LCĐT - Đến giờ, không còn ai biết thứ gạo trắng, hạt to mẩy, cây cao hơn đầu người, ăn cơm dẻo thơm có nguồn gốc từ đâu, từ bao giờ. Chỉ biết rằng, thứ gạo đó đã làm nên thương hiệu nổi tiếng miền“khắp Nôm”.
Cứ mùa nối mùa, trăng khuyết rồi lại tròn, lúa xanh rồi lại lúa vàng, giống lúa Chăm pét cứ chín cùng tiết thu trên những tràn ruộng bậc thang nơi lưng núi Dần Thàng (Văn Bàn)…
Từ lâu lắm rồi, người già trong bản kể lại cho con cháu nghe, thuở trước, cả vùng người Dao ở Văn Bàn, nhiều gia đình đều cấy giống lúa bản địa này. Đây là giống lúa ngon, có thể để được giống cấy vụ sau. Thế rồi, những thửa ruộng trên, tràn ruộng dưới, giống lúa ngon cứ thế bén đất…, năm này qua năm khác, bền bỉ trổ bông, trĩu hạt. “Hữu xạ tự nhiên hương”, Chăm pét trở thành giống lúa bản địa của người Dao đỏ cũng chẳng có bí sử nào ghi chép. Chỉ biết rằng, theo người Dao ở Dần Thàng gọi thì tên lúa là “Bèo lố khoáy”… có nghĩa là giống lúa tháng Tám thu hoạch sớm. Nhưng cũng có một lý giải khác cho rằng “Bèo lố khoáy” có nghĩa là giống lúa cổ trồng ở bất cứ vùng nào cũng được mùa. Thế nhưng, điều đặc biệt là vẫn chưa ai có thể lý giải nổi vì sao Chăm pét là tiếng của người Tày, mà lại là giống lúa của người Dao đỏ. Đến giờ, câu hỏi đó với chính người Dao ở Văn Bàn vẫn còn là một ẩn số…
![]() |
Anh Triệu Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Dần Thàng, người “nặng lòng” với giống lúa Chăm pét cho biết: Bây giờ không còn cái thời “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” nữa rồi, nên việc vận động bà con cùng trồng lúa Chăm pét đang được xã tích cực chỉ đạo. Đây là giống lúa ngon, có thể phát triển thành hàng hóa, tuy nhiên, hiện đối với Dần Thàng thì “đường đến đích vẫn còn xa lắm”… Bởi cả thôn Nậm Mười, nơi trước đây được xem là vùng trồng lúa Chăm pét, nay còn lại chưa đầy 10 hộ “chung thủy” với giống lúa bản địa này. Những năm trước, cây lúa lai trở thành “cứu cánh” trong công cuộc đẩy lùi nghèo đói ở Dần Thàng bởi năng suất cao. Khi cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây ngày càng khấm khá, no đủ thì việc quay trở lại trồng giống lúa đặc sản, chất lượng cao cũng là điều dễ hiểu. Họ biết, trồng lúa Chăm pét tuy năng suất không cao bằng lúa lai, nhưng nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là người hiểu đặc tính của giống lúa này hơn cả.
Anh Hoàng Văn Toàn, khuyến nông viên xã Dần Thàng thì có cách lý giải theo chuyên môn mình phụ trách: Làm một phép so sánh đơn giản cũng có thể thấy, trồng lúa lai, tuy năng suất có thể đạt 2 - 2,5 tạ/sào, nhưng tốn nhiều tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc; giá bán gạo thương phẩm cũng không cao. Còn cấy lúa Chăm pét, nông dân có thể tự để giống được, vì là giống lúa thuần nên không tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tỷ lệ gạo sau khi xay xát đạt cao. Cơm nấu từ gạo Chăm pét ngon hơn hẳn, nhiều khi nấu từ sáng đến chiều ăn vẫn dẻo, không cứng như một số loại gạo khác.
Người Dao biết quý trọng hạt gạo Chăm pét nên nhiều năm qua, ông Triệu Kim Lụa vẫn không bỏ giống lúa này. Giờ đây ông trở thành người trồng nhiều lúa Chăm pét nhất thôn Nậm Mười. Tuy nhiên, gia đình ông cấy giống lúa này cũng chỉ để ăn chứ không bán. Năm nào, gia đình ông cũng cấy vài chục cân giống, bởi theo ông Lụa, nếu để mất giống lúa này thì tiếc lắm, “báu vật” trời ban cho người Dao ở Dần Thàng, thế nên mình gìn giữ hôm nay để con cháu mai sau có giống lúa cho gạo ngon mà ăn, mà biết quý công sức cha ông để lại...
Đau đáu với nguy cơ mất dần giống lúa quý, anh Triệu Văn Hoa cho biết thêm: Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống và để giống cho vụ mùa sau. Bà nội tôi dạy cả nhà rằng, cứ hai đến ba năm phải ra ruộng lúa chọn những bông lúa to, nhiều hạt để lấy giống. Thường thì chọn bông đếm hạt, nếu thấy bông lúa nào đủ 120 hạt thì ngắt mang về phơi để làm giống. Vả lại, giờ trồng lúa Chăm pét trên ruộng bậc thang gần với khu vực canh tác các giống lúa khác nên việc phục tráng và giữ được giống lúa bản địa cũng gặp nhiều trở ngại do có sự lẫn tạp…
Tháng Tám trăng tròn, cũng là khi những bông lúa cao lút đầu người bước vào thời kỳ “uốn cần câu”. Người Dao đi “cắt” lúa về để mừng cơm mới… Thấy tôi thắc mắc vì sao lại gọi là “cắt” lúa mà không phải là gặt, anh Triệu Hữu Châu, thôn Nậm Mười cho biết: Bởi vì giống lúa Chăm pét cây cao lắm, thông thường cao khoảng 1,3m đến 1,5m, có những chỗ cao hơn cả đầu người, nên khi thu hoạch dùng liềm với bông lúa xuống để “cắt”… Ra vậy, cũng bởi vì giống lúa này có một “nhược điểm” khiến nhiều người dân nơi đây không mấy mặn mà là cây cao rất dễ đổ, trong khi đó đặc tính khí hậu của Dần Thàng thường có gió to, nên cây lúa hay bị đổ hàng loạt. Mặt khác, sự xuất hiện của giống lúa lai đã thu hẹp diện tích lúa Chăm pét.
Sau vụ gặt, để thờ thần lúa, cầu mong cho mùa vụ sau bông lúa nhiều hạt hơn, bội thu hơn… năm nào đồng bào Dao cũng tổ chức lễ mừng cơm mới. Tuy quy mô không mở rộng thành ngày hội của cả bản, nhưng hầu như cứ dịp lúa chín, nhà nào cũng tự tổ chức mời họ hàng cùng sang ăn bát cơm mới. Thường thì, bà con ra đồng từ lúc mặt trời chưa mọc, cắt một ít lúa về, phơi khô, xát thành gạo rồi chọn ngày tốt làm lễ. Anh Triệu Hữu Châu còn cho biết thêm: Trước đây, gặt lúa về, người Dao thường dùng rơm làm đệm để nằm. Rơm từ lúa Chăm pét khác hẳn rơm các giống lúa khác bởi độ dẻo, mềm và thơm. Thế nên, nhà nào sau vụ gặt cũng làm đệm rơm để ngồi, để nằm, rất ấm. Nhưng giờ cuộc sống khá hơn, không còn ai nằm đệm rơm Chăm pét nữa…
Gạo Chăm pét hạt tròn to, nấu cơm dẻo, đậm và ngon. “Ăn cơm Chăm pét chẳng cần ăn thức ăn đâu. Ngon lắm!” - anh Triệu Văn Hoa cười và nói. Giờ đây, khi giống lúa ngon đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì người Dao ở Nậm Mười đã biết giải bài toán kinh tế về trồng lúa thế nào có lợi hơn. Chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng thấy ngay việc “ăn một bát cơm no lâu mà ngon còn hơn ăn ba bát cơm đầy mà vẫn thấy đói”. Thế nên, có thể lý giải vì sao, giờ đây, người Dao ở Dần Thàng đang dần có ý thức về việc để giống, canh tác lúa Chăm pét. Mấy năm gần đây, nhiều người biết “tiếng” giống lúa ngon ở Dần Thàng đến tìm mua giống nhưng cũng không có bán. Nhà nào nhà nấy chỉ để giống gieo đủ vụ sau.
Rời lưng núi Dần Thàng vào chiều cuối đông, khi “kho thóc” Chăm pét của người Dao đã đầy ắp lúa mới. Vòng tuần hoàn của thời gian 4 mùa chuẩn bị khép lại, một mùa vụ mới sắp đến, người Dao nơi đây vẫn âm thầm gieo những hạt vàng trên ruộng bậc thang nơi lưng núi, để dệt nên những mùa xuân no ấm.