
Ngay trong gian bếp, tôi đặt máy tính mở suốt cả ngày. Khi đang nấu nướng mà nhớ ra chi tiết gì, tôi lại ngồi vào viết luôn. Mỗi khi viết bài dang dở, tôi thường suy nghĩ về nó đến khi bài gửi đi và được đăng mới thôi.
Xuất phát điểm là giáo viên bà có duyên và dấn thân vào sự nghiệp viết văn, viết báo, để rồi ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn miệt mài bên chiếc máy tính đơn sơ đặt cạnh căn bếp nhỏ, tiếp tục viết, tìm kiếm vẻ đẹp của con người và cuộc sống.
Tác giả Trần Thị Minh viết từ khi còn học THCS. Khi ấy, bà có bài đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong, rồi sau này là một bài viết được in trên tạp chí Họa báo Phụ nữ Liên Xô, ấn phẩm quốc tế rất hiếm hoi tại Việt Nam thời đó. Tưởng như sự nghiệp văn chương đã đến với bà, nhưng sau thời gian công tác trong ngành giáo dục, bà Minh từng có lúc “chùn bút” như chính bà nói.

Phải đến năm 2002, khi biết tin thành phố Lào Cai (trước đây) tổ chức cuộc thi viết về thành phố, bà mới thử sức trở lại với một truyện ngắn, không ngờ tác phẩm đoạt giải. Từ đó, bà viết đều đặn hơn.
Năm 2003, truyện thiếu nhi của bà đăng trên Tạp chí Văn nghệ Lào Cai tiếp tục giành giải thưởng và đánh dấu bước ngoặt, bà trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

“Dấu mốc khiến tôi xúc động nhất chính là khi viết bài ký sự về những giáo viên mẫu giáo hợp đồng ở vùng xã Thái Niên (nay thuộc xã Bảo Thắng). Tôi đến tận nơi, dự giờ dạy, lắng nghe tâm sự của những cô giáo trẻ, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi với hy vọng được biên chế. Bài viết đăng trên Tạp chí Văn nghệ Lào Cai, chỉ 2 tháng sau, giáo viên mầm non Bảo Thắng được hỗ trợ thêm 50.000 đồng mỗi tháng, một khoản nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn. Không biết có phải là trùng hợp không, nhưng tôi vẫn tin rằng, văn chương, báo chí có thể thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn”, bà Minh chia sẻ.

Từ ký sự, bà chuyển sang viết bút ký, ghi chép, chân dung và cả truyện ngắn. Các tác phẩm của bà đều lấy cảm hứng từ cuộc sống, với góc nhìn đầy nhân văn. Bà thường viết về giáo dục, văn hóa, con người vùng cao… gần như bài nào gửi đi cũng được đăng. Mỗi năm, bà đều có tác phẩm đoạt giải của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Tác phẩm đầu tiên của tác giả Trần Thị Minh đăng trên Báo Lào Cai là bài viết trong chuyên mục “Người tốt - Việc tốt”, kể về cô giáo ở Phố Lu (nay thuộc xã Bảo Thắng) tận tụy chăm sóc người chồng thương binh.
Bài đó sau khi được đăng tôi rất phấn khởi. Tôi nghĩ chuyên mục “Người tốt - Việc tốt” trên Báo Lào Cai giới thiệu những tấm gương như thế để cho mọi người trong tỉnh, thậm chí là nhiều người ở trong nước biết thật là tốt”, tác giả Trần Thị Minh chia sẻ.
Nay đã nghỉ hưu, bà có nhiều thời gian hơn để viết. Là người từng viết văn chuyển sang viết báo, bà Minh nhận ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn: “Người viết văn thường có lối sống phong phú, cách diễn đạt sâu sắc và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, chính điều đó cũng là rào cản. Nhiều người viết dài dòng, sa đà văn chương, không đi thẳng vào vấn đề, khiến bài báo bị loãng. Bên cạnh đó, tác giả văn học cũng ít có điều kiện xông xáo hiện trường như nhà báo chuyên nghiệp, dễ để lỡ thông tin thời sự”.

Thế nhưng, việc trải nghiệm giữa hai dòng chảy văn và báo đã giúp bà tạo ra những tác phẩm vừa có chiều sâu cảm xúc, vừa phản ánh đúng thực tế. Bà vẫn luôn nhấn mạnh nguyên tắc viết báo: Phải trung thực, viết đúng, không tô hồng hay bôi đen hiện thực. Còn viết văn, có thể hư cấu, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng tới sự nhân văn.
Viết văn hay viết báo cũng đều là cách để kể lại những điều mình quan sát, thấu hiểu và cảm thông. Tác giả Trần Thị Minh đã bén duyên với cả 2 loại hình không vì danh xưng, mà vì tình yêu với nghiệp viết và vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống.