LCĐT - “Đến hẹn lại lên”, cứ trước mỗi vụ sản xuất, lực lượng chức năng lại tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua - bán, sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Tăng cường kiểm tra

Nông dân xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) mua vật tư nông nghiệp tại chợ phiên.
Hằng năm, vào khoảng tháng 1, người dân các địa phương trong tỉnh rục rịch chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Đây cũng là giai đoạn cao điểm lực lượng chuyên ngành kiểm tra, phát hiện và xử lý các sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp đăng ký sản xuất, nhập khẩu thuốc BVTV, có 15 công ty ký kết hợp đồng đại lý phân phối sản phẩm thuốc BVTV trên địa bàn. Toàn tỉnh có 215 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV.
Về giống cây trồng, trên địa bàn tỉnh có 12 công ty, hợp tác xã tham gia sản xuất, cung ứng giống cây trồng và 89 cửa hàng buôn bán hạt giống cây trồng gồm giống lúa lai, ngô, đậu tương, cây ăn quả.
Về phân bón, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy sản xuất phân bón với tổng sản lượng gần 500 nghìn tấn mỗi năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh.
Nhìn chung, số lượng cơ sở buôn bán thuốc BVTV, giống cây trồng, phân bón trên địa bàn các huyện vùng thấp như Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai đủ cung ứng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở kinh doanh này cũng chấp hành tương đối tốt những quy định trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Riêng một số địa bàn vùng cao thuộc các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa và Bát Xát, các cơ sở buôn bán thuốc BVTV nằm rải rác, đặc biệt là việc buôn bán thuốc BVTV diễn ra tại các chợ phiên khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các buổi chợ phiên, các loại thuốc BVTV, giống cây trồng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán, cao điểm là vào đầu mỗi vụ sản xuất.
Vụ xuân năm 2021 dự kiến diễn ra vào khoảng tiết lập xuân (đầu tháng 2) nên từ đầu tháng 1, hoạt động kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp đã bắt đầu nhộn nhịp. Ngay lần đầu ra quân, đoàn liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 100 kg thuốc BVTV không rõ nguồn gốc tại chợ phiên xã Bản Lầu (huyện Mường Khương). Việc kiểm tra đột xuất sẽ được tăng cường trong giai đoạn cao điểm này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như hạn chế những rủi ro trong sản xuất.
Ném thuốc BVTV vào lực lượng chức năng

Đoàn kiểm tra thu giữ tang vật vi phạm.
Trong năm 2020, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tổ chức 4 đợt kiểm tra diện rộng, tập trung vào cao điểm mùa vụ, ban hành 20 quyết định xử lý vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng. Ngành nông nghiệp cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục. Các lực lượng đã thu giữ gần 800 kg thuốc BVTV ngoài danh mục (không có chủ) tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (279 lít thuốc nước, 514 kg thuốc dạng bột).
Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm bị xử lý và số tang vật bị thu giữ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, tình trạng kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc BVTV vẫn âm thầm diễn ra.
Tại Việt Nam, chủng loại vật tư nông nghiệp trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh là con số rất lớn, trong đó thuốc BVTV có hơn 4 nghìn loại, phân bón hơn 14 nghìn loại... Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng khi lưu thông trên thị trường. Thuốc BVTV ngoài danh mục do Trung Quốc sản xuất được nhập lậu vào có giá thành thấp hơn khoảng 30 - 40% so với các loại thuốc BVTV cùng loại do Việt Nam sản xuất, vì thế người dân vẫn tìm mua và tiểu thương vẫn lén lút vận chuyển qua đường mòn, lối mở biên giới. Hơn nữa, các loại vật tư nông nghiệp này hầu hết được bày bán tại các chợ phiên với các sạp hàng nhỏ, khi lực lượng chức năng phát hiện thì đối tượng kinh doanh thường chống đối, không hợp tác, thậm chí có những trường hợp quyết liệt chống trả. Trong các lần kiểm tra, xử lý vi phạm, không ít lần lực lượng chức năng bị người kinh doanh tấn công, có trường hợp bị cắn, bị cào cấu hoặc bị ném thuốc trừ sâu vào người, thậm chí có trường hợp giấu thuốc vào… váy để chống đối việc kiểm tra. Bởi vậy, hầu hết các vụ việc thu giữ thuốc BVTV không rõ nguồn gốc tại các phiên chợ vùng cao là thu giữ tang vật vô chủ do người kinh doanh trốn tránh, không hợp tác, không chịu trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Viết Long, Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các sai phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực vùng cao, biên giới. Để việc xử lý sai phạm không giống “bắt cóc bỏ đĩa”, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
“Ngoài ra, công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng là rất quan trọng, đòi hỏi thời gian dài nên người dân cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong vấn đề này. Chính quyền các địa phương cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm, vì lực lượng chuyên ngành không thể giám sát thường xuyên từng buổi chợ phiên để xử lý. Bên cạnh việc kiểm tra, thu giữ, xử lý vi phạm, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền để người kinh doanh, người dân hiểu rõ những quy định của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho sức khỏe của người dân, hạn chế rủi ro sản xuất cho nông dân”, ông Long cho biết.