Bài 1: Một đời truyền dạy văn hóa Mông
LCĐT - Vừa là thầy Then có tiếng trong vùng, vừa tích cực gìn giữ nghệ thuật múa hát Then, lại thêm sự cởi mở, nhiệt tình, trách nhiệm, bà Đào Thị Chằn được bà con tin yêu, là người có uy tín ở thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Bài 2: “Cây cao, bóng cả” ở Tả Thàng
Lời Then vang tên Bác
Ngày xuân dần qua, nhưng không khí làm đường giao thông nông thôn năm 2019 ở thôn đặc biệt khó khăn Tả Thàng vẫn còn rộn ràng. Hưởng ứng phát động của địa phương, gác lại những bận rộn thường nhật, bà con hồ hởi tay cuốc, tay xẻng tham gia mở tuyến đường liên thôn Khe Luộc - Tả Thàng, như lời bài Then “Khay tang” (Mở đường) được bà Đào Thị Chằn biểu diễn trong lễ phát động hôm ấy.
“Mở đường to vào bản, thông xã liền thôn
Làng dưới xóm trên vui xây nhà mới
Thi đua làm ăn theo từng xã, từng thôn
Người dân ngày ngày được hạnh phúc, ấm no”.
Vừa say mê hát lại cho chúng tôi nghe, bà Chằn vừa dịch những ca từ của đồng bào Tày để chúng tôi dễ hiểu. Ngồi kế bên, chị Đào Thị Dơi, Trưởng thôn Tả Thàng cứ tấm tắc: Hôm ấy, nghe bài Then “Mở đường”, bà con vui mừng và khen mãi. Lời Then vừa giản dị, gần gũi, dễ nhớ, lại như nói ra được tâm tình của bà con về ước mong cuộc sống tốt đẹp hơn khi có điện, có đường. Hay hơn nữa ở chỗ lời Then có hình bóng Bác Hồ, để biết đồng bào nơi đây luôn tin tưởng vào Bác và con đường mà Đảng đã chọn, như câu hát có đại ý rằng: “Trước đây bản Mường còn nhiều khó khăn. Ngày nay có Bác dẫn đường, người dân mình không khó khăn nữa”.
![]() |
Bà Đào Thị Chằn. |
Đây không phải bài Then duy nhất có hình bóng Bác mà thầy Then Đào Thị Chằn ở thôn Tả Thàng sáng tác. Những lời ca của bài “Nước non xa xa”, “Hái lúa”, “Hội mít tinh ở Lào Cai”... do bà sáng tác đều có bóng hình hay lời Người dạy, thông qua những câu hát về thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương.
Bà Chằn bộc bạch: “Nhớ lời Bác Hồ dạy, cùng với mong muốn để mọi người học và làm theo Bác, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, nên trong những ca từ của bài Then mới mà tôi sáng tác đều có bóng hình Bác. Qua đó, vừa để lời dạy của Bác còn mãi với đời, vừa để bà con hiểu rằng học Bác không khó mà bắt đầu từ những việc nhỏ như hăng say thi đua lao động, gìn giữ nét văn hóa dân tộc độc đáo, dựng xây quê hương giàu đẹp, ấm no...
Người giữ lửa Then ở Tả Thàng
Ngay từ nhỏ, bà Đào Thị Chằn đã được xem, được nghe những bài cúng cùng những bài múa hát Then. Xuôi dòng ký ức, bà Chằn kể: Năm 14 tuổi, được “lộc trời ban”, bà bắt đầu gắn bó với nghề thầy Then cho đến tận hôm nay. Những bài Then cổ như Then gọi vía, Then giải hạn... có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, bà đều thuộc. Từ những lễ cúng ở thôn, xã, giờ đây uy tín của bà đã vang đến những vùng đất khác. Tuổi đã ngoài 60 nhưng bà vẫn thường xuyên được mời đến những lễ cúng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc trở thành thầy Then có tiếng trong vùng, bà Chằn còn cả đời gắn bó với nét văn hóa múa hát Then của đồng bào Tày nơi đây. Trước đây, những khi nông nhàn, đến Tả Thàng không khó để nghe những bài Then vang lên trong mỗi gia đình hay một nhóm những người yêu Then tập trung cùng hát. Vậy nhưng, theo thời gian, nhiều người mải làm kinh tế, lo cuộc sống gia đình nên chẳng mặn mà với múa hát Then nữa, bà Chằn buồn lắm. Bà chỉ mong ngày nào đó, phong trào văn nghệ lại sôi nổi như xưa để nét văn hóa ấy chẳng bị thời gian bào mòn, mai một.
Tháng 7/2018, đội văn nghệ thôn Tả Thàng được thành lập, trong đó có sự góp sức không nhỏ của nghệ nhân Đào Thị Chằn. Với mong muốn khởi xướng, duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở thôn, bà đi gõ cửa từng nhà vận động mọi người tham gia. Bà Chằn kể: “Có khi đến nhà thuyết phục được vợ tham gia thì chồng không đồng ý vì mất thời gian, có người nghĩ tham gia là làm việc riêng cho tôi mà chẳng được trả công nên từ chối, lại có người đi được vài buổi nhưng không có năng khiếu, tập mãi chẳng nhớ, nên bỏ... Khó khăn cứ chồng khó khăn, nhưng tôi không bỏ cuộc”.
![]() |
Bà Đào Thị Chằn (bên trái ảnh) biểu diễn hát Then cùng các thành viên của đội văn nghệ thôn. |
Để bà con tin và nhiệt tình với việc gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày, bà vận động người thân tham gia trước. Cả đội văn nghệ hiện có 13 thành viên thì có tới 8 người là người thân của bà Đào Thị Chằn. Vậy là đội văn nghệ ở thôn đặc biệt khó khăn này được thành lập từ sự trăn trở của Trưởng thôn Đào Thị Dơi, sự nhiệt tình của “cây Then” Đào Thị Chằn - người phụ trách chuyên môn. Giờ đây, tranh thủ những lúc nông nhàn hoặc khi chuẩn bị cho những buổi biểu diễn ở xã, huyện, cả đội lại cùng nhau tập luyện múa hát, có khi ở nhà văn hóa thôn, có khi ở khoảng sân nhỏ của gia đình bà Chằn.
Với kinh nghiệm của bản thân, bà Chằn chia sẻ cho các thành viên tập từng bài hát, điệu múa. Những lần được mời đến các nhà trường hướng dẫn múa hát Then, bà luôn nhiệt tình tham gia, bởi bà hiểu, thế hệ trẻ là những người kế thừa và phát huy để nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày không mai một theo thời gian.
Ngoài bảo tồn những bài Then cổ, bà Đào Thị Chằn còn tự sáng tác nhiều bài Then mới để mừng Đảng, mừng Xuân, nói về đổi thay của quê hương, về vụ mùa thắng lợi... Bà bộc bạch: “Sáng tác một bài Then không đơn giản, có những lúc đêm khuya rồi, tôi vẫn tập trung để tìm ý cho câu hát. Mỗi ngày được một vài câu, rồi chắp nối, hát từ ngày này sang ngày khác để thuộc. Dù khó là vậy, nhưng tôi vẫn thấy vui, còn sức khỏe tôi còn tiếp tục sáng tác”.
Thắp sáng tinh thần hiếu học
Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, gia đình nghèo khó, bà Chằn không được học hành đến nơi đến chốn. Đây cũng là nuối tiếc của bà khi chẳng còn nhớ được mặt chữ. Những bài Then có thể thuộc làu, nhưng bà không biết chữ để chép lại, hoặc khi muốn đọc thông tin bà cũng đành chịu, chỉ nghe từ người khác kể. Vậy nên, khi Trưởng thôn Tả Thàng nhắc đến việc xin xã mở một lớp xóa mù chữ tại thôn, bà Chằn hào hứng lắm. Dù đã qua cái tuổi 60, nhưng bà vẫn quyết tâm đi học nếu có lớp mở ở thôn. Khi được hỏi đi học tuổi đã cao liệu bà có ngại không, bà Chằn khẳng định: “Không biết thì hỏi, không giỏi thì học. Có học mới biết con chữ, con số, mới biết ghi, biết đọc. Chỉ cần có quyết tâm thì học chẳng bao giờ là muộn”.
Ở Tả Thàng hiện có nhiều người mù chữ, nhưng không phải ai cũng hào hứng với việc đến lớp khi tuổi đã cao. Có lẽ, sự quyết tâm, đi đầu của những người uy tín như bà Đào Thị Chằn sẽ nhen lên ánh lửa nhỏ, rồi lan rộng khắp cộng đồng để động viên người dân tới lớp.
Trước khi chia tay, bà Đào Thị Chằn với cây đàn tính lại hát cho chúng tôi nghe ca khúc “Nước non xa xa” như câu chào tiễn khách: “Nước non xa xa gọi là xa/Lào Cai thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kìa suối Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Thế mới hiểu, dù tuổi đã cao, nhưng tình yêu với nét văn hóa Then của đồng bào Tày ở bà Đào Thị Chằn chưa khi nào vơi cạn. Vừa gửi vào lời ca sự trân trọng, nâng niu, bà còn gửi vào đó những lời cổ vũ, động viên để đồng bào ở Tả Thàng ra sức thi đua sản xuất, gìn giữ bản sắc dân tộc, hướng tới ngày mai tươi sáng.