
Vẫn là những hành trình đơn lẻ
Nếu điểm tên một số tác phẩm văn học Việt đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và gây được tiếng vang thì phải kể đến: “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh); Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nguyễn Nhật Ánh)... Một số tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Hàn... và xuất bản tại nhiều nước. Đặc biệt, nhà văn Hồ Anh Thái không chỉ là một tác giả mà còn là cầu nối văn học Việt với bạn bè quốc tế thông qua việc tham gia các hội nghị, trại sáng tác, và giao lưu văn hóa toàn cầu.
Trong đó, các nhà văn như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần hiện có nhiều tác phẩm được NXB Trẻ chọn chuyển ngữ và phát hành tại thị trường quốc tế... Không chỉ dịch sang tiếng Anh, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn được thị trường châu Á yêu thích nên rất nhiều bản sách chuyển ngữ đã được triển khai trong gần 20 năm qua.
Đây là những nỗ lực vượt bậc để đưa văn học Việt Nam tiến gần hơn đến gần hơn với văn học chủ lưu toàn cầu. Tuy nhiên, những thành công ấy phần lớn đến từ nỗ lực cá nhân của nhà văn, dịch giả hoặc sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa nước ngoài, chứ chưa hình thành được một chiến lược quốc gia bài bản.
Việc văn học Việt có nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng lại không có cơ hội để bạn bè quốc tế biết đến, đó là điều rất đáng tiếc.
Vậy đâu là khó khăn, rào cản? Theo ý kiến các chuyên gia, vấn đề lớn nhất chính thiếu cầu nối ngôn ngữ. Không dễ để dịch trọn vẹn không khí làng quê Bắc Bộ, tâm lý nhân vật trải qua chiến tranh, hay lối nói ẩn dụ, đa tầng nghĩa trong văn học Việt sang các ngôn ngữ khác. Công việc của dịch giả không chỉ là truyền đạt nội dung, mà là chuyển hóa tinh thần, văn hóa - một việc vừa đòi hỏi năng lực ngôn ngữ, vừa cần sự nhạy cảm văn chương và hiểu biết sâu rộng. Trong khi hiện nay đội ngũ dịch giả có khả năng như thế rất thiếu.
Ngoài ra chúng ta cũng thiếu chiến lược truyền thông, thiếu kinh phí, thiếu cơ chế bảo hộ bản quyền tác phẩm. Khi không có những “kênh phân phối” rõ ràng, tác phẩm Việt dù hay vẫn khó tiếp cận bạn đọc thế giới, đó là điều hiển nhiên.
Những tín hiệu mới
Tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) làm việc với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và ký kết hợp đồng đại diện 2 tác phẩm mới là “Việt Nam - Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”, thuộc thể loại tản văn, ký, khảo cứu. Hai cuốn sách hiện đang được tiến hành dịch sang tiếng Trung để “xuất ngoại”.

Cuối năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan ký hợp tác dịch và xuất bản các tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Sông núi trên vai” - tuyển thơ của các nhà thơ Việt Nam sang tiếng Urdu (ngôn ngữ của Pakistan) tại nước bạn. Hội Nhà văn Việt Nam cũng ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức văn học và văn hóa Đài Loan (Trung Quốc) nhằm hướng tới trao đổi dịch thuật, xuất bản tác phẩm văn học…
Đó những tín hiệu mang đến cho giới chuyên môn nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, để tạo nên bước chuyển mạnh mẽ và lâu dài, theo ý kiến một số chuyên gia, điều cấp thiết là phải xây dựng một chiến lược bài bản, dài hạn và có tính hệ thống. Thực tế cho thấy, nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hàn… nhưng vẫn không tạo được tiếng vang bởi thiếu chiến lược quảng bá phù hợp, thiếu sự kết nối với thị trường và độc giả bản địa.
Kinh nghiệm từ các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, sự thành công của họ đến từ việc đầu tư đồng bộ vào các trung tâm dịch thuật, quỹ hỗ trợ xuất bản và chiến lược quảng bá rõ ràng. Như Hàn Quốc có Viện Văn học Dịch thuật hỗ trợ xuất bản văn học Hàn ra nước ngoài một cách chiến lược và chuyên nghiệp.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Khoa Văn hóa học - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, chúng ta có thể tham khảo cách quảng bá văn học của Hàn Quốc. Việt Nam và Hàn Quốc có cùng truyền thống yêu chuộng văn chương. Chúng ta lại có lợi thế là đội ngũ nhà văn trẻ năng động. Vì vậy, nếu có một chiến lược quốc gia, văn học Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào dòng chảy chủ lưu của văn học thế giới.
Tạo thương hiệu văn học Việt Nam
Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển - Học viện Báo chí Tuyên truyền, để đưa văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung ra thế giới trong giai đoạn tới, cần đầu tư mạnh mẽ vào công tác dịch thuật các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra các thứ ngôn ngữ khác nhau. Văn học Việt Nam phần lớn chưa được dịch rộng rãi. Việc thiếu đội ngũ dịch giả giỏi, am hiểu cả hai nền văn hóa là một trong những yếu tố cản trở văn học Việt tiếp cận độc giả nước ngoài.
“Muốn văn học, nghệ thuật Việt Nam có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới cần có hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách đủ khoa học, phù hợp để cho các tài năng phát triển nhiều hơn, để việc hợp tác quốc tế được thuận lợi, hiệu quả hơn và từ đó thiết lập được sự kết nối giữa Việt Nam với các trung tâm văn học, nghệ thuật thế giới” - ông Trung nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Mai Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, hỗ trợ tài chính cho dịch thuật văn chương (như một chiến lược xuất khẩu văn hóa) còn quá ít ỏi. Vì thế cần sớm thiết lập một Quỹ dịch thuật văn chương quốc gia, do một cơ quan nhà nước quản lý, vận hành. Quỹ này sẽ đóng vai trò lựa chọn, hỗ trợ dịch thuật, quảng bá văn chương Việt Nam ra quốc tế một cách bài bản, lâu dài.
Đồng thời, theo ông Tuấn, cần thiết xây dựng đồng bộ một số khoa/ngành biên dịch, dịch thuật văn học Việt Nam, sách/tài liệu tiếng Việt để có nguồn nhân lực chất lượng, dồi dào. Khi đảm bảo điều kiện này thì chúng ta mới có thể tiến hành song song các công việc, chiến lược tùy chỉnh trong việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra quốc tế.
Cùng với đó, phải có chiến lược quảng bá, tuyên truyền văn học, nghệ thuật Việt Nam một cách khoa học, có sự kết hợp giữa ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, số hóa trong việc in ấn, xuất bản, sáng tác và giới thiệu, quảng bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới…
Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần chọn những tác phẩm có nội dung vừa mang tính bản địa vừa chạm được vào vấn đề nhân loại: chiến tranh, di cư, bản sắc, nữ quyền, môi trường... Cùng với đó, liên kết với các chương trình văn hóa, hội sách quốc tế để tham gia các hội sách lớn như Frankfurt, London, Bologna... Đây chính là cơ hội kết nối trực tiếp với nhà xuất bản và giới chuyên môn nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, vấn đề đưa văn học ra thế giới cần phải nhìn ở tầm vĩ mô. Chúng ta chưa có một chiến lược quốc gia, trong đó có dịch thuật. Dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài.
“Tôi nghĩ phải có đề án quốc gia về vấn đề này. Khi đã có chủ trương, cơ chế chính sách thì phải đào tạo, bồi dưỡng hình thành đội ngũ các chuyên gia và các cơ quan về dịch thuật. Phải chọn những tác phẩm của Việt Nam để đưa ra nước ngoài. Ở đây không chỉ là văn học mà cả những loại hình nghệ thuật khác” - ông Kỷ nhấn mạnh, đồng thời cho biết, không chỉ là sách giấy, sách in mà phải là sách điện tử, các kênh nền tảng số để đưa tác phẩm ra nước ngoài.
Có thể nói, văn học Việt Nam có nhiều giá trị để đóng góp vào diễn đàn văn học toàn cầu, nhưng để "ra thế giới" một cách bài bản, bền vững thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giới văn nghệ sĩ, dịch giả và các nhà xuất bản. Đây không chỉ là câu chuyện của những phẩm được dịch, mà là cả một chiến lược dài hơi để tạo nên "thương hiệu văn học Việt Nam".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Tác phẩm phải tự có giá trị, sức sống

Văn học muốn vươn ra thế giới trước hết phải có tác phẩm văn học hay. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khi tác phẩm đã hay rồi thì người ta sẽ tự tìm đến. Sau đó phải có người dịch. Người dịch phải là người giỏi ngoại ngữ và cũng phải có tài văn chương thì mới dịch được chứ chỉ giỏi ngoại ngữ không thì cũng không đủ.
Đã có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc… nhưng vẫn không tạo được tiếng vang không hẳn là do vấn đề quảng bá. Đã hay không cần quảng bá. Chúng ta phải xem dịch tác phẩm đó đã hay thật không. Không phải cứ in ở nước ngoài là đã ra được nước ngoài. Quảng bá rất quan trọng nhưng quảng bá cũng không là gì nếu như tác phẩm đó không hay. Một khi đã không hay thì có quét vôi, sơn son thiếp vàng vào đó cũng không thành được. Tác phẩm phải tự có giá trị, sức sống thì mới ra nước ngoài được.
Cùng với đó, tất cả các tác phẩm ra được với thế giới thì đều có tính nhân loại, có truyền thống để qua đó người ta biết dân tộc đó thế nào. Phải chạm đến những vấn đề cả thế giới quan tâm.
Theo tôi, cần có sự quan tâm ở bậc vĩ mô. Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam đang làm việc này rất tốt. Hội đã có những cuộc gặp gỡ với thế giới, đi quảng bá văn học của chúng ta ra thế giới. Và chúng ta sẽ tiếp tục kỳ vọng trong thời gian tới.