Với mỗi người con đất Việt, vào những ngày tháng Tư lịch sử, thời khắc huy hoàng khi chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập không thể nào quên. Đó là thành quả của 21 năm trường kỳ kháng chiến với rất nhiều mất mát, đau thương, máu xương cùng tuổi xuân của các thế hệ cha anh đã đổ xuống cho Tổ quốc Việt Nam nối liền một dải.
Song có một nhiệm vụ cũng hết sức cam go sau giải phóng, là thiết lập chế độ quân quản, giữ vững an ninh trật tự và ổn định chính quyền cách mạng. Với những người được giao trọng trách đó, cuộc đấu trí lúc này mới thực sự bắt đầu.
47 năm đã trôi qua, nhưng trong ông, vị tướng già một đời xông pha trận mạc, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, những ngày làm nhiệm vụ ở Dinh Độc Lập vẫn vẹn nguyên trong ký ức.
Từ chiến thắng Phước Long đến Sài Gòn điểm hẹn
Giới thiệu về bức ảnh được gia đình Thiếu tướng Hoàng Cầm gửi tặng sau nhiều năm đất nước hòa bình, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, thường trú tại phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 đã đưa chúng tôi trở về những ngày sục sôi quyết tâm của cả dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. “Đây là tấm ảnh được chụp trong lễ đón nhận Cờ thi đua Quyết chiến Quyết thắng có hình ảnh Bác Hồ do Bộ Tổng tư lệnh trao tặng Quân đoàn 4 vào ngày 12-12-1974. Chiến công đầu của quân đoàn kể từ ngày thành lập trong Chiến thắng Phước Long là một cơ sở để Bộ Chỉ huy Miền hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lúc đó tôi là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, cùng với đồng chí Bùi Văn Vũ, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4, đồng chí Lê Văn Dũng (Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, sau này là Đại tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) đại diện quân đoàn đón nhận phần thưởng cao quý. Tôi với đồng chí Lê Văn Dũng là hai chính ủy trẻ nhất có được niềm vinh dự đó”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh giới thiệu về bức ảnh đón nhận Cờ thi đua Quyết chiến quyết thắng của Bộ Tổng tư lệnh Miền năm 1974. |
Trong hồi ức của vị tướng già từng cận kề “lằn ranh sinh tử”, điều nuối tiếc nhất ở trận đánh lớn cuối cùng là đơn vị được trao vinh dự nhận lá cờ từ chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm để vào cắm trên nóc Dinh Độc Lập, vì đơn vị từng chiến thắng và cắm cờ trên tòa tỉnh trưởng Phước Long trong trận giải phóng Đường 14 - Phước Long vào ngày 6-1-1975, nhưng nhiệm vụ đã không thể thực hiện. Nguyên nhân, đêm 29, rạng sáng 30-4, trên đường tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến cầu Suối Máu, Biên Hòa thì đơn vị gặp địch đánh chặn, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trong suốt đêm 29-4. Vào đến cầu Mới (cầu Hóa An hiện nay) bị đánh sập 2 nhịp, đơn vị buộc phải quay ra Quốc lộ 1 tiến quân về phía ngã ba Vũng Tàu; tiếp đó được lệnh phối hợp cùng các đơn vị bạn mở toang “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, cho các cánh quân tiến về Sài Gòn, nên đã chậm bước tiến, không thể thực hiện được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.
Chiến thắng “Viên đạn bọc đường”
Sau khi tiến về Sài Gòn, Sư đoàn 7 là 1 trong 3 sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 tham gia làm nhiệm vụ quân quản, Trung đoàn 141 của ông được giao quản lý các địa bàn quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức (nay là Thành phố Thủ Đức).
Sau hơn 4 tháng làm nhiệm vụ, với người Chính ủy trung đoàn lừng danh một thời, đó là khoảng thời gian đầy thử thách khi liên tục diễn ra các cuộc đấu trí căng thẳng.
Ông kể: "Ngày đó ông Dương Văn Minh có đề xuất được tiếp xúc với Trung đoàn 141 tại Dinh Độc Lập. Bộ tư lệnh quân đoàn đồng ý, nhưng phải lựa chọn những đồng chí có kiến thức, hiểu biết rộng.
Trong buổi gặp, ông Dương Văn Minh có hỏi: "Thưa các ông, thấy Dinh Độc Lập có đẹp không?".
Lúc này đồng chí Đại, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2 (thanh niên du học ở Thái Lan về nước năm 1960) trả lời hết sức bất ngờ rằng: "Dinh Độc Lập của các ông nhìn bên ngoài rất đẹp, nhưng bên trong thối rữa…". Câu trả lời khiến cho Dương Văn Minh tối sầm mặt lại.
Tiếp đó bên kia lại cử một ông bộ trưởng hỏi đồng chí Hanh, Thượng sĩ, Chính trị viên phó Đại đội 7 rằng: "Thưa ông, Quân giải phóng của ông là cấp gì mà trình độ chính trị hơn đại tá của chúng tôi?".
Đồng chí Hanh đáp rằng: "Ông nói đúng, chúng tôi là chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu có mục đích, có lý tưởng, còn đại tá của các ông chiến đấu không vì mục đích thì làm sao chính trị bằng chúng tôi được".
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh giản dị giữa đời thường. |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, những tuyên truyền không đúng sự thật của chế độ cũ về cộng sản là trở ngại rất lớn để ta tiếp xúc với nhân dân Sài Gòn khi đó. Cùng với đó, sau giải phóng, tình hình an ninh trật tự, cướp bóc tài sản của các băng đảng, tàn dư diễn ra thường xuyên. Những cám dỗ về vật chất xa hoa dễ làm con người thay đổi, sa ngã, điều đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ quân quản rất nghiêm khắc, tạo được hình ảnh tốt đẹp về bộ đội giải phóng, bản chất nhân văn của chính quyền cách mạng trong lòng nhân dân.
“Vào thành vững như thành, các đồng chí đã chiến thắng được gian khổ, súng đạn chiến trường rồi, thì không được lung lay ý chí, phải chiến thắng được viên đạn bọc đường”. Câu nói và cũng là mệnh lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà hát Lớn Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng luôn được thế hệ các ông khắc cốt ghi tâm.
Và cũng chính điều đó đã giúp ông vượt qua mọi thử thách trong suốt cuộc đời binh nghiệp, đi lên từ người chiến sĩ đến khi trở thành một vị tướng… Giờ đây, bước sang tuổi 84, mái đầu đã bạc trắng, đôi chân đã mỏi, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng ông vẫn đau đáu món nợ ân tình. “Còn sống ngày nào, còn phải tiếp tục đi tìm kiếm anh em đang nằm lại ở những chiến trường xưa đưa họ trở về với gia đình”, vị tướng già xúc động.