LCĐT - Cách đây hơn 5 năm, đi dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, không khó để thấy những bao tải, túi rác thải lớn vứt bừa bãi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Đề án số 10 của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, việc thu gom và xử lý rác thải trở thành một điểm sáng do hầu hết rác thải sinh hoạt được thu gom, tập kết để có phương án xử lý.
Tổ hợp tác về thu gom, vận chuyển rác thải thu gom rác tại xã Bản Lầu (Mường Khương).
Bản Hồ là xã vùng 3 của thị xã Sa Pa, có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Để tạo cảnh quan phục vụ du lịch, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý môi trường, cụ thể là đảm bảo vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực trung tâm xã. Xã Bản Hồ đã xây dựng ga chứa rác cách trung tâm xã 500 m và bãi chôn lấp rác tập trung cách trung tâm xã 7 km. Việc thu gom rác được thực hiện bởi 2 công nhân (có hợp đồng lao động), thu gom tại các tuyến đường chính với tần suất 1 lần/ngày, sau đó tập kết về ga chứa rác. Sau khoảng 3 - 4 ngày, khi lượng rác thải đủ lớn sẽ được vận chuyển đến bãi đổ thải chôn lấp để xử lý. Việc thu gom rác bắt đầu được triển khai từ năm 2018 và sau 2 năm thực hiện đã được người dân, các cơ quan, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng; lượng rác thải trên địa bàn xã được thu gom triệt để. Năm 2020, UBND xã tiếp tục nhân rộng mô hình thu gom, xử lý rác thải tại 2 thôn La Ve và Bản Dền.
Tương tự như xã Bản Hồ, xã Xuân Giao của huyện Bảo Thắng cũng thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt đối với các hộ dân dọc Quốc lộ 4E và Tỉnh lộ 151 theo hình thức hợp đồng thu gom với doanh nghiệp hoặc tổ tự quản về thu gom rác. Với mức thu 5.000 - 8.000 đồng/người/tháng (tùy khu vực), người dân tại tuyến đường được thu gom đều nhiệt tình hưởng ứng hoạt động này. Hằng ngày, rác thải được thu gom, đưa về 3 điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp sẽ vận chuyển về bãi xử lý, chôn lấp rác thải tập trung của huyện; các khu vực khác, người dân tự thu gom và xử lý theo hình thức chôn, đốt sau khi phân loại.
Ông Lương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giao cho biết: Dọc Quốc lộ 4E và Tỉnh lộ 151 có nhiều hộ kinh doanh, không có quỹ đất để xây dựng lò đốt rác hay hố rác gia đình nên việc ký hợp đồng thu gom rác đều được người dân đồng thuận. Từ khi thực hiện thu gom rác, môi trường dọc các tuyến đường thay đổi đáng kể, không còn trường hợp rác thải bị vứt bừa bãi dọc đường như trước đây. Việc thu gom rác thải sinh hoạt hiệu quả cũng góp phần quan trọng để xã Xuân Giao giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, mức rác thải tính trên đầu người đối với khu vực đô thị của Lào Cai là 0,9 kg/người/ngày và khu vực nông thôn phát sinh khoảng 0,47 kg/người/ngày. Với mức tính toán này, hơn 705 nghìn người dân Lào Cai sẽ phát sinh gần 400 tấn rác thải mỗi ngày, trong đó rác thải đô thị là gần 150 tấn, rác thải nông thôn gần 250 tấn.
Trước đây, việc thu gom rác thải sinh hoạt chỉ được tổ chức thực hiện tại các khu đô thị, rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu như không được thu gom, xử lý nên việc ô nhiễm môi trường tại nông thôn trở thành vấn đề nan giải. Hiện nay, tại khu vực nông thôn, việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu được thực hiện thông qua các mô hình như xã hội hóa, thu gom và xử lý theo cụm liên xã và xử lý rác thải tại chỗ. Mô hình xã hội hóa được áp dụng cho một số khu vực cụm xã, dân cư tập trung, trung tâm các xã với hình thức UBND xã tổ chức họp dân và thống nhất phương án đóng góp, mức phí khoảng 5.000 - 8.000 đồng/người/tháng để chi trả cho hoạt động thu gom rác thải và một phần kinh phí do xã hỗ trợ. Việc thu gom và vận chuyển rác thải do tổ tự quản thực hiện. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 20 xã thuộc 7 huyện, thị xã đang triển khai mô hình xã hội hóa với 69 tổ tự quản để thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải. Mô hình cụm liên xã hiện được triển khai tại thị xã Sa Pa, UBND thị xã Sa Pa cấp kinh phí cho các xã bố trí nhân lực thu gom, vận chuyển rác thải về khu vực bãi chôn lấp. Còn lại, hầu hết khu vực có địa hình phức tạp, trình độ dân trí cũng như điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, dân cư không tập trung thì rác thải đều được xử lý tại chỗ với hình thức tự xử lý tại hộ dân hoặc theo các nhóm hộ bằng biện pháp thủ công (như chôn, đốt).
Hiệu quả của việc thu gom rác thải nông thôn không chỉ dễ dàng nhận thấy thông qua quan sát trực quan mà còn thể hiện rõ trong những con số “biết nói”. Theo báo cáo tổng kết đề án, các xã tại các huyện, thị xã, thành phố được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đến nay tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt 19,5%, đến năm 2017 đạt 60%, năm 2018 đạt 75%, năm 2019 đạt 79% và năm 2020 phấn đấu đạt 81%.
Chất lượng môi trường nông thôn về cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành bám sát tiêu chí 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm) trong xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng và công tác bảo vệ môi trường. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 56/127 xã đạt tiêu chí môi trường, bằng 148% mục tiêu đề án.
Có thể nói, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đã mang lại thay đổi tích cực đối với diện mạo môi trường nông thôn, nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có những chuyển biến rõ rệt.