LCĐT - Ngay cạnh trung tâm huyện Bắc Hà sầm uất và náo nhiệt có một thôn người Tày yên bình. Nơi đó, ẩn hiện dưới tán mai, đào là những căn nhà sàn mộc mạc. Phóng tầm mắt ra xa là những thửa ruộng bằng phẳng với lúa, rau màu quanh năm xanh tốt… Không ai dám tin, nơi đó - thôn Na Lo (xã Tà Chải) - “thay da đổi thịt” nhanh đến vậy. Thành quả ấy có được là nhờ chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng thôn kiểu mẫu.
Dù đã đến Na Lo nhiều lần nhưng mỗi lần tới đây, chúng tôi đều được người dân trong thôn đón tiếp nồng hậu. Có lẽ sự thay đổi tư duy khi bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng đã tác động không nhỏ tới phong cách sống của người dân, họ trở nên gần gũi và thân thiện hơn.
Diện mạo nông thôn mới Na Lo ngày càng khởi sắc nhờ phát triển du lịch cộng đồng. |
Ông Vàng A Văn năm nay ngoài 60 tuổi, là người đầu tiên trong thôn làm du lịch cộng đồng giãi tỏ: Khi mới bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, tôi vấp phải sự phản đối của bố mẹ, bởi quan niệm của nhiều người Tày khi ấy không muốn người lạ ngủ trong nhà của mình. Tôi đã kể cho bố mẹ nghe nhiều về khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn Bắc Hà đón khách du lịch ra sao và họ có thu nhập cao hơn rất nhiều so với cấy lúa, trồng ngô. Thời gian đầu làm du lịch, tôi chỉ phục vụ khách ăn uống, dẫn đường cho khách đi tham quan bản làng. Thấy cuộc sống gia đình đỡ vất vả từ làm du lịch, bố mẹ đã đồng ý cho tôi kinh doanh homestay.
Nhận thấy gia đình ông Vàng A Văn làm homestay hiệu quả, nhiều gia đình khác trong thôn cũng làm theo. Đến nay, thôn Na Lo có 9 hộ kinh doanh dịch vụ homestay.
Anh Vàng A Tăn làm homestay từ năm 2019 cho biết: Tôi thường hợp tác với các hướng dẫn viên du lịch và qua các trang du lịch như Agoda, Booking để giới thiệu homestay của mình. Thời điểm đông khách nhất, mỗi ngày tôi đón 20 khách và luôn kín phòng tất cả các ngày trong tháng. Tháng cao nhất, gia đình tôi thu được 20 - 25 triệu đồng từ kinh doanh homestay.
Năm 2017, Na Lo là thôn đầu tiên của huyện Bắc Hà trở thành thôn kiểu mẫu. Tất nhiên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ phát triển du lịch cộng đồng. Ông Vàng Đình Vi, Chủ tịch UBND xã Tà Chải cho biết: Ngay từ khi được lựa chọn để xây dựng thôn kiểu mẫu, cấp ủy đảng, chính quyền xã Tà Chải xác định tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ban vận động thôn Na Lo cũng đưa các tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu vào hương ước, quy ước thôn. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới, kiên quyết lên án những hành vi gây ảnh hưởng đến thôn như tệ nạn xã hội, phong tục và tập quán lạc hậu... Nhờ làm du lịch cộng đồng, người dân ở Na Lo đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và bản sắc văn hóa dân tộc. Chính quyền xã cũng vận động, tuyên truyền đến người dân trong thôn giữ lại hơn 30 căn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Đây chính là điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm.
Từ con đường đất đá lởm chởm mà người dân chỉ có thể dùng ngựa để đi lại, vận chuyển hàng hóa ra thị trấn thì nay, 100% đường nội thôn đã được đổ bê tông, xe ô tô 9 chỗ có thể đưa, đón khách du lịch đến từng nhà trong thôn. Trước đây, người dân trong thôn nói tiếng phổ thông chưa thông thạo nhưng bây giờ lại tự tin đón khách nước ngoài bằng những câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản mà họ “học mót” qua mỗi lần đón khách. Các công trình như đường giao thông, nhà văn hóa thôn, đường điện thắp sáng đều có sự đóng góp không nhỏ từ người dân. Để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, Chi hội Phụ nữ thôn chủ trì xây dựng đường hoa thôn quê, nhờ đó hai bên đường thôn luôn rực rỡ hoa khoe sắc quanh năm, chào đón khách du lịch đến với Na Lo mỗi ngày.
“Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có khách du lịch tới thôn. Những năm trước, thôn Na Lo đón khoảng 3.000 lượt khách nước ngoài mỗi năm, đem về nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình. Nhiều hộ nhờ làm du lịch cộng đồng đã thoát nghèo. Hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đã tăng từ 20 triệu đồng/người năm 2014 lên 43 triệu đồng/người năm 2020”, ông Vàng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Na Lo khoe.
Có thế thấy, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Na Lo đã và đang lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng song song với chương trình xây dựng thôn kiểu mẫu. Đây được coi là một hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, gắn sản xuất với du lịch và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bài 3: Thôn kiểu mẫu giữ nghề truyền thống