Khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra hiện trường, ghi nhận nguyên nhân và đánh giá mức độ thiệt hại, nhưng việc xác định trách nhiệm vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Điều này, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ thi công công trình, hoạt động cấp nước sạch sinh hoạt bị ngưng trệ.
Công trình Xử lý cung đường tiềm ẩn tai nạn, ùn tắc giao thông đoạn Km 93 -Km96, Quốc lộ 4D, tỉnh Lào Cai được Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Công trình do Công ty TNHH Vũ Thành thực hiện thi công, được khởi công từ ngày 15/8/2023.
Theo báo cáo Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai, vào 7 giờ 11 phút sáng 15/11/2023, tại vị trí thi công kè bê tông xi măng Km 94 + 352,58, Quốc lộ 4D, khi đơn vị thi công đang hoàn hiện các bước chuẩn bị cần thiết để tiến hành đổ bê tông xi măng thân kè, thì phát hiện ống nước (nằm cách vị trí thi công 20m) của Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai rò nước ngầm trong đất, chảy xuống taluy âm và làm ngập móng kè đang thi công. Trước sự việc trên, cán bộ kỹ thuật đã điện thông báo cho Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa đến xử lý. Tuy nhiên, Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa không phối hợp, chỉ đạo xử lý. Sau đó, vào lúc 8 giờ 49 phút ngày 15/11/2023 đã xảy ra sự việc sạt lở nêu trên.
Sau khi sự cố trên xảy ra, các bên liên quan đã tổ chức đánh giá nguyên nhân, thiệt hại. Nguyên nhân sạt lở xác định ban đầu là do tụt ống nước D200 của Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa gây chảy nước ngầm trong đất dẫn đến giảm ma sát trượt của đất. Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng đến một số công trình dân sinh và khu vực canh tác của một số hộ dân tổ 2, phường Ô Quý Hồ. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 800 triệu đồng, diện tích sạt lở khoảng 4.000m2.
Theo đánh giá của UBND phường Ô Quý Hồ và các bên liên quan nguyên nhân gây ra sạt lở là do việc thi công kè bê tông xi măng làm tụt ống nước, yêu cầu nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đền bù cho các hộ dân.
Về phía Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai, ông Lê Văn Mật, Phó Giám đốc Công ty cho rằng trong quá trình thi công, đơn vị thi công có tác động đến ống nước, làm đoạn nối (gần điểm sạt lở) bị võng xuống 40cm mà không tiến hành các biện pháp chống đỡ nên đã kéo tụt ống nước, cuốn trôi đất tại vị trí sạt lở. Theo ông Mật, mỗi ngày đơn vị sản xuất 3.500m3 nước, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã Sa Pa. Sự cố trên khiến việc sản xuất nước phải tạm dừng, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Tuy nhiên, Ban Quản lý bảo trì đường bộ không đồng tình với nhận định này, mà cho rằng, tại vị trí sạt lở, theo hồ sơ thiết kế không tiến hành mở rộng nền đường và thực tế hiện trường nhà thầu không triển khai thi công hạng mục gì tại vị trí này; phạm vi sạt lở nằm ngoài phạm vi thi công kè, khoảng cách 20m.
Bên cạnh đó, theo camera ghi lại lúc 7 giờ 11 phút ngày 15/11/2023 đã phát hiện rò nước ngầm trong lòng đất chảy ra xuống taluy âm và nước ngập đầy hố móng kè; tới 7 giờ 16 phút xe chở bê tông tới hiện trường; tới 7 giờ 32 phút mới triển khai thi công đổ bê tông thân kè và tới 8 giờ 49 phút cùng ngày thì xảy ra sự việc sạt lở nêu trên. Vì vậy, kết luận nguyên nhân do nhà thầu thi công tác động ngoại lực làm hỏng đường ống nước là không chính xác, do thời điểm ống nước bị hư hỏng trước thời điểm triển khai thi công.
Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Phương, Chủ tịch UBND phường Ô Quý Hồ, cho biết: Ngay sau khi sự cố sạt taluy âm xảy ra trên địa bàn, phường Ô Quý Hồ đã tổ chức 2 buổi làm việc với các bên có liên quan. Các bên hiện vẫn chưa thống nhất đơn vị chịu trách nhiệm chính để xảy ra vụ sạt lở. Chúng tôi đề nghị các bên làm rõ trách nhiệm, sớm khắc phục sự cố, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng để người dân ổn định cuộc sống và việc thi công công trình đạt đúng tiến độ.
Ông Trần Chung Hưng, đại diện các hộ dân bị thiệt hại ở tổ 2, phường Ô Quý Hồ cho biết: Do các bên có liên quan không nhận trách nhiệm, nên các hộ dân đã làm đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc điều tra xác định nguyên nhân, bởi vị trí này tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt rộng, gây mất an toàn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ngoài ra, người dân cũng đề nghị có đơn vị tư vấn độc lập, đánh giá mức độ thiệt hại để sớm đền bù hợp lý cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nêu quan điểm: Qua nắm bắt tình tình, có thể nhận định ban đầu do tác động đơn vị thi công dẫn tới xảy ra sự cố sạt lở. Sự việc đã xảy ra, chủ đầu tư là Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai phải đứng ra chủ trì giải quyết; chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các bên trong công tác thống kê thiệt hại, giải quyết thấu đáo để người dân ổn định cuộc sống, ổn định trật tự, an toàn giao thông tại địa phương.
Khi đến hiện trường tác nghiệp, phóng viên ghi nhận được một số ý kiến của nhân dân phản ánh về những tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, việc bố trí điểm đổ thải của các đơn vị thi công nâng cấp Quốc lộ 4D. Dư luận rất mong chính quyền địa phương và lực lượng thanh tra giao thông sớm triển khai kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với các đơn vị thi công.
Báo Lào Cai sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.