Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác Đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Bộ NNPTNT tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn từ 2010 -2013, đã có 662.828 lao động nông thôn được đào tạo nghề, đạt trên 50% mục tiêu của Đề án. Thông qua chương trình này đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn còn thiếu định hướng, chưa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hiện đào tạo nghề vẫn chủ yếu tập trung vào các nghề cũ, chưa tạo được nghề mới; chưa gắn với công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã; nội dung chương trình, phương thức tổ chức lớp, chính sách hỗ trợ người học còn có nhiều điểm tồn tại, chưa phù hợp.
Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hiện công tác đào tạo nghề chưa thực sự xuất phát từ quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Lai Châu chủ lực là cây cao su, chè, lúa. Tuy nhiên, lại chưa có chương trình mở lớp đào tạo trồng, khai thác và chế biến cao su, chè. Theo ông Quảng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cần tập trung vào những sản phẩm chủ lực của địa phương chứ không chỉ đào tạo theo hình thức như hiện nay”.
Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hết sức cần thiết nhưng hiện giáo trình, giáo án rất nhiều mà vẫn có nhiều lĩnh vực chưa theo kịp những mong muốn của người dân đang cần.
Họ cần có kỹ thuật trồng lúa, trồng vải thiều, rau xanh có năng suất cao trên cùng một diện tích nhưng cũng cần được đào tạo về thị trường để tiêu thụ được sản phẩm, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Do đó, đào tạo nghề cần đi vào cụ thể và gắn với từng nhiệm vụ của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, hiện nay, cứ để làm theo kiểu ai thích làm gì thì làm sẽ tạo nên một nền nông nghiệp kiểu “hàng xén”, chất lượng không cao, giá cả luôn bị bấp bênh.
Đề nghị mỗi xã chỉ chọn từ 1-3 cây, con chủ lực, địa phương nào đã có quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thì đào tạo nghề cũng tập trung vào sản xuất các mặt hàng đó. Đào tạo nghề cho mỗi người nông dân phải giúp họ có việc làm hoặc nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, phải giúp họ sống được với nghề đã học.