Hoạt động quản lý phải tạo không gian thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn học, tạo cảm hứng cho các tác giả trên cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị, giữ gìn giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, gắn với sự phát triển của đất nước.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học, chiều 11/4, tại Trụ sở Chính phủ.
Thúc đẩy văn học và văn hóa đọc cùng phát triển
Đánh giá cao quá trình soạn thảo nghị định, Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình xây dựng cần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn học; chỉ rõ những hạn chế, tồn tại đang đặt ra với văn hóa nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng.
Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi với các cơ quan chuyên môn để có phạm vi điều chỉnh toàn diện các vấn đề như sáng tác, bảo vệ bản quyền tác giả, phê bình, lý luận...; quản lý chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học; những hình thức quảng bá; làm rõ khái niệm, thuật ngữ, phân loại thể loại văn học...
Song song với việc tổ chức cuộc thi, giải thưởng văn học, Phó Thủ tướng lưu ý cần đa dạng hóa các hình thức tôn vinh, quảng bá tác phẩm có giá trị; kết hợp bảo vệ bản quyền tác giả như bảo vệ phát minh, sáng chế, bao gồm cả không gian mạng.
Bên cạnh hình thức trại sáng tác văn học, Phó Thủ tướng gợi mở những hình thức khuyến khích sáng tác thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn về lý luận chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Nghị định cần làm rõ trách nhiệm, tổ chức quản lý nhà nước ở cấp Trung ương, địa phương trong hoạt động văn học,” Phó Thủ tướng nói và đề nghị “đặt hàng” Hội Nhà văn Việt Nam triển khai các hoạt động thúc đẩy văn học và văn hóa đọc cùng phát triển.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp làm rõ trình tự thủ tục xây dựng Nghị định về hoạt động văn học theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020).Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc tên gọi của nghị định, bảo đảm tính bao quát nội dung, đồng thời đưa ra các quy định cụ thể nhằm quản lý và phát triển văn học.
Phát huy giá trị văn học Việt Nam
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc; đồng thời, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Nhiều thế hệ nhà văn đã tạo ra các tác phẩm mang sứ mệnh gắn liền từng giai đoạn lịch sử, tiến trình phát triển của dân tộc; thể hiện tâm hồn, trí tuệ, nhân cách, con người Việt Nam.
Văn học Việt Nam hiện nay đã đạt được sự đa dạng về đội ngũ sáng tác và đề tài cũng như phương thức sáng tác, đúng định hướng chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, sự chỉ đạo của nhà nước đối với nền văn học nước nhà, khơi dậy và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đấu tranh chống tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch.
Vai trò của lý luận, phê bình văn học đã được phát huy, tác động nhiều mặt tới hoạt động sáng tác, định hướng thị hiếu và nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng. Công tác nghiên cứu có nhiều đổi mới, khoa học, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những nền tảng lý thuyết, kinh nghiệm của thế giới. Các trại sáng tác văn học, giải thưởng văn học đã góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, tôn vinh những tác phẩm có giá trị.
Trong khoảng mười năm trở lại đây, các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học đã đạt có những bước phát triển tích cực ở cả trong nước và ngoài nước; đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu văn học và văn hóa Việt Nam của bạn bè quốc tế, góp phần hoàn thiện bức tranh văn học rộng lớn của nhân loại.
Các tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hòa nhập với văn học thế giới.
Đáng chú ý, không gian mạng đã tạo ra một phương thức công bố tác phẩm văn học mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng dễ dàng tiếp cận, tăng cường quan hệ giao lưu giữa nhà văn, giới lý luận, phê bình và độc giả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về văn học còn bất cập, đặc biệt ở cở sở. Nhận thức về vai trò của văn học ở nhiều cấp lãnh đạo, quản lý còn chưa đầy đủ dẫn tới hiệu quả đầu tư cho văn học còn thấp.
Trong khi đó, hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau nhưng vẫn còn những nội dung chưa được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật riêng. Một số lĩnh vực trong sáng tác về các đề tài mang tính chính luận, công cuộc đổi mới, lịch sử và chiến tranh cách mạng chưa đạt được yêu cầu, kì vọng; thiếu những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật, có tầm vóc lớn phản ánh lịch sử và hiện tại của đất nước...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành nghị định về hoạt động văn học nhằm tập trung một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy văn học phát triển như cơ chế giao nhiệm vụ sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học; trại sáng tác văn học ; tổ chức cuộc thi, giải thưởng văn học; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học đến công chúng, phát huy giá trị văn học Việt Nam...
Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, sự cần thiết ban hành nghị định; nêu rõ, việc soạn thảo nghị định về hoạt động văn học sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, toàn diện cho sự phát triển văn học nghệ thuật.
Một số ý kiến cho rằng cần nhìn hoạt động văn học như một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, không chỉ có sáng tác văn học mà còn liên quan đến phê bình, phổ biến, phát triển công chúng.
Tuy nhiên, nghị định cần tính đến những vấn đề mới liên quan như: Văn học trên mạng; bảo đảm mọi người dân có thể tham gia vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn học, nhất là những nhóm đối tượng yếu thế; sự xuất hiện của tác phẩm văn học do trí tuệ nhân tạo sáng tạo...