
Khoảng 163.000 cảnh sát được triển khai trên toàn quốc để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu, phối hợp với quân đội, lực lượng cứu hỏa và các đơn vị hỗ trợ khác. Ngoài ra, chính phủ còn mở rộng khung thời gian bỏ phiếu sớm dành cho người cao tuổi và người khuyết tật, bắt đầu từ 5h00 sáng 12/5.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay không chỉ định hình cục diện quốc hội và chính quyền địa phương tại Philippines trong 3 năm tới, mà còn tạo tiền đề quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2028. Đặc biệt, kết quả bầu cử Thượng viện sẽ quyết định số phận chính trị của Phó Tổng thống Sara Duterte - người vẫn được xem là ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế tổng thống, nếu vượt qua được cuộc luận tội.
Dù không có tên trong lá phiếu, nhưng cả Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Phó Tổng thống Duterte đều đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử này thông qua danh sách các ứng cử viên mà họ hậu thuẫn. Phó Tổng thống Sara Duterte - con gái của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte - từng là đồng minh thân cận của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., nhưng nay đã trở thành đối thủ chính trị gay gắt.
Trước ngày bầu cử, có 7 ứng cử viên được ông Marcos ủng hộ nằm trong nhóm dẫn đầu các cuộc thăm dò. Trong khi đó, chỉ có 4 người thuộc phe bà Duterte. Theo Giáo sư Aries Arugay - chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Philippines, "cuộc đua vào Thượng viện lần này là một cuộc đua ủy nhiệm quan trọng", bởi kết quả bầu cử quyết định khả năng duy trì đa số của ông Marcos để tiếp tục triển khai chương trình nghị sự lập pháp và kinh tế.
Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte hiện đang bị giam tại La Haye (Hà Lan) trong thời gian chờ Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xét xử liên quan đến chiến dịch chống ma túy thời ông cầm quyền. Tuy nhiên, ông Duterte vẫn có tên trên lá phiếu tại thành phố Davao - thành trì chính trị của gia tộc Duterte - với mục tiêu giành lại ghế thị trưởng. Một số khảo sát địa phương dự báo ông sẽ thắng áp đảo.