Trở lại Bản Lầu xanh tươi

Tôi trở lại vùng đất biên giới Bản Lầu, quen mà lạ. Đến nhiều lần, gặp nhiều người nên đã quen. Nhưng lạ, bởi mỗi lần đến rẻo đất ven biên này lại thấy thêm nhà xây mới hồng tươi mái lợp, nương đồi kín rợp màu xanh cây trái, gương mặt người sáng thêm, vững tin như cột mốc biên giới bình yên nơi đây.

Bẵng đi mấy năm, tháng Giêng Ất Tỵ tự tay lái “con ngựa sắt bốn bánh” trở lại rẻo đất biên giới Pạc Bo, Na Lốc, Cốc Phương… tôi thực sự ấn tượng về tuyến đường nhựa át-phan vừa rộng vừa nhẵn mịn, như dải lụa huyền chạy suốt dọc dài biên giới, gần 20 cây số, từ quốc lộ 4D Lào Cai - Mường Khương rẽ vào, xuyên suốt 7 thôn biên giới của Bản Lầu đến tận “ốc đảo” Nậm Chảy năm nào. Chủ tịch Cựu chiến binh xã Bản Lầu Sin Văn Thắng nói với tôi, đó là Tỉnh lộ 154, do tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở rộng gấp đôi, át-phan dầy dặn toàn bộ mặt đường, vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng trước tết Ất Tỵ chừng 3 tháng. Vậy nên, cứ mỗi lần trở lại, tôi lại thấy thêm cái mới, cái lạ ở vùng đất quen thân từ lâu, mà ở đó mỗi ngôi nhà, nương dứa, đồi cây đều gợi nhớ về mảnh đất và con người biên giới đầy gian khó mà bền bỉ, kiên trung, đầy niềm tin và nội lực đi lên.

z6306229240959-9d9266c496b63d900f45c59c2005f398.jpg
z6306229272963-652cbb7f03e56b042408117eb86e75b6.jpg
Niềm vui được mùa dứa ở rẻo cao biên giới Bản Lầu.

Còn nhớ, ban đầu bà con người Mông, Nùng, Giáy ở 7 thôn biên giới Bản Lầu làm ăn, đi lại trên đường nhỏ hẹp, lầy lội bằng đôi chân trần trên vai gùi nặng hoặc ngựa thồ hoặc bằng chiếc xe Min-khờ to nặng và thật khỏe mới kham nổi đường xấu. Gian khó đè nặng trên vai, mãi đến năm 2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lên thăm Bản Lầu, thấy rõ quyết tâm vượt khó để dựng bản lập làng (sau chiến tranh biên giới) của chính quyền và bà con dân tộc nơi đây, ông đã chỉ đạo làm đường mới, tạo động lực giao thương, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống bà con ở địa phương. Tuyến đường “bác Triết” rộng mở, cấp phối mặt cho ô tô loại vừa và nhỏ từ Quốc lộ 4D chở phân bón vào tận bản, đến từng nhà dọc rẻo đất biên giới, làm dậy lên phong trào phủ xanh đồi trọc, xóa đói đuổi nghèo bằng dứa Hoàng hậu (Queen) và chuối cấy mô, làm “thay da đổi thịt” đất và người nơi đây.

Nhớ năm ấy, đúng mùa dứa chính vụ, tôi bon xe máy chạy vào Cốc Phương, dừng chân ngay trước cửa nhà Thào Dìn đang tấp nập người và xe tải cân hàng. Dứa được mùa được giá, bà con người Mông vui như hội. Thanh niên trẻ khỏe điều khiển những chiếc xe máy Win 100 vừa cao gầm vừa khỏe trên vai địu lù cở hàng tạ dứa quả mới hái từ trên nương chạy xuống đường “bác Triết” cân bàn, rồi đổ lên xe ô tô. Cứ thế như con thoi. Phụ nữ thì phân lọc quả và xếp dứa lên xe, ghi chép mã cân để cuối ngày tính tiền. Đường tốt, đi lại dễ nên người mua cùng người bán dứa đều chung niềm vui được mùa được giá, được tiền nhiều. Niềm vui no ấm hiện rõ trên mặt người trong nắng cuối đông ấm áp. Tôi cứ đứng mãi trước cổng nhà, mừng cho Thào Dìn cùng bà con người Mông ở Cốc Phương. Xong chuyến hàng, “tay bắt mặt mừng” Thào Dìn khoe năm nay thắng lớn nhờ dứa tốt đường thông, bán gọn sản lượng của hơn 30 vạn gốc dứa, tổng hàng trăm tấn quả, thu về hơn 300 triệu đồng.

Con đường đi của Thào Dìn, được mệnh danh là “vua dứa” ở Cốc Phương cũng chính là hành trình vượt khó vươn lên từ sau chiến tranh biên giới để lập làng khởi nghiệp của hàng trăm hộ đồng bào Mông ở rẻo đất biên giới này. Ðói, nghèo buộc Thào Dìn phải sang bên kia biên giới làm thuê cho chủ trang trại dứa nước bạn. Nhìn những đồi dứa của họ xanh tốt, Thào Dìn nghĩ đất Cốc Phương mình rộng thế, sao người Mông ta không trồng dứa bán cho các nhà máy chế biến của họ. Cứ phát nương tra ngô, đất bạc màu, rừng nghèo kiệt, thì tự buộc chặt mình vào cái đói, cái nghèo mãi thôi. Nghĩ là làm, Thào Dìn không nhận tiền công làm thuê mà nói với ông chủ trang trại cho lấy dứa giống. Mười nghìn gốc dứa đầu tiên được vợ chồng Thào Dìn cặm cụi “cắm” lên đồi thành hàng lối, nhìn thật đẹp mắt. Không phụ công người trồng, dứa lên xanh tốt, quả to, chín vàng. Thế nhưng, chuẩn bị thu hoạch vướng phải mùa mưa kéo dài cả tuần, làm dứa thối nhũn. Xót của nhưng không nản, Thào Dìn gác lại việc trên nương, đi bộ ra xã, bắt xe khách vào huyện hỏi cán bộ khuyến nông cách làm. Vụ sau, Thào Dìn trồng dứa sớm hơn, chăm sóc đúng kỹ thuật, để khi quả chín tránh được mưa rừng kéo dài, không bị thối hỏng. Trúng mùa lớn, lần đầu tiên trong đời, cầm món tiền lớn như mơ, vợ chồng Thào Dìn cả đêm không ngủ. “Thế là tìm được chìa khóa thoát nghèo cho người Mông ta ở nơi núi cao gió hú này rồi, mừng hơn kéo được vợ” - Thào Dìn kể lại.

Học theo cánh chim đầu đàn Thào Dìn, người Mông suốt rẻo biên giới Bản Lầu thay cây ngô bằng trồng dứa, đem lại thu nhập cao hơn hẳn, xóa hẳn cái đói, đẩy lùi cái nghèo, đời sống khá hơn. Thành công từ cây dứa, người Mông nơi đây còn trồng chuối bằng giống nuôi cấy mô để xuất khẩu. Chỗ thấp ven suối thì trồng chuối, trên núi cao thì trồng dứa, màu xanh của sự no ấm, trù phú phủ kín vùng đất hoang. Được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Cốc Phương, Thào Dìn nghĩ cách lập Tổ đổi công trồng dứa, chuối cho những hộ khó khăn, neo đơn, nhờ vậy hộ nào cũng có việc làm, nguồn thu. Từ Cốc Phương lan nhanh sang các thôn Na Lốc, Pạc Bo, Đồi Gianh… Diện mạo nông thôn biên giới Bản Lầu thay da đổi thịt từng ngày.

z6306229269768-0892d99d6c9db35a22b84bd511e332f8.jpg
Nông dân Bản Lầu thu nhập ổn định từ trồng chuối.

Hôm tôi trở lại Cốc Phương, Thào Dìn đã hiến đất nhường ngôi nhà cũ năm nào để mở rộng Tỉnh lộ 154, ông lui về ở căn nhà nhỏ hơn ngay sát mặt đường, ngay trước cổng Trường Tiểu học và THCS Na Lốc. Giờ ông giao công việc nương đồi cho con cái, nhưng bản thân ông không nghỉ mà hướng dẫn kỹ thuật trồng dứa, chuối, xoài, sa nhân tím… cho bà con khắp rẻo biên giới này. Ông hóm hỉnh, tuổi nhiều một tý rồi thì mình làm cái việc phù hợp để giúp bà con làm ăn ngày càng khá lên, cùng nhau xây dựng biên giới no ấm, đẹp giàu. Ông đưa tôi đến nơi Đồn 136 Na Lốc (thuộc Công an Vũ trang Lào Cai - tiền thân của Đồn Biên phòng Bản Lầu ngày nay) ngày trước đóng quân, ở đó mọi người vẫn nhắc đến liệt sỹ Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Chính trị viên Nguyễn Thái Chu cùng 20 cán bộ, chiến sỹ Đồn 136 Na Lốc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ dân, giữ vẹn nguyên đất đai Tổ quốc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm nào.

Cũng ở ngay mảnh đất thấm máu đào các anh hùng liệt sĩ này, tôi gặp Giàng Lùng, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ Na Lốc 3 cùng vợ chăm nương xoài 4 năm tuổi đang mùa trổ lộc đơm hoa. Như cánh chim đầu đàn, Giàng Lùng xông xáo, đi đầu trong công việc chung, vận động bà con vừa phát triển kinh tế vừa cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự làng bản bình yên. Thôn Na Lốc 3 hiện có 61 hộ, với 368 nhân khẩu thì chỉ còn hơn chục hộ nghèo, hơn 70% số hộ khá và giàu. Anh kể cho tôi nghe về Giàng Dùng, Vàng Phủng, Giàng Phừ…, mới ngoài 40 nhưng là những triệu phú ở vùng đất này, họ chính là lớp kế cận xứng đáng với “vua dứa” Thào Dìn năm xưa, làm giàu mạnh thêm quê hương biên giới.

Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu Lê Đức Hạnh thông tin, năm 2024 toàn xã có 848 ha dứa đang cho thu hoạch, năng suất đạt 26 tấn/ha, đạt tổng sản lượng hơn 22.000 tấn quả, bán cho Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương và các tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đem về cho người dân hơn 132 tỷ đồng. Nhờ vậy, hầu hết nhà dân đã xây kiên cố, nhiều nhà 2 - 3 tầng, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, các con được học hành đủ đầy, không có tệ nạn xã hội xảy ra.

Thăm Đồn Biên phòng Bản Lầu, Trung tá, Chính trị viên Nguyễn Văn Ước đưa tôi đến gia đình chị Vàng Thị Xóa, ở thôn Đồi Gianh đã thoát nghèo từ con bò giống do anh em cán bộ, chiến sỹ của Đồn chung tay quyên góp, ủng hộ. Cách làm của Đồn cũng rất hay, cử Thiếu tá Vàng Văn Dung là Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm của Đồn trực tiếp giúp đỡ. Khi bò mẹ đẻ, sẽ chuyển con bê đầu tiên cho người nghèo khác. Từ con bê thứ hai trở đi cùng con bò mẹ ban đầu sẽ thuộc về chị Xóa. Bằng cách giúp đỡ có địa chỉ, có người phụ trách trực tiếp như thế, hai năm qua Đồn Biên phòng Bản Lầu đã trao tặng 6 con bò giống cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đã sinh được 2 con bê mới, tiếp thêm động lực cho bà con vươn lên cuộc sống tốt hơn. Coi bà con như người thân ruột thịt, biên giới là quê hương, cán bộ và chiến sỹ của Đồn nhận đỡ đầu hai con nuôi sinh hoạt và học tập tại Đồn và hỗ trợ “Nâng bước em đến trường” 17 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học chữ, rèn người, sau này lập thân và lập nghiệp dựng xây quê hương.

Nắng xuân đã bừng lên tỏa ấm áp lên thị tứ Bản Lầu rực rỡ cờ đỏ sao vàng trước mỗi ngôi nhà, trường học. Tôi cùng Chính trị viên Nguyễn Văn Ước đến thắp nén hương thơm trước anh linh các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Bản Lầu, ở đó có những liệt sỹ của Đồn 136 Na Lốc năm xưa anh dũng chiến đấu và hy sinh cho vẹn nguyên đất đai Tổ quốc và cuộc sống yên bình của nhân dân hôm nay.

“Tưởng nhớ người đã hy sinh, cách tốt nhất chúng ta hãy làm mọi việc để có hòa bình bền vững, để bảo vệ vững chắc đường biên cột mốc, để người dân giáp biên có đời sống tốt hơn, no ấm và bình an” - trong khói hương bay lên, giọng anh Ước như một lời thầm nhắc bên tôi.

Hàng bia liệt sĩ đứng nghiêm trang như những người lính năm xưa chung đội ngũ, những bông hoa nở đỏ sắc hồng bên các anh như mùa xuân vẫn còn đang đợi… Năm ấy, Đồn trưởng Nhạc Văn Công dũng cảm, ngoan cường chiến đấu cùng đồng đội và nằm xuống hòa vào đất đai Na Lốc thì nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu ngày đêm bám bản, bám dân để làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; bám đường biên mốc giới để gìn giữ và bảo vệ vẹn nguyên đất đai Tổ quốc. Họ là những “cột mốc đỏ” nơi biên giới thân thương…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Nằm trong số 74 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu từ lâu đã quen với những định danh như "vùng cao đặc biệt khó khăn". Thế nhưng, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trên những sườn núi, không phải bằng những dự án hoành tráng, mà bắt nguồn từ chính mảnh đất, từ việc đánh thức giá trị của những cây trồng bản địa.

Biến đất cằn thành vườn cây bạc tỷ

Biến đất cằn thành vườn cây bạc tỷ

Trên những mảnh nương, đồi trồng ngô, lúa bạc màu một thời, anh Lý Phụ Chìu ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) đã tìm ra hướng đi mới, phủ xanh đất cằn bằng mô hình trồng cây cảnh đem lại hiệu quả cao. Không chỉ là người tiên phong, anh còn truyền cảm hứng thay đổi tư duy phát triển kinh tế ở thôn.

Góp sức dân mở đường về đích nông thôn mới

Góp sức dân mở đường về đích nông thôn mới

Không chờ đợi nguồn lực từ cấp trên, nhiều hộ dân ở huyện Bảo Yên đã chủ động hiến đất, góp tiền, góp công làm đường giao thông nông thôn. Những tuyến đường bê tông sạch đẹp không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững.

Sắc màu no ấm ở thung lũng bản Sinh

Sắc màu no ấm ở thung lũng bản Sinh

Bản Sinh như một thung lũng thu nhỏ nằm cách trung tâm xã Lùng Vai, huyện Mường Khương khoảng 3 km. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm chỉ lao động, đồng bào các dân tộc ở bản Sinh có được cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

190 học viên tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới

190 học viên tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới

Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai phối hợp với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nông thôn mới năm 2025.

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ con số 214 hộ nghèo vào năm 2021, chiếm hơn 21% tổng số hộ, đến nay xã chỉ còn 34 hộ nghèo, tương đương 3,36%. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 17,77% mỗi năm là kết quả ấn tượng, minh chứng rõ nét cho sự bền bỉ và kiên trì trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bắc Hà mùa quả ngọt

Bắc Hà mùa quả ngọt

Mùa này, mận chín rải rác khắp các xã, từ vùng thấp đến vùng cao. Trong những vườn mận, vườn đào, tiếng nói cười rộn ràng, nông dân đang hối hả, nhanh tay thu hoạch quả chín. Những quả đào hồng rực, quả mận tím đỏ lúc lỉu trong tán lá xanh mướt... mới thấy sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Từ trung tâm thị trấn Bắc Hà đến các xã Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố… đều đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mận. Năm nay được mùa nên cây mận nào cũng sai quả.

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại hội nghị tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra chiều 9/6, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai hiệu quả các chương trình tại địa phương, trong đó nhấn mạnh phải phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.

Đất đồi cho quả ngọt

Đất đồi cho quả ngọt

Trên những triền đất đồi dốc trước kia chỉ trồng ngô, sắn, đậu tương…, nhiều hộ dân vùng cao huyện Bát Xát đã đưa cây lê VH6 - giống cây ăn quả ôn đới hợp khí hậu, hợp thổ nhưỡng về trồng. Sự mạnh dạn chuyển đổi đã “đánh thức” tiềm năng đất đồi, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa và cho những mùa quả ngọt.

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc phát triển tín dụng xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam. Ngành ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn về tài chính xanh.

fb yt zl tw