Ao Làng

LCĐT - Nhà tôi liền kề với ao làng. Ao rộng và nước trong, gió lộng nên mặt ao luôn lăn tăn sóng nước, đám bèo bị xô dạt vào xung quanh bờ dập dềnh như chơi trò bập bênh.

Mùa hè, gió từ ao thổi vào vườn nhà mát rượi. Tôi hay một mình mò mẫm xuống gốc sung già, ngồi tựa lưng vào gốc cây ngủ say sưa. Cây sung già có dáng hình thật kỳ dị, duy nhất gốc cây là ở trên bờ, còn lại thân và cành uốn mình nằm la đà sát mặt nước. Quả sung sai chi chít quanh thân và cành. Sung chín rụng xuống ao nổi lềnh phềnh, lũ cá nổi lên đớp, những tiếng bì bõm đến là vui tai. Tôi yêu cái thời khắc giữa xuân, khi ấy cây gạo ven đường làng ở phía bờ bên kia trổ hoa đỏ rực, soi bóng xuống mặt nước. Người ta thì hay ngửa cổ lên ngọn cây mà ngắm hoa gạo, còn tôi thì ngược lại, tôi ngắm hoa dưới ao. Cây gạo soi mình xuống nước, những đốm đỏ rung rinh mới đẹp làm sao! Những bông hoa rụng xuống nổi trên mặt nước trông như những chiếc đèn hoa đăng mà các vãi già đem thả đêm rằm tháng Bảy.

Tôi rất hay ngủ quên ở gốc sung. Chị dâu thường tìm thấy tôi, chị lay gọi làm tôi tỉnh giấc. Cũng có lần mãi tối mịt mới có người nhớ đến tôi. Cũng phải thôi, ở cái nhà này tôi như là một người thừa, lạc lõng và lầm lũi. Chị dâu tốt mấy thì cũng có lúc nhãng quên vì chị còn bận chăm lũ trẻ, con của chị và là cháu của tôi. Anh Lẩm, anh trai ruột của tôi thì chả bao giờ dòm ngó, hỏi han tôi lấy một câu. Thường thì là tôi ngủ quên thật, nhưng cũng có lúc tôi cố tình nằm ì ra đấy hy vọng nhỡ ra anh Lẩm có nhớ ra mà gọi tìm. Nhưng chẳng bao giờ điều đó xảy ra. Thế là tôi nằm khóc, những giọt nước mắt ứa ra hai khóe mắt như nhựa ở thân cây bị vết dao chém. Tôi nuốt những nỗi tủi vào trong cổ họng, nó như một khối chát nghẹn ứ đầy, làm tôi muốn nấc mà không nấc lên được. Tôi khóc trong lặng im!

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).
Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Nhà tôi có bốn anh em, anh Lẩm là cả, tiếp đến là chị Thi, rồi chị Thoa, tôi là út. Nghe mọi người kể thì khi tôi lên chín tuổi, cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Thế là anh cả phải gồng gánh nuôi cả mấy chị em tôi. Những tưởng anh Lẩm sẽ thương tôi nhất vì phải sớm mồ côi cha mẹ, anh sẽ dồn tình cảm bù đắp cho những thiệt thòi của đứa em út. Nhưng sự thật anh đã làm ngược lại, anh luôn khó chịu với tôi, coi tôi như là sự vướng víu và thừa thãi. Tôi không dám hờn trách vì thực sự anh đã quá vất vả với gia đình. Tôi thậm chí còn tự giận mình vì không làm được gì giúp anh và các chị. Từ nhỏ tôi đã lớn lên với một bên chân tật nguyền, người làng gọi tôi là thằng khoèo, họ chẳng còn nhớ tên thật của tôi nữa. Chị Thi lấy chồng trong làng nên thỉnh thoảng hay về thăm tôi, chị ngồi với tôi, hỏi han và vuốt lên tóc tôi, chị nắn nắn bên chân khoèo của tôi, mắt chị chớp chớp liên hồi.

Vào mùa hè ao làng cũng thật đẹp, những bông hoa súng trắng bung nở làm tôi thích thú. Tôi chẳng bao giờ có thể tự ra đó để hái. Có lần thấy tôi say sưa ngắm những bông hoa ấy, chị dâu hỏi tôi có thích thì chị hái cho. Tôi cười, gật gật đầu. Chị dâu bơi thuyền hái cho tôi một bó nhỏ. Tôi cất kỹ ở gốc sung, chỗ những chùm rễ chằng chịt sát mặt nước. Đêm xuống, tôi sẽ lấy ra tặng em, nàng tiên của riêng tôi. Lúc chị dâu đưa bó hoa, suýt nữa tôi đã để lộ bí mật này. Em đã dặn tôi là không cho ai biết, nên tôi cũng sẽ chẳng nói cho ai đâu, kể cả chị dâu.

Người làng vẫn kể với nhau chuyện về một cô gái trẻ xinh đẹp chết ở ao làng. Bọn giặc khi ấy tràn vào làng tôi, chúng ức hiếp người già, bắt bớ đánh đập đàn ông, hãm hiếp đàn bà. Cô gái ấy xinh đẹp nhất làng bị bọn chúng bắt và thay nhau làm nhục, cô uất ức nhảy xuống ao làng tự tử. Chuyện đã lâu lắm rồi nhưng người già trong làng vẫn còn kể, họ nói những đêm trăng sáng có người đã thấy có cô gái áo trắng ngồi bên gốc sung khóc thút thít. Người ta kháo nhau đó chính là cô gái năm xưa hiện lên để dọa người yếu bóng vía. Lại có người phân giải, vì không được siêu thoát nên linh hồn cô ấy cứ vất vưởng đó thôi. Anh Lẩm lấy làm khó chịu vì những câu chuyện như thế, anh nói với chị dâu: “Bịa đặt vớ vẩn. Tôi từng nằm rừng, ngủ núi suốt mà có thấy gì bao giờ!”.

Đêm, gió thổi rào rào lên những tán cây. Tôi lại ra gốc sung ngồi hóng gió. Trăng càng lúc càng thêm sáng, ánh trăng tãi lên những tàu cọ non trong vườn lóng lánh. Tôi ngồi tựa lưng vào gốc sung cảm nhận từng đợt gió đem hơi nước mát lạnh từ ao lên phả vào mặt thật là dễ chịu. Tôi nâng cây sáo lên môi thổi một bản nhạc êm ái. Tôi thổi hết bài này qua bài khác, chả biết có ai nghe không nhưng tôi vẫn thổi mê say. Tôi thổi vì tôi mê sáo, ngoài thổi sáo thì tôi còn biết làm gì. Tiếng sáo làm cho tôi đỡ buồn tủi, đỡ cô đơn. Và kể từ khi gặp em, tôi đã thổi để cho em nghe. Em cũng yêu tiếng sáo, điều ấy làm tôi thấy mình thật sự làm được một việc ý nghĩa. Em đã cho tôi tìm thấy chính tôi, thấy đáng sống trong cuộc đời này. Và tôi thường ngồi thổi sáo đợi em.

Tôi đã ngừng thổi sáo. Gió mát làm hai mí mắt tôi muốn díu lại. Không, tôi phải thức để đợi em. Mặt ao lấp lánh ánh trăng, những tia sáng lấp lóa phản chiếu lên tán lá sung mờ ảo. Từ giữa ao, một con thuyền hiện lên, ngồi trên thuyền là nàng tiên của tôi, em cười và vẫy vẫy gọi tôi. Thuyền đã cập bờ, em chống sào xuống, cây sào áp sát một bên thành thuyền, em nhón chân bước lên bờ, nhẹ như có cơn gió nâng bổng em lên. Tôi bật dậy ào đến nắm tay em dắt lại gốc cây sung già. Nàng tiên chọn một rễ cây nổi trên mặt đất, khẽ ngồi xuống. Tôi cũng ngồi cạnh em, ánh mắt em nhìn tôi mát như một giọt nước chảy vào lòng. “Anh vẫn đợi em à?”. “Đợi chứ! Hôm nào anh chả muốn gặp em”.

Nàng tiên vuốt tóc tôi, vít đầu tôi gục vào vai em, tiếng nói phát ra nhẹ, êm như từ nơi xa xăm vọng đến: “Em đã dặn rồi, những đêm trăng sáng nhất em sẽ tới vào lúc khuya”.

Tôi cứ ngồi yên và nghe hương thơm dịu nhẹ từ cơ thể thiếu nữ tỏa ra. Tôi say, đầu óc tôi lâng lâng, những lúc ấy tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt lấp sáng ánh trăng kia. Thực sự khuôn mặt ấy cụ thể ra sao tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng nó sáng và đôi lúc mờ ảo đi, chỉ còn lại nụ cười đầy mê hoặc. Rồi tôi lại thổi sáo và em múa, sương đêm làm ướt mi mắt hai đứa. Tôi thổi sáo say sưa hơn, em múa dẻo hơn và tôi ôm em nâng lên, cái chân khoèo như không trụ được, mất thăng bằng, em bị ngã nhào xuống mép ao. Tôi hốt hoảng kêu lên: “Kìa! Em ơi!...”.

- Chú Thản! Chú Thản ơi! Dậy, về nhà ngủ đi chú.

- Không! Nàng tiên đâu rồi chị ơi!

- Nàng tiên nào hả? Thôi, đứng dậy vào nhà ngủ nào. Khổ! Sương xuống ướt hết cả vai áo rồi.

*   *   *

Những nhà gần ao làng thi nhau đổ đất lấn ra lòng ao, họ cơi nới vườn nhà, họ đắp bờ mở rộng ao của họ. Ao làng bỗng hẹp lại, méo mó thật tệ hại trong mắt tôi. Lòng tôi cuộn lên những tâm tư rối bời, buồn tiếc và đau đớn. Đêm xuống, khi gặp nhau, nàng tiên của tôi ấm ức khóc, em nói nơi ở của em bây giờ chẳng còn được như xưa, bức bối và chật hẹp. Em nói nơi mà em đang ở bị đất đá xô xiêu vẹo, em luôn phải lo sợ, thật sự những ngày bình yên đã không còn nữa. Em gục đầu vào vai tôi, tiếng khóc ấy dội vào lòng tôi những hòn than bỏng rát, xót xa…

Anh Lẩm sau đợt đi rừng về cũng muốn thuê đổ đất lấn ra ao làng. Anh bảo với chị dâu, sau khi đổ đất sẽ trồng bưởi Diễn, giống bưởi đang đắt giá và được nhiều người ưa thích. Anh phân bua, khi bưởi ra quả sẽ có thứ làm quà biếu, bán rồi ăn thỏa mái. Chị dâu có ý can ngăn nhưng anh Lẩm gạt đi, mặt anh cau lại rồi bỗng chốc cười phá lên có vẻ đắc ý lắm. Sau đợt cười dài và vang, anh Lẩm vung tay, vẻ đầy tự phụ. Anh nói thật to như không phải nói cho mình chị dâu nghe: “Tôi đã tung hoành ngang dọc, kiểm lâm, những kẻ có quyền chức tôi còn chẳng sợ thì ở cái làng này tôi phải ngại gì ai? Tiền! Cái này có sức mạnh ghê gớm lắm, mẹ mày tin đi.” Phải công bằng mà nói, anh Lẩm tài thật, tôi đã từng chứng kiến những bữa ăn nhậu tại nhà của anh với những người làm to ở trên tỉnh.

Hôm sau, anh Lẩm thuê người chặt cây sung sát mép ao để ô tô vào đổ đất. Tiếng động cơ ầm ì làm đầu óc tôi quay cuồng. Từng thùng đất đổ xuống làm cho mặt nước nổi tăm, hình như đó là sự giận giữ của ao làng. Tôi không muốn cho anh Lẩm làm như thế nhưng tôi không dám phản ứng gì. Tôi có thể làm gì khi trong mắt anh trai mình tôi luôn là một người thừa? Tôi đứng trân trân ngây dại nhìn mặt ao đang co lại. Tôi nghe tiếng tôm, cua, ốc ếch… kêu gào thảm thiết, những tiếng than vãn, oán trách ấy là mũi kim đâm rách lòng tôi. Có tiếng nàng tiên kêu khóc, tiếng khóc ấy mang vẻ bất lực, mệt mỏi và yếu đuối. Tôi nghe thấy em gọi tôi, nhưng tôi không thể nhìn thấy em. Mắt tôi đẫm ướt nhòa đi mọi thứ xung quanh. Tôi chạy về phía ao làng, tôi gào lên:

- Anh Lẩm! Không được đổ đất xuống nữa.

- Thản! Không phải việc của mày.

- Không, anh không thể làm thế!

Tôi nắm chặt tay anh, dùng hết sức lôi lại. Anh Lẩm gầm lên, hất tay tôi. Không thể cho anh làm như thế, tôi càng bấu thật chặt thêm.

- Ơ hay cái thằng khoèo này. Mày điên à?

Một cái vung tay, tiếp nữa là một cái giật thật mạnh. Tôi ngã chúi về phía trước, đầu tôi đập vào vật gì cứng lắm, à, thân cây sung đã bị cắt rời ra. Chao ôi! Đau quá. Tôi còn kịp nghe thấy tiếng gọi hốt hoảng, đứt đoạn của nàng tiên trước khi mọi vật xung quanh tối dần.

*   *   *

Tôi tỉnh dậy thì đã không thấy anh Lẩm ở nhà. Anh lại đi rừng. Những chuyến đi của anh thường chẳng có thời gian cố định. Có lần chỉ vài tuần, đôi khi vài ba tháng, cũng có bận nửa năm. Những chuyến đi ấy thường đem lại cho anh rất nhiều tiền. Tôi không biết anh chặt cây rừng lấy gỗ như thế nào, buôn bán ra sao, nhưng tôi không muốn anh làm thế. Người ta nói lấy của rừng một, phải trả lại mười. Và tôi lo cho anh. Tôi linh cảm thấy trong những chuyến đi của anh luôn tiềm ẩn những điều chẳng lành. Những điều ấy tôi có lần đã nói với chị dâu, chị lắc đầu không nói, mặt buồn rười rượi.

Tin anh Lẩm bị gỗ chèn làm chị dâu choáng váng suýt ngã. Chị tất tả gửi con sang nhà ngoại, sau đó bắt xe lên bệnh viện ở một tỉnh vùng cao xa lắc thăm chồng. Tôi ở nhà bồn chồn không yên. Liệu anh Lẩm có bị nặng không? Liệu anh có qua khỏi để về nhà không? Nhỡ ra…

Chị dâu đã đưa anh Lẩm về. Chân phải anh băng kín, nhưng tôi không thấy bàn chân đâu. Thì ra cây gỗ nơi rừng già đã lấy đi bàn chân ấy. Anh Lẩm gầy đi rất nhiều, vẻ mặt mệt mỏi, đôi lúc ngơ ngác như người mất hồn. Rồi vết thương của anh Lẩm cũng dần lành lặn, cái chân bị cụt ấy khiến anh phải đi nạng. Đầu nơi vết thương của anh đỏ lên, tôi thường chỉ dám liếc qua, tôi có cảm giác sợ khi nhìn thẳng vào đó. Từ ngày bị như thế, anh Lẩm hay cáu bẳn, anh hay quát mắng chị dâu vô cớ. Có lần chị dâu giúp anh đứng lên nhưng anh cự lại. Đôi mắt anh đỏ lên, trợn tròn giận dữ. Chị dâu lặng im cúi đầu, tính chị vốn hiền lành và cam chịu, huống hồ giờ anh thành ra như thế thì chị có thể nói gì. Càng ngày tính anh Lẩm càng vô lý không chịu nổi. Chị dâu càng chăm sóc ân cần bao nhiều thì anh lại càng phũ phàng lại bấy nhiêu. Chị dâu thường ngoảnh mặt đi, âm thầm giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên hai gò má. Tôi thương chị, nhưng tôi có thể làm được gì đây?

Mùa mưa đã đến. Những cơn mưa như trút nước kéo dài làm cho ao làng no bụng nước. Tiếng ếch nhái kêu ụp oạt suốt đêm như là dàn đồng ca gọi mưa về thêm nữa. Người ta nói với nhau năm nay có lũ lớn, thế mà lũ về thật. Nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm nhanh như một cái phẩy tay. Nước cuồn cuộn đỏ ngầu cuốn phăng những nếp nhà nơi gần bờ đê. Tiếng người kêu gọi, gào khóc xen lẫn tiếng nước nghe hỗn tạp và đầy thê lương. Lũ đã cuốn phăng những bờ vùng, tất nhiên cuốn trôi đi những lớp đất mượn người ta đã đổ xuống lòng ao làng. Rồi lũ cũng rút, lòng ao đã trở về như cũ nhưng nước chưa thể trong lại ngay như trước được. Những rác rưởi nổi lập lờ đầy mặt ao. Anh Lẩm ngồi trầm tư trước sân, mặt hướng xuống ao làng, anh nói một mình:

- Hừm! Cơn lũ gớm thật. Giá mình đừng…

Anh lẩm bỏ giở câu nói ở đó và lại ngồi lặng lẽ, mặt đăm chiêu đầy vẻ suy nghĩ. Tôi ngồi thu lu nơi bậc thềm. Thấy tôi, anh Lẩm vẫy vẫy tay, anh cười hiền, lần đầu tiên anh cười như thế với tôi.

- Chú Thản lại đây với anh!

Lòng tôi dâng lên một cảm giác lẫn lộn, đó là niềm vui mừng, ấm áp xen vào là cả nỗi giận dỗi. Thế nhưng tôi vẫn đi về phía anh. Tôi bước đi khó nhọc. Nhìn tôi, anh Lẩm chợt tắt nụ cười và thoáng nhìn xuống chân mình, mắt anh loáng nước.

- Chú Thản có giận anh không?

- Sao anh hỏi thế? Em giận gì anh cơ chứ? - Tôi nghèn nghẹn.

- Anh đã đối xử không tốt với chú bấy lâu nay. Anh đã không thương chú, không hiểu cho nỗi thiệt thòi của chú. Còn nữa, anh đã phá rừng và hậu quả là đây, chân anh đây. Những ngày phải dùng nạng anh mới thấy chú khổ thế nào. Anh xin lỗi!

Anh Lẩm cầm tay tôi, mắt nhìn xuống ao làng:

- Ngày mai anh sẽ bảo chị dâu mang thuyền chở anh ra ao làng vớt rác, nước ao sẽ sớm trong trở lại thôi.

- Vâng, rồi ao sẽ trong lại như trước kia anh ạ.

- Và không ai có quyền xâm lấn. Anh sẽ không cho ai làm như thế.

Chị dâu phải vất vả lắm mới giúp anh Lẩm lên chiếc thuyền nan nho nhỏ. Chiếc thuyền rời bến, anh Lẩm và chị dâu cẩn thận vớt từng mảnh rác nổi trên mặt ao. Phải mất nửa ngày hai anh chị mới dọn xong. Anh Lẩm có vẻ mệt nhưng vẫn nháy mắt với tôi, anh cười hiền và thanh thản.

Một buổi sáng đẹp trời, anh Lẩm, chị dâu và tôi cùng nhau trồng một hàng cây gạo bên bờ ao làng, thay thế cây gạo già đã bị cơn lũ nhổ tung gốc. Sẽ không lâu đâu, những cây gạo này sẽ lớn lên, sẽ ra hoa đỏ rực soi bóng xuống ao làng. Đêm qua, tôi mơ thấy nàng tiên của tôi, em nói em phải xa tôi, em nói tôi đừng buồn, em phải đi về nơi rất xa, rất xa. Ao làng sẽ thoáng rộng và đẹp như trước và em cũng rất vui. Thật lạ, không được gặp em nữa nhưng tôi không buồn, tôi thấy lòng nhẹ tênh. Tôi tin em nói thật, cũng như ao làng giờ đây nước đã trong trở lại. Và tôi sẽ chẳng cho ai biết bí mật về nàng tiên mà tôi đã gặp trong những đêm trăng…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chảo Mẩy và đam mê viết

Chảo Mẩy và đam mê viết

"Tôi sinh ra ở vùng cao - nơi còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ đầy ắp tình yêu thương. Ở nơi không có trò chơi điện tử, không sóng điện thoại, tôi chơi các trò chơi truyền thống, trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo… tới giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm trong tâm trí tôi…”, đó là những điều mà Chảo Mẩy chia sẻ qua từng trang viết.

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Trong mùa phim Tết năm nay, có thể dự đoán về sức hút của bộ phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) khi đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, liên tục làm nên các kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt. Nhưng cơn “sốt vé” phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, là hiện tượng bất ngờ, chưa từng thấy. Cùng với nhiều bộ phim khác đang dần được chú ý, giới làm nghề đầy hứng khởi, tin tưởng một giai đoạn bứt phá của điện ảnh Việt.

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

fb yt zl tw