LCĐT - Anh Giàng A Cú ở thôn Phù Lá Ngài, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn là 1 trong 9 điển hình tiên tiến trong công tác hội và phong trào thi đua được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020). Được biết, anh Giàng A Cú chưa phải là hộ có thu nhập cao nhất tại địa phương, nhưng tinh thần nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo của anh xứng đáng để bà con học tập.
![]() |
Anh Giàng A Cú. |
Đa số người dân ở thôn Phù Lá Ngài là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống khó khăn, người dân nơi đây muốn phát triển kinh tế nhưng gặp trở ngại do giao thông không thuận lợi, lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Trước đây, giống như nhiều hộ khác trong thôn, cuộc sống của gia đình anh Giàng A Cú rất vất vả, thiếu thốn, nhà ở xuống cấp, trong nhà không có vật dụng đáng giá. Anh loay hoay tìm cách thoát nghèo nhưng chưa lựa chọn được trồng cây gì, nuôi con gì. Nghe đài, đọc báo, xem truyền hình, anh biết nhiều nông dân người dân tộc thiểu số đã tìm được cây trồng, con giống phù hợp với đặc thù của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy là anh lặn lội đến các thôn, bản của huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà và một số xã của tỉnh Hà Giang, tỉnh Lai Châu học cách trồng thảo quả và nuôi trâu vỗ béo. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trở về, không có vốn, anh bàn với vợ mạnh dạn vay tiền của người thân để mua trâu về nuôi vỗ béo. Sau một thời gian chăm sóc chu đáo, trâu khỏe mạnh, béo tốt, bán được giá, trừ chi phí đầu tư ban đầu, gia đình anh thu được một khoản tiền. Từ kết quả này, vợ chồng anh có động lực để tiếp tục vay vốn ngân hàng mua thêm trâu về nuôi. Ngoài việc nuôi trâu vỗ béo, anh Giàng A Cú còn duy trì đàn trâu 5 con sinh sản.
Theo chia sẻ của anh, việc chăn nuôi trâu cho thu nhập khá nhưng không ổn định vì phụ thuộc thị trường tiêu thụ và có thể mắc bệnh. Những năm vừa qua, có thời điểm, nguồn thu của gia đình giảm khi giá trâu xuống thấp, thị trường tiêu thụ ít, trong khi chi phí chữa trị bệnh cho vật nuôi cao. Vợ chồng anh đã cùng một số hộ trong thôn mở rộng diện tích trồng thảo quả với hy vọng có thêm nguồn thu ổn định, bền vững. Đến nay, diện tích thảo quả của gia đình cho thu hoạch khoảng 1,2 tấn/năm.
Từ trồng thảo quả, nuôi trâu, gia đình anh Giàng A Cú dần có kinh tế khá, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Có tiền, anh xây được nhà kiên cố, nuôi 2 con học hành, tích lũy vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Vươn lên thoát nghèo, anh Giàng A Cú có điều kiện cho một số hộ trong thôn vay tiền không lấy lãi. Nhờ sự giúp đỡ của anh, hộ anh Giàng A Vư đã sửa được nhà, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa lũ đến; hộ Giàng Seo Sao có tiền mua lợn và lúa giống, phân bón. Anh Giàng A Cú mong việc phát triển kinh tế của gia đình thuận lợi để có thể tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp được nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn.