>>>>>Bài 1: Giữ guồng máy hoạt động
LCĐT - Với quan điểm doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển, trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai xác định hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19. |
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong đó chi phí phòng, chống dịch cao, thiếu vốn, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển và thuê kho bãi tăng, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật, thiết bị thay thế, nguyên - nhiên vật liệu nhập khẩu chậm đưa về nhà máy... Do vậy, nhiều doanh nghiệp, dự án công nghiệp gặp khó khăn đã và đang được các sở, ngành và UBND tỉnh hỗ trợ tháo gỡ kịp thời, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh. Điển hình là Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng tại xã Bản Qua (Bát Xát) đang trong giai đoạn hoàn thiện, lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, nhiều thiết bị chính của dự án và chuyên gia người nước ngoài không nhập cảnh được vào Việt Nam. Nắm kịp thời những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành trung ương và phía nước bạn Trung Quốc ưu tiên thông quan hàng hóa là thiết bị dự án; tạo điều kiện cho phép chuyên gia Trung Quốc xuất - nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện dự án. Đến nay, dự án phần lớn đã lắp đặt xong các hạng mục chính và đang trong giai đoạn định chỉnh thiết bị, công nghệ, lắp đặt hạng mục chính cuối cùng là phân xưởng điện phân. Phấn đấu hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng trong quý III/2021.
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, do nguồn quặng apatit loại 3 được cấp phép khai thác của công ty dần cạn kiệt, không đủ phục vụ công suất hoạt động của Nhà máy Tuyển Cam Đường và Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng. Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Tổng Cục địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép công ty sử dụng nguồn quặng 3 tại các kho lưu để phục vụ các nhà máy. Bên cạnh đó, để duy trì nguồn tinh quặng tuyển phục vụ các nhà máy sản xuất hóa chất phân bón trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương kết nối giữa Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam và các đơn vị khai thác có quặng apatit loại 3 để hợp tác cung cấp và sản xuất tinh quăng tuyển.
Riêng với Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung, hiện giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Sa của công ty đã hết hạn, công ty chưa tìm được nguồn nguyên liệu thay thế cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, vì vậy nhà máy đang đứng trước nguy dừng sản xuất. Đây là một trong những dự án lớn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Trước những khó khăn của công ty, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều buổi làm việc với công ty, Tổng Công ty thép Việt Nam và các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng ViettinBank... để tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay, Sở Công Thương đang hỗ trợ công ty tìm kiếm nguồn quặng từ các đơn vị khai thác quặng sắt trên địa bàn tỉnh nhằm duy trì hoạt động của nhà máy.
Bãi thải gyps tạm thời của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem sắp đạt tới ngưỡng giới hạn cho phép đổ thải, nếu không được cơ quan thẩm quyền cho tháo gỡ, công ty sẽ phải dừng hoạt động. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, các đơn vị có đường truyền tải điện cao áp chạy qua bãi thải tiến hành dịch chuyển đường điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện và tăng dung lượng bãi chứa. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn về quy chuẩn sản xuất thạch cao, vật liệu xây dựng, vật liệu san nền được tái chế từ bãi thải gyps của các nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, làm cơ sở để các đơn vị có chất thải gyps xử lý, sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị sản suất công nghiệp 7 tháng năm 2021 ước đạt 22.873,8 tỷ đồng, bằng 56,6% so với kế hoạch, bằng 52,95% so với kế hoạch giao thêm và tăng 13,38% so cùng kỳ năm 2020. Như vậy, bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực như du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn bị ảnh hưởng thì công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, giúp tăng trưởng kinh tế.
Theo lý giải của ngành chức năng, yếu tố giúp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021 là đã chủ động rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp; đôn đốc, tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm; giải quyết các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt, không để dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục duy trì một số chính sách bảo hộ sản xuất trong nước nên giá các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh như phôi thép, đồng, phốt pho đỏ được duy trì, thị trường tiêu thụ tốt, tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số dự án thủy điện được đưa vào vận hành, sản lượng điện thương phẩm tăng so với cùng kỳ năm 2020, cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất, sinh hoạt trên toàn tỉnh.
Theo ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để định hướng, điều chỉnh các sai sót, kịp thời đề xuất các cấp, các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai và đẩy nhanh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Thực hiện tốt quy hoạch khai thác, chế biến một số khoáng sản có trữ lượng lớn, có tiềm năng như quặng apatit, sắt, đồng; đảm bảo các nguồn cung quặng lâu dài, ổn định cho chế biến tại chỗ theo hướng sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát và kiểm tra khoáng sản. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến công, đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp. Tạo thuận lợi nhất cho các dự án sản xuất sản phẩm mới như DAP chất lượng cao, phốt pho đỏ, các sản phẩm hóa chất, bao bì, dây cáp đồng... hướng tới mục tiêu ngành công thương Lào Cai hoàn thành kế hoạch năm 2021.