, bố trí sắp xếp vị trí công tác khác 104 người. Đến nay, còn dôi dư 16 người, số dôi dư này theo quy định phải thực hiện giải quyết xong trong năm 2024.
Trên thực tế, việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư có những địa phương sớm hoàn thành theo đúng lộ trình, nhưng vẫn còn nhiều địa phương đang loay hoay thực hiện và còn chưa đạt kết quả theo tiến độ đề ra.
Năm 2020 sau khi sáp nhập, xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai) có 38 cán bộ, công chức, từ đó đến nay dù đã thực hiện nhiều biện pháp để sắp xếp bộ máy, luân chuyên cán bộ nhưng hiện vẫn còn 28 cán bộ, công chức (dôi dư 5 cán bộ so với quy định). Xã hiện đang có 4 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, ngoài đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Để phân công công việc không chồng chéo, Đảng ủy xã phân công 1 đồng chí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, một đồng chí Phó Bí thư phụ trách tổ chức xây dựng đảng, một phó bí thư phụ trách công tác kiểm ra, giám sát. Xã Quan Hồ Thẩn cũng trong tình cảnh tương tự khi dôi dư hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt là Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Nếu như sáp nhập địa giới hành chính chỉ là sáp nhập cơ học, thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế lại cực kỳ gian nan. Hai xã Lùng Thẩn và Quan Hồ Thẩn sau khi sáp nhập có 85 cán bộ, công chức. Đến nay, vẫn còn dôi dư 15 cán bộ, dù huyện đang tạm phân công nhiệm vụ 13 cán bộ, tuy nhiên số cán bộ này không trong tổng biên chế được giao; vì vậy địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn để tính toán chế độ lương, phụ cấp.
Tại thị xã Sa Pa, tính đến nay đã giải quyết chế độ chính sách và sắp xếp lại vị trí cho 30 cán bộ công chức, còn lại dôi dư 5 người là Phó Bí thư Đảng ủy tại các xã: Hoàng Liên, Mường Hoa, Thanh Bình, Mường Bo, Liên Minh.
Nhìn lại công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại các xã điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn huyện giai đoạn vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà chia sẻ: Thực tế việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức vẫn phát sinh nhưng bất cập. Như việc chuyển một cán bộ khối đảng sang làm công chức nhà nước thì rất khó khăn cho họ về chuyên môn. Đặc biệt là công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ đoàn thể, bởi họ là thủ lĩnh trong các phong trào, được hội viên, đoàn viên được bầu tại địa phương nhưng nay lại điều chuyển sang xã khác. Ví dụ như một đồng chí chủ tịch Hội phụ nữ xã dôi dư sau khi sáp nhập xã Lầu Thí Ngài và Lùng Phình phải sắp xếp về làm chủ tịch Hội phụ nữ xã Tả Củ Tỷ, xã thuộc diện xa và khó khăn, phong tục tập quán dân tộc của hội viên phụ nữ hoàn toàn khác biệt… thì rất khó cho công tác vận động tuyên truyền.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, sau gần 5 năm triển khai sắp xếp đơn vị hành chính đến nay, có nhiều địa phương đã hoàn thành sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, nhưng hiện vẫn còn những đơn vị vẫn gặp khó khăn và chưa hoàn thành, lý do: Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, biên chế CBCC cấp xã đã phải giảm nhiều cùng một lúc, nhưng lại vừa phải thực hiện việc tinh giản 2 biên chế/xã (theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP). Đội ngũ CBCC dôi dư phần lớn là người địa phương, được đào tạo bài bản, có tuổi đời còn trẻ, có tâm huyết tiếp tục muốn cống hiến lâu dài cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay số lượng biên chế tại các xã, cơ quan ở cấp huyện còn trống rất ít do đã bố trí sắp xếp từ năm 2020 đến nay, biên chế ở huyện tiếp tục phải cắt giảm trong giai đoạn 2021 – 2026; Một số vị trí biên chế trống không phù hợp với trình độ của công chức dôi dư; do đó, việc sắp xếp đội ngũ CBCC dôi dư gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp, cụ thể: Các huyện, thị xã còn công chức dôi dư sẽ rà soát số công chức không đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn toàn huyện để thực hiện tinh giản biên chế. Sau đó sẽ tiếp tục xem xét bố trí, sắp xếp số công chức dôi dư vào các vị trí trống. Nếu vẫn còn công chức dôi dư thì xem xét bố trí sang huyện khác (nếu công chức có nhu cầu và đơn vị có vị trí việc làm phù hợp) hoặc giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Đối với cán bộ còn dôi dư (9 Phó bí thư Đảng ủy xã): Tiếp tục rà soát các vị trí lãnh đạo đang trống để thực hiện sắp xếp (nếu phù hợp) hoặc bố trí sang làm công chức cấp xã (Nếu đơn vị còn vị trí và cán bộ có nhu cầu), hoặc giải quyết tinh giản biên chế theo quy định.
Vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã tổ chức giám sát chuyên đề về nội dung này, theo đó Thường trực HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số bất cập trong sắp xếp tổ chức bộ máy giai đoạn vừa qua, đặc biệt đến nay tỉnh Lào Cai chưa ban hành chính sách liên quan để hỗ trợ CBCC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp theo Nghị quyết số 35, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực HĐND tỉnh cũng có báo cáo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho gia hạn thời gian bố trí, sắp xếp CBCC và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đến ngày 31/12/2026.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đối với CBCC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp ĐVHC theo đúng tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương và đúng quy định của pháp luật. Có phương án điều chỉnh số lượng CBCC cấp xã đối với ĐVHC cấp huyện để thực hiện bố trí, sắp sếp CBCC cấp xã dôi dư do sáp nhập (Si Ma Cai dôi dư 16 CBCC); sớm ban hành tiêu chuẩn CBCC cấp xã theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP để các địa phương thống nhất thực hiện và triển khai việc tinh giản biên chế; sớm cho ý kiến việc xét chuyển cán bộ cấp xã (hiện đang tạm phân công nhiệm vụ tại xã) được chuyển sang công chức xã khi huyện có văn bản đề nghị xét chuyển (nếu còn vị trí công chức xã phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo).
Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021:
Điều 9. Số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp
1. Khi xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phải đánh giá, phân loại, dự kiến bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải có lộ trình hợp lý.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế. Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.
Bài cuối: Bài học thực tiễn từ cơ sở