Gần đây, nhiều sản phẩm âm nhạc truyền thống đã được “khoác áo mới” đưa vào biểu diễn tại nhiều điểm di sản, di tích của Hà Nội, tăng sức hấp dẫn cho công chúng khi trải nghiệm, khám phá Thủ đô.
Nhạc truyền thống trong không gian di sản
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) vừa đi vào hoạt động đã nhanh chóng trở thành điểm hẹn nghệ thuật của du khách. Cuối tháng 1 vừa qua, tại đây đã diễn ra chương trình hòa nhạc “TRAIECT IV Vietnam” thuộc chuỗi dự án quốc tế “TRAIECT” của Hiệp hội Nhạc mới Hanover (HGNM) với sự hợp tác của Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover, Đức. Chương trình tập trung vào hai chất liệu truyền thống của Việt Nam là đàn bầu và hát ả đào, với sự tham gia của nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và nghệ sĩ hát ả đào (ca trù) Vũ Thị Thùy Linh, đều là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Hai nghệ sĩ Việt đã trình diễn 7 tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc đến từ Colombia, Anh, Italia, Đức, Iran và Việt Nam, sáng tác riêng cho nhạc cụ đàn bầu và hát ả đào. Chương trình không chỉ giúp khán giả hiểu sâu hơn về giá trị của nhạc cụ dân tộc trong âm nhạc đương đại mà còn tăng sức hút cho điểm đến mới của Hà Nội.
Nhiều năm nay, một số điểm di tích của Hà Nội trở thành không gian nghệ thuật, định vị thương hiệu điểm đến văn hóa, du lịch của Thủ đô. Riêng trong khu vực phố cổ, không ít di tích thành điểm đến quen thuộc với những người yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam, chẳng hạn như đền Quan Đế (28 Hàng Buồm); Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) từng là nơi biểu diễn của Câu lạc bộ ca trù Thăng Long; Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) duy trì sân khấu biểu diễn “Chuyện nhạc phố cổ” với sự tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam); di tích đền Vua Lê là điểm biểu diễn thường xuyên của nhóm Xẩm Hà Thành.
Mới đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch văn hóa đêm ở Hà Nội. Chương trình kết hợp trình chiếu ánh sáng 3D mapping và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dân gian của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám bày tỏ, những giá trị của di tích được thể hiện bằng âm nhạc đã mang đến cho công chúng những cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản và với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
“Khoác áo mới” cho âm nhạc truyền thống
Tại Việt Nam, làm mới nhạc truyền thống đã không còn là điều mới lạ. Cách đây 20 năm, những khái niệm “dân gian đương đại”, “âm nhạc world music” (nhạc pha trộn chất liệu dân gian với nhạc hiện đại) đã quen thuộc với khán giả Việt với những sáng tạo của nhạc sĩ Quốc Trung, Trí Minh, Nguyên Lê... Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, nguồn tài nguyên từ âm nhạc truyền thống của Việt Nam là di sản vô giá để nghệ sĩ có thể thăng hoa, sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa, du lịch mới cho Hà Nội.
Theo nhạc sĩ Đinh Khánh Ly, việc làm mới âm nhạc truyền thống không chỉ là âm nhạc Việt Nam được biểu diễn trên nền nhạc điện tử, hay nhạc cụ dân tộc Việt Nam biểu diễn nhạc quốc tế mà giờ đây nó còn là sự pha trộn của nhiều loại hình biểu diễn giữa âm nhạc, ánh sáng, thực cảnh... Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Quốc Oai là một ví dụ điển hình của những sáng tạo tổng hợp, trong đó âm nhạc truyền thống với những làn điệu quan họ, lời hát ru con... được vận dụng tối đa để tăng sức hấp dẫn cho một sản phẩm văn hóa. Hay trong tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Chạm vào đêm Hà Nội” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm), âm nhạc dân tộc góp phần quan trọng để những màn trình diễn ánh sáng, công nghệ 3D mapping thăng hoa và hoàn chỉnh.
Trong xu hướng tìm về truyền thống, âm nhạc cổ truyền đang trở thành nguồn sáng tạo, tăng thêm sức hút cho các sản phẩm văn hóa, du lịch Hà Nội. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ, những giai điệu cổ của cha ông là chất liệu vô giá để từ đó có những sáng tạo mới phù hợp với nhịp sống đương đại, quan trọng hơn là để giới trẻ tiếp cận và thêm yêu truyền thống. Nhóm Xẩm Hà Thành từng có nhiều bài xẩm viết lời mới như “Tứ vị Hà thành”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm tương tư”, “Xẩm Tết Việt”... Hiện nay, không chỉ có nhóm Xẩm Hà Thành mà rất nhiều câu lạc bộ nghệ thuật, ca sĩ trẻ có sáng tác âm nhạc lấy chất liệu nhạc dân tộc thành công như Nguyễn Thu Hằng, Đinh Nhật Minh, Hòa Minzy, Hoàng Thùy Linh...
Để việc “khoác áo mới” cho âm nhạc dân tộc hiệu quả, mang lại giá trị mới, tạo nên những tác phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng cần nhiều sáng tạo mang tính bền bỉ thay vì chỉ là sản phẩm mang tính thời vụ. Ngoài ra, Hà Nội cần duy trì ổn định và thường xuyên các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống để định vị cho công chúng những địa chỉ nghệ thuật theo từng phong cách riêng.
“Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của các nghệ sĩ, còn cần sự đầu tư, cơ chế duy trì hoạt động và chiến lược quảng bá điểm đến văn hóa hiệu quả, lâu dài” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ.