LCĐT - Được coi là 1 trong 4 âu tàu tự nhiên trong quần đảo Trường Sa, đảo Tốc Tan là nơi tránh, trú bão cho tàu của bà con ngư dân.
Chiều ngày thứ 4 của hải trình, tàu HQ - 571 lại băng băng rẽ sóng hướng đến đảo Tốc Tan. Đây là điểm đảo thứ 4 trong kế hoạch mà Đoàn công tác số 14 đến thăm và làm việc.
Cán bộ, chiến sỹ trên đảo trong đội hình chờ đón khách. |
Ngồi trên boong tàu ngắm biển, tôi được anh Bùi Văn An, thủy thủ trên tàu nói về điểm sẽ đến. Theo lời giới thiệu của anh An, đảo Tốc Tan cách đất liền 326 hải lý, là một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa với bãi san hô dài khoảng 20 km, rộng khoảng 7 km, diện tích gần 140 km², độ sâu từ 15 - 25 m, thềm san hô phía Bắc hình thành một vành đai, tạo thành hồ nước để tàu có thể vào tránh, trú bão.
Khi lên đảo, gặp đại úy Trần Huy Phụng, Chính trị viên đảo Tốc Tan A, quê ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tôi nói vui: Mình mới gặp thiếu tá Phạm Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, quê Thái Bình, nay lại gặp bạn cũng quê “5 tấn”. Anh Phụng cũng ứng khẩu lại ngay: Chả thế mà nhiều người vẫn bảo “Đi đến đâu cũng gặp đồng hương Thái Bình”, mọi người cùng cười lên vui vẻ. Hàn huyên bên ấm trà, chúng tôi được biết thêm, đảo Tốc Tan có 3 điểm (A, B, C). Tại điểm đảo Tốc Tan B - nơi chúng tôi tới có 2 ngôi nhà được xây vững chắc, trong đó công trình nhà văn hóa thể thao đa năng do thành phố Hà Nội xây tặng, vừa mới được hoàn thành tháng 4/2016. Thành tích của đảo thì có rất nhiều, nhưng chúng tôi ấn tượng nhất là việc cán bộ, chiến sỹ ở đây giúp đỡ ngư dân bám biển. Lý giải điều này, đại úy Hồ Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan A cho rằng, đó là do đặc thù vị trí địa lý của đảo nên được bà con ngư dân chọn là nơi tránh, trú bão. Bên cạnh đó, đảo cũng được Lữ đoàn 146 và Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ, nên cán bộ, chiến sỹ trên đảo xác định đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm bền chặt của quân với dân để cùng sát cánh giữ gìn biển đảo quê hương.
![]() |
Chuyển quà lên đảo. |
Qua trò chuyện với anh em trên đảo, chúng tôi được biết, ngày 9/1/2011, tàu cá do anh Nguyễn Hòa ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng bị hỏng máy, trôi tự do trên biển. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, các chiến sỹ hải quân trên đảo Tốc Tan đã kịp thời cứu hộ, đưa tàu cùng 14 ngư dân vào đảo an toàn và khắc phục sự cố hỏng máy. Cũng tương tự trường hợp tàu cá của anh Hòa, vào cuối tháng 4/2013, tàu cá của anh Dương Văn Thạch, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng bị hỏng máy. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, chỉ huy đảo đã phân công 3 đồng chí, trong đó có 1 thợ máy là thượng úy Đinh Thành Chung ra tiếp cận tàu và sửa chữa suốt 3 ngày liền mới khắc phục được sự cố, sau đó tàu cá lại tiếp tục hoạt động. Chuyến đi biển ấy, tàu của anh Thạch đánh bắt được 20 tấn cá thu bè. Có được sản phẩm, lại “thoát” nguy cơ thua lỗ gần 500 triệu đồng nếu phải thuê tàu lai dắt về đất liền, thành quả đó có sự giúp đỡ của các chiến sỹ hải quân trên đảo Tốc Tan - bà con ngư dân vẫn còn nhắc mãi. Trong cơn siêu bão Haiyan (bão số 14) tháng 11 năm 2013, do chủ động trong dự báo tình huống và phối hợp tốt với các đơn vị bạn, đảo Tốc Tan đã vận động được hơn 40 tàu cá vào đảo tránh, trú bão an toàn. Chỉ tính riêng năm 2013, đảo Tốc Tan đã vận động 281 lượt tàu cá vào tránh, trú bão an toàn ở khu vực đảo, hỗ trợ ngư dân hơn 4.300 lít nước ngọt, khám và cấp thuốc cho 113 lượt người, điều trị cho 13 bệnh nhân là ngư dân.
![]() |
Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tốc Tan. |
Để trở thành điểm tựa, nơi tiếp sức cho ngư dân bám biển, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng đã phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh, mất mát. Đó là tấm gương hy sinh của trung úy Phan Văn Hạnh, sinh năm 1981. Anh Hạnh quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngày 18/1/2014, trong khi đi tuần tra trên biển, gặp cơn sóng lớn, xuồng bị lật và anh Hạnh đã hy sinh. Thi thể của anh được đưa về đất mẹ, nhưng trên đảo, đồng đội vẫn lập một ngôi miếu để hằng ngày thắp hương tưởng nhớ anh. Vẫn còn một câu chuyện cảm động nữa cũng được lưu truyền nơi đây về nguyên đảo trưởng Tốc Tan C - anh Phạm Quốc Phương. Năm 2012, con trai anh là cháu Phạm Anh Tuấn, 3 tuổi mắc bệnh ung thư máu, lâm bệnh nặng, anh Phương vẫn phải kìm nén nỗi nhớ thương con, vượt qua khó khăn để làm nhiệm vụ trên đảo; khi cháu trút hơi thở cuối cùng, anh cũng không có mặt bên con. Còn nhiều đồng chí khác cũng có những hoàn cảnh khó khăn riêng, nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua bằng ý chí quyết tâm và gắn bó với đảo…
Chiều dần xuống, chúng tôi lại chào Tốc Tan để tiếp tục chuyến hải trình, tạm biệt nơi ấm áp tình người. Đến đây, tôi chợt ngẫm ra một điều, không phải chỉ có những người lính hải quân mới coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” mà cả những ngư dân cũng coi biển chính là quê hương của họ. Ở đó có những “ngôi nhà” - điểm tựa vững chắc để ngư dân mưu sinh giữa trùng khơi sóng gió.