LCĐT - Một ngày chớm hạ, trời đổ mưa, nhưng vì có hẹn trước nên chúng tôi vẫn quyết tâm xách máy ảnh và lên đường. Điểm chúng tôi đặt chân đến là thôn Bản Ngoang - bản duy nhất của tỉnh Lào Cai có 100% người Thái đen sinh sống. Thôn Bản Ngoang nằm lưng chừng núi thuộc địa bàn xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn). Mùa này, những tràn ruộng bậc thang lúa đã xanh ngát, tạo nên bức tranh vùng cao thật cuốn hút, bởi ít ai nghĩ rằng ở chốn tít hút, xa trung tâm ấy lại có phong cảnh say đắm lòng người đến vậy... Chả thế mà, ngang đường vào bản, nhiều người dừng lại chụp cho bằng được những khoảnh khắc thiên nhiên kỳ diệu.
Bản “con ve sầu rừng”. |
Anh Triệu Văn Đường, cán bộ văn hóa xã Thẳm Dương, người dân tộc Cao Lan gắn bó lâu với mảnh đất này nên quen thông thổ và hiểu cả ngôn ngữ của người Thái đen đã dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu khá rành mạch về văn hóa, bản sắc cũng như tập quán sinh hoạt của người Thái đen ở thôn Bản Ngoang. Nhiệt tình dẫn chúng tôi lên thăm Bản Ngoang, anh Triệu Văn Đường bảo: Đây là thôn có 100% đồng bào Thái đen sinh sống, gần như bà con trong thôn vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc mình. Xã và huyện đang nỗ lực giúp người dân nơi đây bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của bản người Thái này; cùng với một số điểm sinh thái như hang Thẳm Hiêm, thôn Pa Hát, sẽ kết nối thành tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác những giá trị, di sản văn hóa để phát triển du lịch.
Thôn Bản Ngoang có 75 hộ người Thái đen sinh sống; cùng với nhiều hộ người Thái đen sống rải rác ở một số thôn, bản khác trên địa bàn tỉnh đã góp thêm sự đa sắc màu văn hóa cho cộng đồng các dân tộc Lào Cai. Rót chén trà nóng mời khách, ông La Văn Nình, Trưởng thôn Bản Ngoang cắt nghĩa: Bản Ngoang, tiếng Thái có nghĩa là “con ve sầu rừng”. Nghe các cụ già trong bản kể lại rằng, trước đây khu rừng ở thôn Bản Ngoang có rất nhiều loài côn trùng, trong đó có loài ve sầu rừng kêu ra rả suốt ngày, nên người Thái đen đặt tên bản theo âm thanh tiếng kêu của con ve sầu rừng. Rồi ông Nình còn bảo: Lên thôn Bản Ngoang vào mùa hè, sẽ nghe thấy cả bản râm ran tiếng ve sầu rừng kêu…
Nhắc đến thôn Bản Ngoang, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến vị dẻo thơm của hạt gạo “khẩu tan đón” nức tiếng cả vùng đất Thẳm Dương. Vẫn còn nhiều giai thoại và sự tích về đệ nhất nếp Thẳm Dương nên vùng này trở thành vùng trồng lúa nếp trứ danh. Nếp Thẳm Dương được ví như quà quý trời ban cho người Thái Bản Ngoang, là báu vật đem no ấm về cho bản làng vùng người Thái.
Người Thái đen ở thôn Bản Ngoang có tập quán mổ lợn tết rồi sấy thịt trên gác bếp, quây vào sọt rơm để ăn quanh năm, còn phần xương băm nhỏ muối trong chum sành hong ở góc bếp cũng để chế biến dần trong các bữa ăn hằng ngày… Có lẽ, cũng bởi cuộc sống ở vùng cao còn nhiều khó khăn nên bà con vẫn tích trữ lương thực, thực phẩm kiểu như vậy. Trong cái khó lại có nhiều ý tưởng hay, những món ăn độc đáo đó giờ đây đang trở thành bản sắc, làm nên sức hấp dẫn của vùng người Thái ở Văn Bàn.
Vừa xong ấm trà, cũng là lúc một số thành viên trong đội văn nghệ của thôn Bản Ngoang có mặt, mặc dù không đủ cả đội vì nhiều chị em phải lên nương làm mùa nhưng vẫn rộn vui cả nếp nhà sàn của Trưởng thôn La Văn Nình. Bên bếp lửa của đồng bào Thái, chị La Thị Kim, hạt nhân văn nghệ của đội rất tự nhiên cất cao giọng hát một bài về tình yêu “Hạn khuống” ngọt ngào, da diết mời gọi. Tiếng hát của cô gái Thái làm chúng tôi như lắng lại bởi giai điệu lúc trầm bổng, lúc mê say, lúc lại trầm mặc nhưng rất đỗi thân thương… Tìm hiểu trong văn hóa của dân tộc Thái, thì “Hạn khuống” có nghĩa là sàn tre làm ngoài sân, nơi người con gái Thái thêu thùa, người con trai ngồi đan lát.
Chị Hà Thị Quỳ, thành viên đội văn nghệ chỉ ra “Hạn khuống” phía ngoài cửa bếp nhà mình và tươi cười nói với chúng tôi: Cái sàn nứa ấy là “Hạn khuống” đấy! Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đồng bào người Thái. Theo phong tục của người Thái, tất cả mọi hoạt động văn hóa, sinh hoạt thường ngày đều diễn ra trên “Hạn khuống”. Ở mỗi nhà, những chàng trai, cô gái hát giao duyên, đối đáp, trao nhau những câu ca mang ý nghĩa tỏ tình.
Vừa nghe các chị hát, chúng tôi còn được Trưởng thôn La Văn Nình kể lại giai thoại của các cụ ngày xưa. Ấy là, nếu muốn hát hay dân ca của người Thái, mọi người trong bản thường bảo nhau lên rừng bắt con “tu ngoang” về ngâm rượu để uống. Bất cứ ai khi đã uống rượu ngâm con ve sầu rừng rồi thì đều hát hay cả. Giờ thì không còn ai làm thế nữa nhưng vẫn duy trì hát những bài dân ca truyền thống và truyền lại qua các thế hệ. Với La Thị Kim, dường như cô lớn lên ở bản, nghe tiếng hát của bà, của mẹ, trong dòng máu đã thấm đẫm dân ca Thái nên lời ca tiếng hát cứ thế mà cất lên theo các cung bậc cảm xúc, lúc buồn vui, giận hờn, lúc yêu thương, lúc lại xao xuyến… “Hữu xạ tự nhiên hương”, từ thuở thiếu nữ, La Thị Kim đã biết hát và hát rất hay nữa, cũng có thể chất giọng mượt mà của Kim là do trời phú. Điệu hát cứ thế lớn lên đi qua thời thiếu nữ rồi theo chân cô gái Thái về nhà chồng, làm vợ, làm mẹ. Với La Thị Kim cũng như với rất nhiều phụ nữ ở Bản Ngoang cũng vậy, “hạnh phúc nhất là được hát cho mọi người nghe những giai điệu, lời ca của dân tộc mình”.
Phụ nữ Thái ở Bản Ngoang học cách thêu khăn Piêu. |
Câu lạc bộ hát dân ca Thái của thôn Bản Ngoang đã từng đi biểu diễn ở nhiều nơi, đã từng đoạt giải khi tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Thái khu vực Tây Bắc tại Lai Châu. Hễ ở xã, huyện có hội diễn hoặc lễ kỷ niệm nào, các thành viên trong Câu lạc bộ lại say sưa luyện tập những giai điệu của dân tộc mình, để có dịp “khoe” với mọi người... Không chỉ hát dân ca và múa những điệu múa truyền thống (múa khăn, múa sạp), người Thái ở Bản Ngoang còn giỏi chơi nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn tính tẩu, nhị và bộ gõ (chiêng, trống…). Không chỉ làm nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng”, Trưởng thôn La Văn Nình còn là nghệ nhân tham gia tích cực trong đội văn nghệ của bản bởi có tài chơi các nhạc cụ truyền thống. Trưởng thôn Nình bảo: Để chơi “tính tẩu” hay, người Thái phải tự tay gieo trồng bầu lấy quả và tự chế tác ra đàn. Mà quả bầu khô để làm “tính tẩu” không phải là quả vụ đầu mà phải lựa quả đã trồng và để giống từ vụ trước ở trên đất của bản người Thái, tiếng “tính tẩu” mới hay được…
Mải miên man trong bài “Hạn khuống” với những câu chuyện về văn hóa còn nhiều điều chưa kể hết thì trời đã về chiều. Chúng tôi đành gác lại câu chuyện, tạm chia tay Bản Ngoang, hẹn ngày trở lại vào đêm hội “Hạn khuống” của bản vào mùa lúa nếp “khẩu tan đón” chín vàng. Chưa sang tháng Năm, nên chúng tôi không được nghe tiếng ve sầu kêu, nhưng bù lại được nghe những lời dân ca Thái dìu dặt, bổng trầm, được biết thêm nhiều điều về văn hóa, về cuộc sống của một bản người Thái bên dòng ngòi Chăn thơ mộng.