Ký ức nghề báo

LCĐT - “Người ở tuổi già thường nhớ về chuyện cũ” - dù đã trôi qua nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ chuyến đi khi còn là phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn, được cử lên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương) công tác. Hành trình của tôi vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước…

Phóng viên tác nghiệp ở vùng biên giới.
Phóng viên tác nghiệp ở vùng biên giới.

Tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cuối năm 1988, Trưởng Phòng Biên tập Nguyễn Thanh Vân gọi tôi lên bảo: Phòng cử chú đi công tác ở Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Tin tức, bài vở phản ánh về đồn rất ít, chú lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Thấy tôi khoác chiếc ba lô, mang theo chiếc máy ghi âm R7 to và nặng, anh Thanh Vân dặn: Đường lên biên giới xa xôi, cách trở, nguy hiểm đến tính mạng, chú phải biết tự bảo vệ bản thân.

Thực tế lúc đó, sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979), tỉnh Hoàng Liên Sơn bước vào thời gian căng thẳng ở vùng biên. Tôi ra Ga Yên Bái lên tàu ngược đến Ga Phố Lu (Bảo Thắng), sau đó liên hệ với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho phép lên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Tôi được thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiệt tình tiếp đón và bố trí lên ngồi ké trên thùng ô tô chở hàng cho bộ đội đón tết Nguyên đán năm 1989 ở Đồn Biên phòng Pha Long.

Đến nơi, tôi được giới thiệu với đồng chí Đồn trưởng Trương Hoàng Minh. Tôi quan sát gương mặt anh sạm đen, mắt sáng. Tuy lần đầu gặp anh nhưng tôi đã có cảm tình vì giọng nói truyền cảm: “Sáng mai tôi sẽ đưa nhà báo lên thăm Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Nhà báo ngủ sớm để mai có sức đi bộ, đường dài và khó lắm!”. Ngày ấy, đi bộ trên lối mòn từ đồn này sang đồn khác là chuyện “cơm bữa”. Tuy nhiên, địch thường xuyên rình rập ở lối mòn bắt cóc và giết cán bộ để lập công lấy tiền thưởng, trở thành mối nguy hiểm khôn lường.

Sớm dậy, Đồn trưởng Minh đeo súng ngắn, khoác ba lô đưa tôi đi theo hướng Đông Nam trong biển sương mù dày đặc, Cách nhau vài mét đã không thấy mặt, tôi vội ngó xuống lối mòn đầy dấu chân gia súc và dấu chân người, in hằn sâu trong bùn đất. Khởi hành chừng nửa tiếng đồng hồ, Đồn trưởng Minh khẽ nói: Đoạn đường phía trước thường xuyên có kẻ địch phục kích. Cách đây 2 hôm, đồn có chiến sĩ hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Để bảo vệ tính mạng, 2 người đi cách nhau khoảng chục mét. Tôi thạo địa hình đi trước dò đường, gặp mìn của địch cài lại, tôi gỡ để tránh thương vong và nhỡ tôi có bị địch phục kích, nhà báo cứ men theo lối cũ trở lại Đồn Biên phòng Pha Long báo tin cho bộ đội đến giải cứu.

Tôi theo cách Đồn trưởng Minh nêu. Đó là kỷ niệm sâu đậm nhất trong chuyến đi mà tôi không thể nào quên. Đồn trưởng Minh ho 3 tiếng làm hiệu, anh quy ước với tôi tiếng ho là ám hiệu để nhận biết hướng di chuyển trong sương mù. Tôi lần theo tiếng ho, đi mải miết, kệ người lấm lem bùn đất. Được gần chục cây số, mặt trời dần lên cao xua tan lớp sương mù. Đồn trưởng Minh đứng chờ tôi trên bãi đất trống. Tôi tiến đến gần, thấy anh chỉ tay vào lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nét mặt rạng rỡ: Hai ta đang đứng ở bên ao Tiên, thuộc địa phận xã Dìn Chin. Trên ngọn núi đằng xa, dưới bóng cờ là Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đóng bên sườn núi cao án ngữ vòm nhô sông Xanh, đường biên giới Việt - Trung.

Tôi chứng kiến cảnh vật xung quanh hiện ra thật đẹp và hăm hở rảo bước lên đồn.

Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu được thành lập năm 1983, quản lý đoạn biên giới thuộc địa phận xã Tả Gia Khâu và một phần xã Dìn Chin. Khó khăn của đồn là thiếu nước sinh hoạt vào mùa đông. Để có nước sử dụng, bộ đội phải đi bộ xuống sông Xanh cõng từng can nước về đồn. Bộ đội ví von ở đây là “Trường Sa cạn”, học sáng kiến của người dân lấy nước bằng cách đào hố, đợi đêm xuống lót tấm ni lông, chặt lá cây phủ lên trên giữ những hạt sương đêm đọng lại, sáng ra rũ sương trên lá cây vào tấm ni lông, nước chảy gom được vài gáo nhỏ để đánh răng, rửa mặt. Đường tuần tra nằm xa tít ven sông Xanh, bám theo vách đá, sơ ý sểnh chân là người rơi xuống sông sâu nước chảy xiết. Lương thực, súng đạn, thuốc men của bộ đội được ngựa thồ và bộ đội khuân vác từ xã Pha Long về đồn xa cả chục cây số...

Tại đồn, tôi gặp bộ đội đến từ các miền quê khác nhau. Đó là anh Hoan - Đồn phó - ở tỉnh Hà Nam Ninh; anh Dũng - Trung đội trưởng trinh sát - ở tỉnh Hải Hưng; anh Lương - chiến sỹ - ở huyện Mường Khương... Dù khác nhau về quê hương, hoàn cảnh gia đình nhưng đều chung nhiệm vụ bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc. Để đến với đồn, anh Nguyễn Văn Cần, Đồn phó quê Nghệ Tĩnh phải vượt qua không ít khó khăn của bản thân và hoàn cảnh gia đình. Khi tôi hỏi động lực nào đưa anh đến đây, anh tâm sự: “Là người lính, tôi mong ước được cống hiến, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Trò chuyện với bộ đội ở đồn, tôi được biết, ngày 2/12/1988, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu lập chiến công xuất sắc đánh thắng đội quân địch tập kích vào đồn, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Rời Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, tôi được bộ đội dẫn đi đường tắt về trung tâm huyện Mường Khương. Lội suối, trèo non từ sáng sớm đến giữa trưa tôi mới về đến được trung tâm huyện, đóng tạm ở xã Lùng Khấu Nhin. Từ đây, tôi liên hệ đi nhờ xe ô tô của huyện về Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn.

Ở Phòng Biên tập, tôi bắt tay viết loạt tin, bài phản ánh về Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Qua chuyến đi, tôi nhận ra một điều là đi khổ, viết dễ, bởi phóng viên đi là để trải nghiệm, để hiểu biết, để có nhiều kinh nghiệm và vốn sống viết báo…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chảo Mẩy và đam mê viết

Chảo Mẩy và đam mê viết

"Tôi sinh ra ở vùng cao - nơi còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ đầy ắp tình yêu thương. Ở nơi không có trò chơi điện tử, không sóng điện thoại, tôi chơi các trò chơi truyền thống, trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo… tới giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm trong tâm trí tôi…”, đó là những điều mà Chảo Mẩy chia sẻ qua từng trang viết.

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Trong mùa phim Tết năm nay, có thể dự đoán về sức hút của bộ phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) khi đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, liên tục làm nên các kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt. Nhưng cơn “sốt vé” phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, là hiện tượng bất ngờ, chưa từng thấy. Cùng với nhiều bộ phim khác đang dần được chú ý, giới làm nghề đầy hứng khởi, tin tưởng một giai đoạn bứt phá của điện ảnh Việt.

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

fb yt zl tw