Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Văn Bàn là địa phương có vị trí đặc biệt kết nối vùng Đông Bắc với Tây Bắc và chiến trường Điện Biên Phủ, bởi ở đây có tuyến vận chuyển lương thực, quân trang lên tiền tuyến và vận chuyển thương binh từ tiền tuyến về hậu phương điều trị.
Theo tư liệu lịch sử, sau khi được giải phóng (năm 1950), huyện Văn Bàn (khi đó thuộc tỉnh Yên Bái) tiếp tục củng cố lực lượng địa phương tăng cường phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện củng cố hậu phương. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai “xây dựng các làng bản kháng chiến, vận động đồng bào hăng hái sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự, tăng cường chống nổi phỉ và bọn phản động phá hoại…”.
Trong giai đoạn 1951 - 1953, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, Huyện ủy Văn Bàn huy động các lực lượng phối hợp với bộ đội chủ lực phá tan âm mưu phỉ hóa vùng Tây Bắc, đập tan kế hoạch mở “cuộc tiến công tổng quát” của địch với sự hỗ trợ của máy bay Pháp nhằm đánh chiếm 5 huyện vùng cao của Lao Cai và hai huyện Văn Bàn, Than Uyên (Yên Bái). Cuộc tiến công giành thắng lợi có ý nghĩa to lớn cho phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để hoàn thành chủ trương chỉ đạo trên giao, huyện Văn Bàn đã huy động các xã khu vực giáp ranh với Tú Lệ, Văn Chấn đi dân công hỏa tuyến phục vụ trực tiếp chiến dịch; các xã ven sông Hồng huy động nhân lực tham gia sửa chữa tuyến đường sắt Yên Bái - Phố Lu, mở các tuyến đường nội địa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm lên Tây Bắc.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã hình thành nhiều tuyến đường vận chuyển vũ khí, quân dụng và lương thực từ miền xuôi lên Tây Bắc để chuyển đến Điện Biên. Trong đó có một tuyến vận chuyển quân dụng và lương thực từ Yên Bái sang Lai Châu rồi đi lên Điện Biên. Khi ấy, tuyến đường qua địa bàn huyện Văn Bàn có chiều dài gần trăm cây số nối từ bến sông Bảo Hà - Tân An đi qua Tân Thượng vào Làng Giàng, Dương Quỳ, Minh Lương rồi lên Nậm Xé để vượt đèo Khau Co sang Than Uyên (Lai Châu).
Trong ký ức của những cựu dân công hỏa tuyến ở Văn Bàn, hình ảnh về đoàn người gánh, gùi và những đoàn ngựa thồ vận chuyển lương thực từ khu vực bến sông Bảo Hà - Tân An - Tân Thượng vượt núi, băng rừng vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn lên Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên.
Là một trong những nữ dân công hỏa tuyến đợt đầu tham gia vận chuyển lương thực từ Văn Bàn đi Than Uyên để đưa lên chiến trường Điện Biên Phủ, bà Lục Thị Phiến, nhà ở xã Khánh Yên Trung (Văn Bàn) hồi tưởng: Hồi đó, vừa tròn 18 tuổi, khi cán bộ xã đến vận động đăng ký đi dân công hỏa tuyến theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi hăng hái nhận lời tham gia ngay. Hôm sau, tôi cùng các chị em ở các thôn lên UBND xã khám sức khỏe sơ bộ và nhận tổ, nhận tuyến. Những ngày đầu vào đội dân công hỏa tuyến, tôi được phân công vận chuyển gạo từ điểm tập kết ở trung tâm Văn Bàn đi Dương Quỳ, Minh Lương và vượt đèo Khau Co sang Than Uyên (Lai Châu) để bàn giao cho bên tỉnh bạn. Mỗi lần vận chuyển, tôi nhận khoảng 30kg gạo cho vào hai sọt lót lá dong và gánh bằng đòn.
Để giữ bí mật, dân công sẽ chia thành từng tốp nhỏ 5 đến 7 người gánh gạo đi theo đường mòn xuyên rừng già. Nguy hiểm luôn rình rập, như thác ghềnh, thú rừng, nhất là máy bay Pháp luôn bay thấp và chĩa súng máy xuống, nếu thấy động phía dưới là chúng bắn như vãi đạn. Những ngày tháng đó rất khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần chiến thắng giặc Pháp như đã hứa với Bác Hồ, với Chính phủ, nên ai cũng quyết tâm dù có hy sinh cũng không lùi bước.
Chia tay bà Lục Thị Phiến, chúng tôi xuống thôn Bất 2, xã Võ Lao gặp bà Hoàng Thị Căn (89 tuổi), 1 trong 16 nữ dân công hỏa tuyến đang còn sinh sống ở địa phương này. Dù đã 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ký ức về một thời tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí đánh Pháp vẫn vẹn nguyên. Bà Căn kể: Đầu năm 1953, khi Đảng, Bác Hồ phát động Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả huyện Văn Bàn sục sôi khí thế hướng về Điện Biên, thanh niên trai tráng thì đi bộ đội, còn nữ giới thì đi dân công; riêng xã Võ Lao có hàng trăm chị em đăng ký tham gia làm dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí từ Văn Bàn sang Than Uyên (Lai Châu) để chuyển lên Điện Biên.
Khi ấy hầu hết chị em dân công hỏa tuyến chỉ mới 17 - 18 tuổi, vóc dáng nhỏ bé nhưng tinh thần đi phục vụ kháng chiến đánh giặc Pháp rất cao. Khi nhận nhiệm vụ, ai cũng gắng sức hoàn thành dù phải gánh gạo, mang vác vũ khí đi ngày, đi đêm, luồn rừng, lội suối, cái chết luôn cận kề nhưng ai cũng tự nhủ phải góp sức đánh bại giặc Pháp, giải phóng quê hương nên không ngại hy sinh. Trong xã tôi hiện vẫn còn 16 cụ bà nguyên là nữ dân công hỏa tuyến đang còn sống, thi thoảng chúng tôi vẫn gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt.
Theo những tư liệu lịch sử, khi Trung ương phát động Chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào tòng quân đi chiến đấu và đăng ký đi dân công hỏa tuyến của thanh niên các xã Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn khi đó thuộc huyện Văn Bàn luôn vượt chỉ tiêu trên giao. Các xã trên còn có sáng kiến tổ chức phát thẻ quân vụ cho thanh niên, tạo khí thế cho lớp trẻ tham gia dân quân, du kích và sẵn sàng tòng quân khi có lệnh lên đường. Vì thế, trong hai năm 1953 - 1954, huyện Văn Bàn đã huy động nhiều đợt, nhiều đội dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, với gần 1000 lượt người, hơn 30.213 ngày công; chuyển được hơn 120 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và vũ khí đạn dược.
70 năm đã trôi qua, tuyến đường vận chuyển lương thực, quân trang phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ của các nữ dân công hỏa tuyến ở Văn Bàn ngày ấy giờ đã được thay thế bằng Quốc lộ 279 rộng dài vươn lên Tây Bắc và mãi là "cột mốc vàng" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc nói chung và tấm lòng của Nhân dân các dân tộc Văn Bàn nói riêng, đối với đất nước nói chung.
Hiện nay, huyện Văn Bàn đang có 4 cụ ông là bộ đội Điện Biên và 32 cụ bà là dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống cuộc sống bình yên ở các thôn bản. Giờ đây, khi dấu thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, bởi các cụ dù đều đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần quả cảm, tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc của các cụ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn khẳng định, những đóng góp của Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn cùng quân và dân tỉnh Lào Cai không chỉ là công sức, của cải, còn là tấm lòng cao cả của đồng bào trong điều kiện đời sống còn khó khăn nhưng luôn hướng về mặt trận, thực hiện lời hiệu triệu “tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết thắng”. Tinh thần cách mạng và kinh nghiệm lãnh đạo, vận động quần chúng tiếp tục được phát huy trong suốt công cuộc xây dựng hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hôm nay.
Nội dung: Vũ Sơn
Trình bày: Khánh Ly