Là tỉnh vùng cao, Lào Cai có đường biên giới với nước bạn Trung Quốc dài hơn 182 km, trong đó có gần 132 km đường sông, suối, hơn 50 km đường đất liền. Đường biên giới chạy từ Tây sang Đông, sống dọc biên giới là cộng đồng các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy, Nùng, Pa Dí, Tu Dí, Thu Lao… luôn đoàn kết, gắn bó với quê hương, cùng bộ đội biên phòng xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Bài 1: Hồng Ngài - nơi tận cùng biên giới Lào Cai
Thôn Hồng Ngài, xã Y Tý, huyện Bát Xát, nằm trên độ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, ở tận cùng biên giới tỉnh Lào Cai. Mảnh đất Hồng Ngài, phía Bắc xuôi xuống đến suối Lũng Pô, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, có cầu Thiên Sinh, dịch nghĩa là “Trời sinh”. Truyền thuyết kể rằng, cầu Thiên Sinh là do ông Trời thể theo nguyện vọng người dân, khao khát có cây cầu bắc qua suối đã sai Thiên Lôi dùng búa thần xẻ đá núi Chin Chu Lìn, thành cây cầu bắc ngang suối Lũng Pô, nối liền biên giới Việt - Trung. Phía Tây tiếp giáp với xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Cả thôn có 54 hộ, với 360 khẩu là đồng bào dân tộc Mông.
![]() |
Thiếu tá Phùng Quang Tiến tuyên truyền, vận động nhân dân cho con, em đến trường. |
Một ngày tháng Mười, chuông điện thoại của tôi đổ dồn, “cố tỷ” (tiếng địa phương có nghĩa là anh em) Vàng A Chu báo tin khánh thành ngôi nhà 2 tầng, cũng là ngôi nhà cao tầng đầu tiên ở thôn Hồng Ngài. Mừng cho Chu xây được ngôi nhà, tôi nhận lời lên đó chia vui. Lên Hồng Ngài gặp lại “cố tỷ”, Vàng A Chu xúc động khôn xiết: “Nhà Chu có được như ngày hôm nay, ngoài sự cần cù, chịu khó của các thành viên trong gia đình, còn phải nhờ có tuyến đường ô tô mà Nhà nước mở từ trung tâm xã vào thôn”. Tôi biết, người vùng cao như Chu, vốn kiệm lời mà đã nói ra thì chắc chắn là sự thật. Đây không phải lần đầu tôi đến Hồng Ngài. Còn nhớ, năm 2003, khi đi xe máy vượt qua quãng đường gần 100 km từ thành phố Lào Cai (thị xã Lào Cai cũ) đến trung tâm xã Y Tý, tôi phải đi bộ 18 km, vượt núi, băng suối, vừa đi vừa nghỉ, mất trọn một ngày đường mới đến nơi. Chẳng cứ người nơi khác như tôi, mà ngay như dân ở Y Tý, khi nghe nói đến Hồng Ngài cũng thấy “sợ”. Người ta sợ vì phải đi trên con đường mòn heo hút; những cánh rừng có nhiều muỗi, rắn, rết, chưa kể là suối Sim San mỗi khi có lũ phải đợi cả tuần mới lội qua được. Người ta sợ cũng bởi lẽ Hồng Ngài xa xôi, heo hút quá! Bây giờ đến thôn Hồng Ngài đã có đường ô tô và cây cầu Sim San được xây nối đôi bờ, giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Có đường ô tô, người dân Hồng Ngài đi chợ xã Y Tý gần hơn. Hoạt động giao thương cũng vì thế trở nên náo nhiệt hơn trước, người dân Hồng Ngài bây giờ có “bát ăn, bát để”, sắm được ti vi, tủ lạnh, máy xay xát. Tối đến, ánh điện sáng khắp mọi nhà, tiếng cười, tiếng nói râm ran cả một góc rừng. Bên mâm rượu, Vàng A Chu kể: Năm 2013, khi có đường ô tô về thôn, tôi và vợ chịu khó khai hoang, biến khu đất ven sườn núi Hồng Ngài thành những thửa ruộng bậc thang màu mỡ. Có ruộng, tôi mạnh dạn mua giống lúa, ngô mới về thâm canh, thay thế giống cũ. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình nuôi thêm gia súc. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch gần 3 tấn thóc, trong chuồng nuôi 3 con trâu, 2 con ngựa và 7 con lợn. Thêm vào đó, năm được mùa, gia đình thu hơn 1 tấn thảo quả, bán được hơn 100 triệu đồng, thế là có tiền xây nhà…
Chàng trai trẻ có gương mặt sáng, thân hình cân đối, nước da trắng đến mời rượu. Anh Chu giới thiệu đó là Vàng A Sáo, “tân” Trưởng thôn Hồng Ngài, “nối nghề” cha là ông Vàng A Dủa. Thấy con trai mời rượu, ông Dủa kéo tôi lại bảo: Mình già rồi, trình độ có hạn. Các cụ xưa có câu: “Tre già măng mọc”. Nó có sức khỏe, có trình độ văn hóa, làm Trưởng thôn thì có lợi cho dân bản hơn!
Tôi hiểu tâm tư của ông Dủa và tin Trưởng thôn Sáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ như cha. Uống xong chén rượu mời, kỷ niệm cũ với anh Dủa ùa về trong tôi. Đó là khi tôi rời bản Hồng Ngài trở về nhà, anh Dủa tặng tôi một con chó và bảo rằng: “Giống chó này hiếm và quý lắm, nó rất khôn và trung thành với chủ”.
Tôi ghé qua Tổ công tác biên phòng do Thiếu tá Phùng Văn Tiến làm Tổ trưởng. Anh Tiến kể: Nhà làm việc của Tổ công tác trước kia ở mãi thung sâu, nay được dựng cạnh ven đường, thuận tiện cho việc đi lại. Ngày dựng lại nhà, vì đường xa, thiếu phương tiện, nên việc vận chuyển xi măng, sắt, đá, cát rất vất vả. Mồ hôi của bộ đội và dân bản “cõng” vật liệu thấm mặn từng viên gạch, tấm lợp. Rồi chuyện tuần tra từ Hồng Ngài sang Đồn Biên phòng Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Lai Châu), bộ đội phải mắc võng ngủ rừng, dầm mưa giá lạnh…
Nghe chuyện xuống bản xây dựng mối đoàn kết quân dân thật hấp dẫn, song ấn tượng nhất là chuyện anh Tiến vận động trẻ em ra lớp, đến trường. Các thầy giáo rất lo lắng về trường hợp học sinh V.A.S bỏ học. Phụ huynh học sinh S bảo: “Nó phải làm việc giúp bố mẹ. Nó chưa có chữ thì chưa chết, nhưng nếu không có ăn thì chết”. Nghe phụ huynh cháu S nói vậy, các thầy giáo phải nhờ đến bộ đội Tiến vận động giúp. Buổi đầu, phụ huynh cháu S cứ lặng thinh. Biết vậy, bộ đội Tiến mời Trưởng thôn đi cùng để thuyết phục phụ huynh cháu S. Kết quả là phụ huynh cháu S đồng ý, sáng hôm sau dẫn con đến giao cho anh Tiến đưa đến lớp học trước sự hân hoan đón chào của các học sinh và thầy giáo. Từ đó, anh Tiến và phụ huynh cháu S kết nghĩa “cố tỉ”…
Tôi xem trên sổ công tác của bộ đội Tiến thấy ghi: “Năm học 2015 - 2016, Tổ công tác biên phòng phối hợp với nhà trường vận động nhân dân cho 100% con em đi học. Cùng nhân dân và thầy, cô giáo tham gia tu sửa trường lớp. Đón tiếp các đoàn từ thiện đến ủng hộ sách vở, bút và đồ dùng cho học sinh...”. Công việc của bộ đội Tiến được ghi ngắn gọn, nhưng tôi biết, ở đó có biết bao công sức của những người như anh.
Rời Hồng Ngài khi mặt trời đã lên cao, xua đi lớp sương mù. Trước lúc ra về, tôi ngắm thêm lần nữa tấm Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bát Xát tặng Vàng A Chu vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2014. Cùng lúc đó, “cố tỉ” Chu vừa sắp xếp tư trang, hành lý, vừa bảo: “Tôi dẫn con gái Vàng Thị Cúc, đỗ Đại học Luật Hà Nội về trường nhập học. Cùng đi có cháu Vàng Thị Lan, đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội II và cháu Vàng A Vư, đỗ Đại học Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Đây là lần đầu tiên thôn Hồng Ngài có 3 cháu thi đỗ đại học”. Nói xong, “cố tỉ” Chu hăm hở lên xe ô tô chở con và các cháu về Hà Nội nhập học…
Bài 2: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.