Tiết xuân ở miền Nam không có cái se lạnh, mà thay vào đó là nắng vàng phản chiếu lấp lánh trên những chỏm sóng biển trong vịnh Quân cảng Vùng II Hải quân.
Sáng sớm, giữa nhịp hối hả của những người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang - thiết bị lên tàu hải quân, tôi phát hiện ở góc phía xa có người phụ nữ mặc áo dài đỏ thẫm bồng con nhỏ đang ngồi lặng lẽ hướng mắt về phía biển xa chân trời. Sự tò mò khiến tôi tiến lại gần làm quen và biết được đó là chị Trần Thị Thanh Thảo, giáo viên mầm non tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi biết Vùng II Hải quân chuẩn bị có chuyến tàu tới các đơn vị Nhà giàn DK1, chị Thảo cùng con gái nhỏ tới để gửi quà cho chồng là Trung tá Lê Minh Tân, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Nhà giàn DK1/16.
Món quà là chậu bonsai nhỏ được sắp xếp khéo léo để trồng 3 loại xương rồng và 1 khóm cây lưỡi hổ do chị Thảo và con gái tự tay chăm sóc, cắt tỉa trong nhiều tháng. Chị Thảo hiểu rằng, giữa biển khơi không phải loài thực vật nào cũng có thể tồn tại nên đã lựa chọn xương rồng - loại cây chịu được sự khắc nghiệt nhất của tự nhiên. Giữa đám bonsai li ti ấy, con gái chị Thảo khéo léo trang trí một lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, mô hình thu nhỏ máy bay quân sự, tàu hải quân và hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam uy nghiêm đang giơ tay chào
Ở một góc khác, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thương - vợ của Đại úy Trần Huy Thân, Chính trị viên Nhà giàn DK1/20 vừa bồng con nhỏ trên tay vừa xúc động gửi Đoàn công tác món quà nhỏ tặng chồng. Ngoài món quà được đóng gói cẩn thận, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thương còn gửi kèm bức thư viết tay với bao tâm sự, tình cảm thắm thiết.
Tàu Hải quân mang phiên hiệu Trường Sa 04 ngân hồi còi hiệu báo chuẩn bị nhổ neo. Trên cầu cảng lúc này là phút chia tay đầy lưu luyến của hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu, thành phố Vũng Tàu với bạn gái Lê Thị Quỳnh Như. Nhận món quà là chiếc khăn rằn và cái hôn nhẹ lên má khiến chàng hạ sĩ thấy mặt biển như ngừng sóng, mây ngừng bay để nhường chỗ cho nhịp đập con tim như trống giục.
Đúng 8 giờ, tàu nhổ neo, rẽ sóng tiến thẳng về hướng mặt trời mọc. Qua cửa sổ hình tròn đặc trưng của tàu thủy, thành phố Bà Rịa với những tòa nhà cao tầng nhỏ dần rồi khuất tăm sau những ngọn sóng và độ cong của bề mặt Trái Đất.
Buổi sáng đầu tiên trên boong tàu, tôi cảm nhận rõ vị mặn mòi của biển ngấm từng tế bào khứu giác, vị giác. Đứng cạnh tôi lúc này là hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu, chưa quen sóng lớn nên em xuống mặt boong để tránh độ lắc lư khi tàu ngược mũi sóng. Câu chuyện sau đó giúp tôi biết Giàu có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt (nhân vật đề nghị không viết chi tiết lên báo). Hết năm thứ nhất đại học, Giàu viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sau 1 năm ở đất liền thì được điều động làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/10. Dự định ngày kết hôn sau 5 năm thắm tình duyên với bạn gái đã phải hoãn lại chờ ngày Giàu trở về đất liền.
Trong ba lô nặng trĩu mà Nguyễn Tấn Giàu đeo trên vai buổi chia tay đất liền là sách vở em mang theo để ôn luyện trong những ngày tháng thuộc biên chế ở nhà giàn. “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em sẽ làm hai việc lớn: cưới vợ và trở lại giảng đường đại học. Quân ngũ là hành trang tốt nhất để em bước vào đời”, Giàu nhoẻn nụ cười thật tươi và ôm chặt ba lô vào lòng, trong đó có những món quà kỷ niệm của người yêu.
Sáng sớm ngày thứ 3, sau gần 48 giờ đồng hồ có mặt trên tàu Trường Sa 04, “lính mới” chúng tôi được đánh thức dậy sớm hơn bằng ba hồi còi tàu tu tu liên tục. Tàu đang thả neo tại bãi Phúc Nguyên để thực hiện một nghi lễ đặc biệt thiêng liêng: Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển phía Nam của Tổ quốc.
Át tiếng sóng ào ạt, Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng II Hải quân, Trưởng tàu Trường Sa 04 hô vang quân lệnh trang nghiêm và dõng dạc, trầm hùng: Ngày 5 tháng 7 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, nay gọi là Nhà giàn DK1. Đây là một quyết định hết sức sáng suốt, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ vẹn toàn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Đã không ít lần bão tố nổi lên, trong thời khắc giữa sự sống và cái chết cách nhau gang tấc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, quyết bám trụ đến cùng, sẵn sàng hy sinh thân mình để Tổ quốc trường tồn. Giọng Đại tá Trần Hồng Hải chùng xuống đôi phần:
Lặng đi ít phút nhường cho tiếng sóng vỗ ràn rạt mạn tàu, Phó Chính ủy Vùng II Hải quân tiếp tục bằng việc nhắc đến sự kiện cơn bão số 10 xảy ra tháng 12 năm 1990, bão quật đổ và cuốn trôi 1 nhà giàn khiến 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đó là Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị; Thượng úy Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền. Năm 1998, tại bãi Phúc Nguyên, cuồng phong lại quật đổ Nhà giàn DK1/6 khiến Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Chuẩn úy Nguyễn Văn An mãi mãi hóa thân mình vào con sóng đại dương...
Trước khi thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ giữa biển khơi, giọng Đại tá Trần Hồng Hải thêm một lần trầm vang: “Hôm nay, giữa trời, biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Đoàn công tác chúng tôi nguyện mãi mãi tiếp bước, bồi đắp niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước. Chúng tôi quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Đưa tay lau ngang hai hàng nước mắt, giọng người Đại tá uy phong trong quân đội quyện lạc vào những vần thơ: “Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/Trong cơn hồng thủy phong ba/DK1-Bản hùng ca lưu đời/Hương trầm quyện gió tỏa quanh/Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/Sống không mưu lợi tầm thường/Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng...”.
Những ngày giáp tết, gió áp thấp ở vùng biển phía Nam thường xuyên thổi cấp 7, cấp 8 khiến sóng biển cao tới 6 - 7 mét. Mặc sóng, gió, tàu Hải quân Trường Sa 04 vẫn ngược mũi sóng hướng về phía bãi Phúc Tần, rồi Tư Chính, làm nhiệm vụ vận tải lương thực, nhu yếu phẩm và quà tết cho 10 nhà giàn. Có thời điểm sóng lớn, ca nô không thể tiếp cận nhà giàn nên cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện theo cách đặc biệt là gói hàng thật kín rồi buộc vào dây được thả xuống từ nhà giàn trước khi cán bộ, chiến sĩ đầu bên kia gồng mình kéo lên. Suốt 1 tuần sau, cánh phóng viên chúng tôi ai cũng hồi hộp, phấp phỏng mong được đặt chân lên nhà giàn đang ở rất gần nhưng không thể. Sóng lớn nên chỉ có một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mới có thể tiếp cận. Có những nhà giàn, tàu Hải quân Trường Sa 04 đi qua nhưng không thể tiếp cận nên chỉ bắc loa chúc tết, chúc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ và vẫy tay chào từ xa.
Sau gần 2 tuần, vượt chặng đường 1.500 km, tàu Trường Sa 04 và Đoàn công tác đã tới được Nhà giàn DK1/10, nhà giàn gần cực Nam của Tổ quốc nhất. Nơi này sóng biển lặng hơn, trong 2 ngày, Đại tá Trần Hồng Hải quyết định cho tất cả thành viên Đoàn công tác có cơ hội được lên Nhà giàn DK1/10. Trên nhà giàn vời vợi, ngạo nghễ giữa bao la biển trời của Tổ quốc, những cái bắt tay nồng ấm, những cái ôm chầm thắm thiết, trong niềm hân hoan, xúc động khôn tả, nhiều thành viên Đoàn công tác đã bật khóc như trẻ thơ.
Tết sớm giữa trùng khơi, cánh phóng viên chúng tôi cùng với cán bộ, chiến sĩ trang trí mâm ngũ quả giữa hai bên là cành đào, mai vàng, cây quất sai trĩu quả. Phía trên cao nhất là cờ Tổ quốc thiêng liêng, là cờ Đảng và tượng Bác Hồ sáng lấp lánh trong ánh điện. Tết sớm ở nhà giàn không thiếu gạo nếp, đậu xanh, lá dong, thịt lợn; gói bánh chưng xanh trên nhà giàn trở thành sinh hoạt đặc biệt, ấm nồng tình quân dân, đậm đà văn hóa, bản sắc truyền thống, dân tộc Việt Nam.
Chiều hôm sau, những cái vẫy tay và lời chào tạm biệt dần tan vào sóng biển, tàu Trường Sa 04 hướng mũi về phía đất liền, kết thúc hải trình 2.000 km, xấp xỉ chiều dài đường bộ từ thành phố biên giới Lào Cai tới thành phố Cà Mau thuộc tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Tạm biệt vùng biển thềm lục địa phía Nam, tạm biệt “cột mốc thép trên biển”, chúng tôi ai cũng mong có ngày được trở lại.