Bị thiệt hại hơn 3 ha cây dâu tằm, gia đình ông Trần Quốc Đoàn, xã Kim Sơn được chính quyền địa phương cử cán bộ chuyên môn kịp thời phổ biến kỹ thuật chăm sóc, phục hồi. Nhờ áp dụng các biện pháp, như đào rãnh tiêu úng, bứt lá, đốn tỉa cành, đến nay 2 ha dâu bị ngập úng của gia đình đã hồi phục, xanh tốt trở lại. Gia đình ông Đoàn đã có lá dâu để tiếp tục duy trì nghề nuôi tằm. Hiện, mỗi tháng gia đình thu hơn 200 kg kén, với giá bán 170.000 đồng/kg, đem về nguồn thu hơn 34 triệu đồng.
Trước bão số 3, gia đình bà Vũ Quế Anh, xã Kim Sơn duy trì 3 sào dâu tằm, nuôi 70 - 80 vòng tằm/năm, thu về gần 100 triệu đồng. Mưa lũ khiến toàn bộ diện tích dâu chuẩn bị khai thác lá bị nhấn chìm, vùi lấp bởi lớp đất cát dày. Ngay sau khi nước rút, dù đã nỗ lực khơi rãnh, chăm sóc nhưng do ngâm nước lâu, bùn đất dày nên cây bị chết. Vừa qua được sự hỗ trợ cây giống của các cơ quan, cũng như được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tin rằng diện tích cây dâu tằm trồng mới sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình sớm khôi phục nghề nuôi tằm.
Trước khi xảy ra bão số 3, Bảo Yên có 37 ha dâu tằm, được trồng tập trung ở các xã: Kim Sơn, Bảo Hà, Cam Cọn, Việt Tiến, Xuân Thượng, Minh Tân. Bão số 3 đã làm thiệt hại hơn 19 ha dâu tằm. Ngay sau mưa bão, huyện đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh triển khai các giải pháp để khôi phục diện tích dâu bị ngập úng. Thông qua tập huấn tại đồng ruộng, người dân đã nắm được kỹ thuật để khắc phục một số diện tích có khả năng phục hồi, giảm chi phí trồng mới, ổn định năng suất lá để nuôi tằm vụ xuân.
Được sự hỗ trợ cây giống từ các đơn vị và nhà hảo tâm, người dân trên địa bàn huyện Bảo Yên đã trồng khôi phục được 10 ha dâu tằm. Ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ phân bón, đặc biệt là hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trên đất bị bồi sau mưa lũ, để cây sinh trưởng thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên khẳng định: Dù đối mặt với nhiều khó khăn sau mưa lũ, địa phương vẫn kiên định đưa cây dâu tằm trở thành cây chủ lực, ưu tiên phát triển của huyện trong thời gian tới. Ngay sau bão số 3, huyện đã xây dựng phương án tổng thể về khắc phục thiệt hại và khôi phục kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện sẽ khôi phục lại diện tích các cây trồng chủ lực bị thiệt hại do bão. Cụ thể đối với cây dâu tằm, sẽ khôi phục và trồng mới 42 ha tại các xã Việt Tiến, Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà; đồng thời tại các diện tích đã trồng trước đây hoặc những diện tích ruộng bị vùi lấp không thể tiếp tục trồng lúa, huyện sẽ bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ hạt giống, cây giống dâu tằm giúp người dân khôi phục sản xuất.
Huyện Bảo Yên phấn đấu phát triển ổn định và mở rộng diện tích cây dâu tằm đạt 70 ha vào năm 2025. Bên cạnh việc khuyến khích người dân khôi phục lại diện tích trồng dâu nuôi tằm, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hướng đến phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi bền vững. Khi có vùng trồng đủ lớn, địa phương sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy chế biến tơ tằm để nâng cao giá trị của cây trồng này.