Tháng 3, mùa hoa gạo vương đầy hai bên đường xuống bến Phìn Chư. Đứng trên cao nhìn xuống, mặt hồ ở tam giác sông Chảy như tấm gương phẳng lặng, lấp lánh ánh bạc trong nắng chiều. Thi thoảng, có chiếc thuyền sang sông, đôi mái chèo khua nhẹ tạo ra những sóng nước nối nhau. Đặt chân đến bến Phìn Chư cũng là lúc mặt trời đã nấp sau dãy núi Tả Thàng. Chàng trai người Mông Vàng Seo Chơ vác theo lồng bát quái, nhanh tay bỏ xuống thuyền, chờ mọi người lên hết, anh thong thả khua nhẹ mái chèo. Phía sau, vài chiếc thuyền cũng vừa rời bến Phìn Chư, đưa người dân trở về những “căn nhà lồng” trên tam giác sông Chảy.
Sau 10 phút, chiếc thuyền của chúng tôi cũng đã đến “điểm hẹn”, đó là “căn nhà lồng” (khu nuôi cá lồng của Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại và dược liệu Nàn Sín). Vừa bước chân lên “nhà lồng”, ba anh Sùng Seo Dìn, Giàng Seo Thành, Giàng Seo Hồ khẩn trương lấy củi, nhóm bếp, chuẩn bị cơm tối và không quên thả chiếc vó xuống nước. Còn Vàng Seo Chơ, Sùng Seo Giống bắt đầu công việc mưu sinh quen thuộc trên lòng hồ. Cả hai xếp gọn gàng 50 đoạn lưới bát quái đã được liên kết với nhau, rồi bắt đầu chèo thuyền.
|
Cùng đi với Chơ và Giống, điều mà tôi cảm nhận đó là sự thong thả đúng chất của người vùng cao, người nhẹ nhàng khua mái chèo, người đứng mũi thuyền vừa rọi đèn vừa huýt sáo véo von. Sau vài vòng “lượn lờ”, Chơ bắt đầu cho mồi vào bát quái, cẩn thận kiểm tra lại, rồi thoăn thoắt rải lưới, thuyền đi đến đâu, bát quái thả tới đó. Sau khi hoàn thành công việc, thuyền trở về “nhà lồng”. Gió sông thổi lồng lộng, bản nhạc dân ca Mông vang lên trong trẻo từ chiếc điện thoại của Chơ, con thuyền lững lờ trôi theo dòng, mà cảm thấy cuộc sống thật an yên.
Thuyền đến “nhà lồng” cũng là lúc bữa cơm tối đã chuẩn bị tươm tất. Dù trên sông nước nhưng bữa cơm gần như không thiếu thứ gì, nào cá hồ nướng thơm phức; gà bản nướng vàng ruộm; tôm sông rang đỏ au, ngọt lịm, cùng bát ớt nướng cay nồng… Tất cả đều nhờ bàn tay khéo léo và sự chu đáo của những chàng trai người Mông ở đất Phìn Chư 3. Bữa cơm càng thêm đầm ấm khi các chàng trai người Mông chia sẻ về cuộc sống sông nước của mình. Qua chia sẻ của Vàng Seo Chơ, tôi mới biết rằng khu vực này, trước kia là nơi cấy lúa, trồng ngô, sau khi thủy điện Cốc Ly làm đập, ngăn dòng, nước dâng lên, ngập gần hết khu vực canh tác của người dân 3 thôn. Cũng từ đó, tam giác lòng hồ trên sông Chảy được hình thành gồm Tả Thồ 2 (xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà), Phìn Chư 3 (xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai), thôn Tả Thàng (xã Tả Thàng, huyện Mường Khương) và nơi này đang trở thành khu vực mưu sinh của người dân.
Bữa cơm tối cũng nhanh chóng kết thúc để mọi người bắt đầu thu “lộc” của sông Chảy. Trời mỗi lúc một tối, nên ánh điện sáng rực trên mặt nước đã trở thành “mồi nhử” với đàn cá. Dưới ánh đèn sáng trắng được treo cách mặt nước 20 cm, giữa chiếc vó rộng hơn 60 m2, đàn cá bơi quanh trông như… xoáy nước. Nhận thấy “xoáy nước” mỗi lúc một rộng, nghĩa là có nhiều cá, 4 chàng trai người Mông đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ để “hốt trọn” mẻ cá này. Vàng Seo Chơ đảm nhiệm việc kéo vó. Thật không đơn giản để kéo chiếc vó rộng hơn 60 m2 nhưng do đã được “tôi luyện” nên Chơ quay tời không chút khó khăn, còn các anh Giống, Hồ, Thành, Dìn như diễn xiếc, khi đi trên hai cây tre được buộc chặt thành khung dập dềnh trên mặt nước để rải dây có buộc theo nhiều can nhựa, vó kéo lên tới đâu, dây thắt dần vào tới đó. Chỉ mất gần 10 phút, chiếc vó nặng cá được đưa lên khỏi mặt nước. Những chú cá trắng với kích thước bằng 2 ngón tay quẫy trong lưới, theo ước tính của anh Dìn, thì mẻ cá này khoảng 20 - 30 kg. “Nếu để đến khoảng 4 giờ sáng mới kéo vó thì có thể thu được 60 - 70 kg cá. Có những ngày, chúng tôi kéo một lần vó được đúng 100 kg cá”, anh Dìn cho hay. Theo quan sát, hầu hết là cá trắng (cá mương). Với người Mông ở Phìn Chư thì họ gọi là cá lá tre (tù chề plồng slông) vì trên mặt nước giống chiếc lá tre. Sau khi phân loại, họ chọn những chú cá to đều, làm sạch mang bán, với giá 40.000 đồng/kg, còn lại làm thức ăn cho cá lồng.
|
Sau khi kéo vó, anh Chơ và anh Giống tiếp tục chèo thuyền đi thu “bát quái”. Trời tối đen như mực, giữa sông nước mênh mông, theo ánh đèn pin loang loáng, anh Chơ chèo thuyền đến điểm đã định. Do nhà gần bến sông, tuổi thơ gắn liền với sông nước nên Chơ thuộc địa hình như lòng bàn tay. “Không phải chỗ nào cũng thả “bát quái” được, mà phải chọn nơi không có gốc cây để tránh bị rách lưới và phải biết được luồng tôm, cá”, Vàng Seo Chơ chia sẻ.
Nhờ kinh nghiệm này mà Chơ chưa bao giờ thất bại khi thả “bát quái”. Lần này cũng vậy, dù thu “bát quái” sớm hơn bình thường nhưng Chơ cũng “bắt” được gần 10 kg tôm. Những chú tôm nhảy tanh tách được Chơ trút vào chiếc vợt to, rồi để chìm trong khoang nước trên thuyền. Sáng hôm sau, có người đi thuyền đến tận nơi thu mua với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, nếu mang ra chợ Sín Chéng thì có thể bán được với giá từ 180.000 -200.000 đồng/kg.
Trên đường trở về “nhà lồng”, Chơ không quên chia sẻ về những tháng năm mưu sinh trên tam giác sông Chảy này. Anh từng có 10 năm câu cá trên sông Chảy nhưng hiệu quả kinh tế không cao trong khi phải thức trắng đêm. Do vậy, 5 năm trở lại đây, Chơ đã quyết định đầu tư mua “bát quái” về thả trên khúc sông này để bắt tôm. Bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau là vào mùa thả “bát quái”, nhất là những ngày trời nắng, sau đó đổ mưa, sẽ có rất nhiều tôm. Cho nên, mỗi tối bắt được 20 kg tôm sông là chuyện thường đối với Chơ. Thấy Chơ bắt được nhiều tôm, một số hộ đã đầu tư “bát quái”, nên khi vào mùa đánh bắt, khu vực tam giác sông Chảy thêm đông vui.
Bản nhạc dân ca Mông tiếp tục vang lên từ chiếc điện thoại của Vàng Seo Chơ. Tôi biết, anh rất vui bởi món quà từ khúc sông quê hương đã giúp gia đình anh và nhiều gia đình khác ở nơi tam giác sông Chảy có thêm nguồn thu nhập, dẫu rằng mưu sinh trên sông nước có nhiều rủi ro. Những người rong ruổi trên sông nước như các anh Sùng Seo Dìn, Giàng Seo Thành, Giàng Seo Hồ, Vàng Seo Chơ, Sùng Seo Giống… để bắt con cá, con tôm đều là những nông dân vùng cao cần cù, đam mê với nghề và có cá tính rất riêng. Họ đã và đang tạo nên bức tranh văn hóa sông nước đầy sắc màu, hấp dẫn với du khách khi trải nghiệm ở nơi tam giác sông Chảy.