LCĐT - Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên với núi non hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, Hoàng Hạ còn khiến người phương xa ấn tượng và yêu ngay từ tên gọi đầy thơ mộng. Lần đầu tiên đến, tôi đã “phải lòng” Hoàng Hạ - mảnh đất miền sơn cước ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà.
Hoàng Hạ là thôn cao và xa nhất xã. Do ở xen kẽ giữa những khu núi cao, Hoàng Hạ chia thành 2 xóm nhỏ với 126 hộ, đều là người Mông. Xóm dưới nằm ngay đầu thôn, lọt thỏm phía thung lũng. Xóm trên nằm ở trung tâm thôn, trên các đỉnh núi xếp liền nhau tạo thành một bình nguyên rộng.
Để gặp những người dân của vùng đất này, tôi phải ngược dốc dăm, bảy cây số từ trung tâm xã. Con đường lên thôn dù đã được đổ bê tông nhưng do nắng gió, mưa rừng, nên không lấy gì làm bằng phẳng. Thêm vào đó, độ dốc lớn với những khúc cua tay áo khiến đường đi gian nan, tôi phải nhờ một tay lái “cứng” để đồng hành lên miền đất mơ.
Sáng sớm, hơi sương chưa tan hết tạo thành những làn sương mù đặc quánh xen kẽ với tán lá, cây rừng khiến đất trời nơi đây càng thêm kỳ bí, hoang sơ. Dừng xe bên đường, ta cảm nhận được tận cùng sự trong trẻo của tiết trời vùng cao với cái lạnh se sắt đủ để người đường xa tìm ấm áp trong chiếc áo khoác dày.
Càng đến gần thôn, đường càng lên cao hơn. Khi vượt lên trên những tầng tầng đèo dốc là một không gian thoáng đãng hiện ra. Ánh nắng lúc này đã bắt đầu lấp ló. Anh Trần Trung Thành, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Hoàng Thu Phố - người bạn đường của tôi - vừa giới thiệu về Hoàng Thu Phố, về Hoàng Hạ, vừa đưa tôi ra thăm một đỉnh núi đầu thôn.
Khung cảnh nơi đây thật đẹp. Từ trên đỉnh cao nhìn ra là bát ngát, mênh mang. Làn sương mù phía dưới chân núi kết tầng tạo nên những biển mây, sông mây trắng xóa. Những tấm thảm xanh bạt ngàn của rừng cây khiến không gian trở nên dịu nhẹ, tươi mát đến lạ thường. Anh Thành bảo: Chính nhờ những vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ ấy mà đây trở thành nơi yêu thích của dân “phượt” khi đến Hoàng Hạ, đặc biệt là vào mùa xuân.
Cũng bởi vẻ đẹp dung dị, riêng có ấy mà Lễ hội hoa lê trắng được xã Hoàng Thu Phố tổ chức mỗi dịp xuân sang và Hoàng Hạ là địa điểm chính góp nên hành trình du lịch thú vị cho du khách.
Cũng giống như các thôn, bản vùng cao của huyện Bắc Hà, địa chất ở Hoàng Hạ chủ yếu là đất xen kẽ đá. Người dân bao đời nay chỉ biết sống dựa vào cây ngô, cây lúa, nhưng do đất đai cằn khô, nghèo dinh dưỡng nên cuộc sống rất khó khăn.
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao khắc nghiệt, Trưởng thôn Hoàng Hạ - Chấu Seo Pủa có nước da nâu rắn rỏi, giọng nói khỏe khoắn. Anh Pủa bảo: “Hoàng Hạ trước đây nghèo lắm. Đường đến thôn chỉ là đường mòn, giao thông, giao thương gặp rất nhiều trở ngại. Mấy năm nay, đường bê tông được đổ đến thôn, con đường từ Hoàng Hạ đến xã và các thôn khác “ngắn” hơn, cơ hội cho bà con phát triển kinh tế cũng dần dần được mở rộng”. Nói rồi anh Pủa phăm phăm đi trước đưa tôi đi thăm một số gia đình trong thôn.
Một trong những cánh cửa mở trong phát triển kinh tế cho người dân Hoàng Hạ là đưa cây trồng mới, phù hợp với đất đai, khí hậu về ươm trồng. Hoàng Hạ hiện là một trong những thôn trọng điểm của xã về trồng cây ăn quả ôn đới, tiêu biểu là giống lê Tai nung. Đã qua chục mùa mưa gió gắn bó với mảnh đất nghèo, loại cây này tỏ rõ sự thích hợp khi cho ra những mùa quả ngọt với hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp. Cũng bởi các hộ trồng theo hướng VietGAP nên sản phẩm được ưa chuộng, giá cao hơn hẳn những vùng trồng lê khác.
Anh Tráng Seo Khúa là hộ đầu tiên trồng thử nghiệm lê Tai nung tại Hoàng Hạ. Từ 400 cây ban đầu, giờ gia đình anh đã có 3.400 cây, trong đó 400 cây được 10 năm tuổi cho thu hoạch 3 năm nay. 10 năm gắn bó là ngần ấy thời gian anh trăn trở với giống cây mới. Giờ thì vườn lê của gia đình anh đã cho thu nhập ổn định từ vài chục triệu đồng đến 120 triệu đồng/năm, được các hộ trong vùng học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc lê. Anh Khúa bảo: Trồng lê rất công phu, đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, xu hướng của người tiêu dùng là sử dụng những sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng tôi phải đi học hỏi và tích lũy kinh nghiệm qua từng năm sao cho có những lứa quả đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Qua học hỏi kinh nghiệm từ anh Khúa, năm 2021, anh Ly Seo Phổng cũng mạnh dạn thử sức với lê Tai nung. Khu vườn và đồi rộng hơn 1 ha nhưng gia đình anh chỉ trồng được 400 cây. Anh Phổng bảo: Đất rộng nhưng chủ yếu xen kẽ với đá, chất đất cũng cằn, gia đình tôi phải chăm bón nhiều hơn. Tuy nhiên, với những thành công của các hộ đầu tiên trồng lê tại thôn, tôi tin tưởng giống cây mới này sẽ đem đến cuộc sống ấm no hơn cho gia đình.
Nói rồi anh Phổng nhẩm tính, với hơn 1 ha, mọi năm trồng ngô, gia đình thu được 2 tấn ngô, bán được khoảng 16 triệu đồng, nhưng vẫn với diện tích ấy sẽ cho thu hoạch hàng chục triệu đồng mỗi năm khi cây lê cho quả.
Cũng như anh Phổng, các hộ ở Hoàng Hạ đã thu dọn vườn tạp chuyển đổi sang trồng giống cây mới. Cả thôn giờ có hơn 60 hộ trồng với hơn 140 ha lê. Hộ ít trồng 300 - 400 cây, hộ trồng nhiều 1.000 đến vài nghìn cây. Những hộ trồng nhiều như ông Chấu Seo Hầu, Tráng Seo Pao, Chấu Seo Pủa…
Anh Lý Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Không chỉ có mô hình trồng lê Tai nung, ở Hoàng Hạ còn có nhiều cách làm kinh tế mới, như trồng rau an toàn, nuôi cá chép ruộng. Những mô hình này mới được “ươm” ở Hoàng Hạ và cho kết quả bước đầu, thành công nhiều hay ít vẫn là câu trả lời ở tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao việc người dân dám thử nghiệm, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất để nâng cao thu nhập.
Đi trong bát ngát mây trời Hoàng Hạ, bên những vườn lê với những nhành cây khô ráp đang ủ mầm chờ ngày tách vỏ, đâm chồi, tôi thấy vui lây khi nghe lời tâm sự của vị lãnh đạo xã. Với sự cần mẫn chắt chiu, mạnh dạn đổi thay, người dân Hoàng Hạ sẽ ngày càng có cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn.