Bài 2: Cần gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng
Từ thực tế triển khai giải phóng mặt bằng của Dự án, các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Bát Xát đã xác định được những tồn tại, bất cập dẫn đến công tác bồi thường gặp khó khăn, nhất là xác định ranh giới, nguồn gốc đất…
Ông Hồ A Lò, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua cho biết: Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã vẫn phát sinh nhiều vướng mắc, như một số hộ dân chưa đồng thuận với mức giá đền bù tài sản trên đất và phương án hỗ trợ tái định cư. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Bản Qua tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường và mức hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Được biết, huyện Bát Xát đã thành lập 3 tổ công tác thực hiện việc giải phóng mặt bằng Dự án Cầu biên giới qua sông Hồng và hạ tầng kết nối. Mỗi tổ gồm lãnh đạo địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và cán bộ Ban Quản lý dự án ODA tỉnh.
Từ trung tuần tháng 3 đến nay, Tổ công tác của Ban Quản lý dự án ODA tỉnh phối hợp với huyện Bát Xát tổ chức tuyên truyền, vận động và đối thoại với gia đình ông Hồ Văn Trái, thôn Bản Qua, xã Bản Qua để giải quyết một số vướng mắc tồn tại. Mặc dù rất đồng tình với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để xây dựng đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng ông Trái vẫn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết một số nội dung, như chưa chỉ rõ ranh giới thu hồi đất, chưa thống nhất dung tích ao.
Ngoài ra, tại khu vực Dự án thành phần 2 còn vướng mắc về diện tích đất khoảng 3,96 ha nằm trong Khai trường 26, Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam (hiện tại đang tổ chức đóng cửa mỏ) cũng đang có những vướng mắc nhất định.
Ông Đỗ Thanh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Bát Xát, cho biết: Hiện tại Trung tâm đang tích cực phối hợp triển khai công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, lớn nhất là người dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù, phương án hỗ trợ tái định cư...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát, cho biết: Qua kiểm tra, rà soát công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối, cho thấy những phát sinh vướng mắc chủ yếu là do việc xác định nguồn gốc đất, cơ chế bố trí tái định cư... Hiện nay, huyện đã thành lập các tổ công tác để phối hợp với Ban Quản lý ODA tỉnh tổ chức rà soát lại toàn bộ các hộ dân còn vướng mắc để từ đó có phương án thống kê, đền bù và vận động nhân dân chấp hành bàn giao mặt bằng.
Được biết, hiện UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm đếm bắt buộc và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật với hộ không phối hợp thống kê, kiểm đếm, chưa đồng ý kết quả đo đạc hay có những đòi hỏi ngoài quy định. Tất cả đang đặt mục tiêu sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý ODA tỉnh cho rằng việc triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện thành phần 2, Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối đang có nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Thời gian qua, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh đã thường xuyên phối hợp với địa phương và các phòng chuyên môn của huyện Bát Xát thực hiện tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân về mục tiêu của dự án; chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về đền bù, hỗ trợ tái định cư, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB… Những hộ gặp khó khăn về kinh tế, chúng tôi sẽ kiến nghị trực tiếp với cơ quan chuyên môn của huyện Bát Xát cho chậm nộp hoặc nộp thuế làm nhiều lần khi nhận đất tái định cư.
Giải phóng mặt bằng là đang là “nút thắt” tại Dự án Cầu biên giới qua sông Hồng và hạ tầng kết nối. Hơn lúc nào hết, các cấp, ngành và địa phương liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, có những điều chỉnh kịp thời, hài hòa lợi ích, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, khi có mặt bằng, nhà thầu phải tập trung cao độ nhân lực, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, kể cả thi công vào ban đêm để đảm bảo triển khai các dự án, công trình đúng tiến độ đề ra. Hy vọng, từ nay đến cuối 2024, Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng…, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.