LCĐT - Nắng cuối đông nhuộm vàng những vạt rừng trồng đang kỳ khép tán. Xe máy bon nhanh trên tuyến đường biên giới vừa mở vài năm nay, như dải lụa uốn lượn ngang lưng núi, ngược mãi lên cao, đến khi gặp dòng nước xanh ngắt vừa chui ra từ những mỏm núi cao vút, đổ ra sông Hồng, thì bất ngờ đường dựng đèo cổng trời, ngoặt lên A Mú Sung, Y Tý, Ngải Thầu - đó là Lũng Pô, nằm trên độ cao trên 1.000 m so với mặt biển, bốn mùa ngút ngàn sương gió.
Trồng chuối xuất khẩu - người dân Lũng Pô đang phủ xanh đất trồng và xoá nghèo, làm giàu. |
Lũng Pô là đây, chỉ cách nước bạn một dòng suối nhỏ. Bản mới hiện ra với những ngôi nhà to rộng, vững chãi; ngô lai giống mới bắp dài, chắc hạt, phơi đỏ au trước sân nhà. Hai mươi chín nóc nhà người Mông lợp ngói fibrô xi-măng trắng, được quy hoạch theo chương trình di dãn, sắp xếp dân cư để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, đứng đều tăm tắp. Bốn bể xi-măng lớn chứa nước sạch, có đường ống mềm dẫn đến từng gia đình. Chuồng trại nuôi gia súc được làm cách xa nhà, gọn gàng, vệ sinh. Phía sườn đồi bên kia, ngôi trường xây kiên cố, lợp mái tôn đỏ tươi, nổi bật ngang triền núi xanh thẫm; khăn áo thổ cẩm của học sinh người Mông rực rỡ trong giờ ra chơi, tiếng cười đùa rộn vang, ấm cả một chiều biên giới.
Theo tiếng dân tộc bản địa, Bát Xát đọc chệch từ Pạcsrạt, có nghĩa là đồi cỏ gianh. Quả đúng là vậy, đường lên Y Tý, Lũng Pô vắt qua trập trùng núi đá, trọc lốc, chỉ toàn cỏ gianh; còn Lũng Pô có nghĩa là “rồng bố”. Đi suốt dải biên giới Lào Cai, tôi đã gặp rất nhiều địa danh mang tên “rồng”. Ở Sa Pa có núi Hàm Rồng. Ở Mường Khương có Hoa Long, biến âm thành Pha Long tức Rồng hoa. Ở Bắc Hà có Lùng Phình, tức bãi bằng của Rồng nằm nghỉ ngơi. Có phải Lũng Pô là dòng suối lớn duy nhất đủ sức xuyên qua trập trùng đồi cỏ gianh cao chất ngất, vượt qua bao ghềnh thác nơi cực bắc biên giới Lào Cai, tắm mát cho những vùng đất khô khát nơi nó đi qua, cho cuộc sống nơi đây sinh sôi mà có tên “Rồng bố”? Dọc đường lên A Mú Sung, chính ở chỗ “Rồng bố” hợp thủy với sông Mẹ (sông Cái) - nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, tôi đã dừng xe, chạm lên cột mốc biên giới Việt - Trung ghi số 92, ốp đá granít trắng, sáng bừng trong nắng cuối đông và đứng ngắm nhìn mê mải đàn chim núi chao nghiêng giỡn mặt nước đẹp như tranh thủy mặc, đó là nơi giao hòa hai dòng sông biên giới. Bất ngờ nghe tiếng “mình chào cán bộ” thật ấm, sau đó là tiếng cười trong vắt của những cô gái dân tộc địa phương… đang gùi “lù cở” trên lưng, nào mộc nhĩ, nấm hương, mật ong rừng, rồi ngô, đỗ tương, đồ thổ cẩm xuống chợ bán, vẽ thêm sức sống cho bức tranh vùng cao đầy tươi mới.
Lũng Pô là bản mới của người Mông, từ xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu (Mường Khương) cách xa gần trăm km đến đây lập nghiệp. Giáp Tết năm 2006, mảnh đất địa đầu biên giới Bát Xát lần đầu tiên được đón hơi ấm con người đến đây sinh sống. Mới chỉ gần chục năm lập bản mới, cuộc sống của bà con người Mông ở Lũng Pô đã đổi thay nhiều. Mỗi nhà có 2-3 ha đất để canh tác, ngoài ra còn được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 giao đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng kinh tế, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa giữ nguồn nước phục vụ sản xuất. Không phải lo chuyện đất đai nữa, người Mông ở Lũng Pô bây giờ chỉ lo nhanh làm giàu thôi.
Trưởng thôn Sùng A Lử dẫn chúng tôi vào thăm từng nhà. Đồ đạc chưa nhiều, nhưng nhà nào cũng có xe máy dựng góc, một số có tivi trên tủ tường. Đang mùa thu hoạch chuối, dứa, nên ở trong nhà chỉ còn người già và lũ trẻ chưa đến tuổi đi học, người lớn đổ hết lên nương làm việc. Từ Trạm biên phòng Lũng Pô vào bản chừng 4 km, chúng tôi thấy bạt ngàn dứa, chuối tươi tốt. Vào ngôi nhà sàn to rộng đứng giữa thôn, may mắn gặp chủ nhân tên là Ma Mìn Phủ, mới 35 tuổi. Anh vừa nai nịt gọn gàng, chuẩn bị lên nương thu hoạch chuối. Nghe trưởng thôn giới thiệu, Phủ xăng xái rót nước mời khách. Câu chuyện xoay quanh việc trồng chuối, dứa, Phủ nói vanh vách: “Nhà mình có 6.000 cây chuối, nhà Ma Seo Mềnh có 4.000 cây, nhà Hầu Seo Chu có 3.000 cây… Tính ra, cả thôn đã có hơn 30 ha chuối trong tổng số 80 ha chuối của xã A Mú Sung, còn lại là dứa, nhưng mọi người vẫn đang trồng tiếp”. “Trồng nhiều chuối thế bán đi đâu?”- tôi hỏi. “Có đường to Nhà nước làm cho rồi thì không sợ ế đâu? Người bên Trung Quốc đến xin mua hết, chỉ lo không có nhiều chuối để bán thôi”- Mìn trả lời chắc nịch. Suốt các xã vùng biên Bát Xát như A Lù, Ngải Thầu chỉ thấy ruộng bậc thang, rừng và thảo quả, duy nhất ở bản mới Lũng Pô này có cây chuối và dứa, mà tốt đến lạ lùng, chẳng kém gì “thủ phủ” dứa, chuối Bản Lầu - Mường Khương. Chuối Lũng Pô trải dài, ngút ngàn trên những quả đồi, bao quanh bản mới, với màu xanh của rừng trồng, xoá dần đi những mảng đồi cỏ gianh vàng úa rất dễ gây cháy rừng vào mùa khô. Trên đường sang thăm trường học mới còn sáng màu sơn, đi qua những nương chuối tươi tốt, trưởng thôn Lử khoát tay hào hứng nói rằng: Cây chuối nhất định sẽ đem no ấm, giàu có đến cho người Lũng Pô cần cù, chịu khó. Con em người Mông được Nhà nước xây trường lớp kiên cố, được học hành, rồi sẽ vươn xa hơn cha anh ngày trước. Tôi tin vào điều đó.
Từ Lũng Pô, theo con đường tuần tra biên giới ngược lên phía bắc là đến Sa Pả, cũng là một bản mới định cư của người Dao từ A Lù chuyển sang. Lũng Pô và Sa Pả là hai thôn mới lập, nằm trên vành đai biên giới A Mú Sung. Cách đây hơn chục năm, tôi đã đến Sa Pả. Trở lại, thấy Sa Pả hôm nay đang khởi sắc, “đổi thịt thay da” thì rất mừng. Nhà nào cũng cấy trồng giống mới, thu hoạch hàng tấn lúa, ngô/năm; không còn hộ đói; có điện, có nước sạch để dùng; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Bà con lập ra hương ước để cùng nhau bảo vệ rừng, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá. Từ mô hình Sa Pả và Lũng Pô, càng thấy rõ một điều, để đồng bào định canh, định cư ở bản mới biên giới, không phải chỉ làm cho cái nhà ở, cái bể chứa nước ăn, hỗ trợ tạ gạo ăn ban đầu, mà cốt yếu phải có đường giao thông, đất đai sản xuất, thủy lợi, tức là những điều kiện để phát triển sản xuất bền vững. Thực hiện Chương trình 134, 120... của Chính phủ, đến nay, huyện Bát Xát đã bố trí, sắp xếp hàng nghìn hộ dân ra 8 thôn mới và hàng chục điểm dân cư, để phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới.
Đêm vùng cao giăng màn sương trắng mờ ảo, dòng Lũng Pô rì rào kể chuyện cổ tích. Bên đống lửa to rừng rực cháy, xua tan hơi lạnh sương đêm, chúng tôi cùng vui chén rượu nồng thơm ngô nếp mới, hoà cùng điệu múa “sinh tiền” khoẻ khoắn, vòng xoè hoa quyến rũ của các chàng trai, cô gái Mông vùng biên ải.
Xuân mới đang về trên bản mới Lũng Pô…!