LCĐT - Ở 2 bài viết trước, chúng tôi đã tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân của các hủ tục đang “trói chặt” cuộc đời phụ nữ Hà Nhì và những hệ lụy. “Cởi trói” cho họ khỏi những hủ tục và sự bất bình đẳng giới đang cần được các cấp, các ngành quan tâm và có giải pháp để thực hiện.
>> Bài 1: Những nàng dâu ăn cơm đứng
>> Bài 2: Ðỏ mắt chờ mẹ về
Còn nhiều khó khăn
Khi được hỏi phải làm thế nào để xóa bỏ những hủ tục đang đè nặng cuộc đời phụ nữ Hà Nhì? Ông Lý Giá Xe, 54 tuổi - người đã hơn 20 năm làm trưởng thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường bảo: “Xóa bỏ các tập tục lạc hậu, để phụ nữ Hà Nhì bớt khổ là điều cần thiết, nhưng ở thôn Hà Nhì này, nhiều hủ tục tồn tại lâu đời, đã ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của bà con, muốn xóa bỏ ngay khó lắm. Ngay trong gia đình tôi, nhiều lần tôi bảo cả nhà ngồi ăn cơm cùng mâm cho vui, nhưng vợ và con dâu vẫn không dám làm theo. Năm nay, thôn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, rồi mỗi gia đình sẽ tổ chức một bữa cơm mời tất cả anh em, họ hàng đến nhà ăn, ngồi cùng mâm với nhau, không phân biệt già trẻ, nam, nữ, vai vế trong dòng họ. Làm như thế, dần dần bà con mới hiểu, mới bỏ được tập tục lạc hậu, con dâu Hà Nhì sẽ không phải ăn cơm đứng nữa”.
![]() |
Phụ nữ Hà Nhì cần được giải thoát khỏi các hủ tục, để có cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng với nam giới. |
Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: “Xã xác định “chìa khóa” để cải tạo tập quán lạc hậu là cần đẩy mạnh tuyên truyền, trước tiên tập trung vào người Hà Nhì cao tuổi, người có uy tín ở các thôn, giúp họ hiểu và thay đổi quan niệm, từ đó vận động nhân dân dần dần xóa bỏ hình thức phạt vạ “sà già ừ i”, bỏ tư tưởng phải có con trai nối dõi, không sinh con thứ ba, đồng thời chống bạo lực gia đình, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương…”. Đề ra nhiều giải pháp nhưng ông Có cũng cho rằng, đây là vấn đề không phải “một sớm, một chiều” có thể thực hiện được. Bạt một đỉnh núi đá không một năm thì hai năm, ba năm, chỉ cần sức người, phương tiện là làm được, còn để thay đổi suy nghĩ của một thế hệ phải mất rất nhiều thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Học chữ để thoát nghèo, vượt qua hủ tục
Khi đến các thôn, bản Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát, chúng tôi đều thấy thực trạng là đa số phụ nữ Hà Nhì từ 30 tuổi trở lên không biết nói tiếng phổ thông, không biết chữ, vậy nhưng, tại trụ sở UBND xã Trịnh Tường, chúng tôi lại được nghe câu chuyện rất thú vị. Cách đây vài năm, trong xã có một công an viên - Bí thư chi bộ trẻ người Hà Nhì đã tình nguyện lên thôn Lao Chải mở lớp học, rồi đến từng nhà vận động các bà, các cô, các chị người Hà Nhì đi học chữ. Nhờ sự kiên trì vận động của anh, thôn có 24 học viên theo học, trong đó 21 học viên nữ. Tận tâm dạy học cho bà con trong suốt 3 tháng hè, chàng thanh niên đã giúp nhiều phụ nữ Hà Nhì biết nói tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết và làm các phép tính đơn giản…Người làm được “kỳ tích” đó, không ai khác chính là anh Sần Thó Suy, Phó Chủ tịch UBND xã hiện nay.
![]() |
Một số phụ nữ Hà Nhì đã chủ động học hỏi, nâng cao kiến thức. |
Gặp chúng tôi, anh Sần Thó Suy chia sẻ: “So với trước đây, phụ nữ Hà Nhì đã đỡ khổ hơn nhiều, nhưng nhìn ra xã hội thì họ vẫn vất vả lắm. Con đường ngắn nhất nhưng lại có tác dụng lâu dài giúp người Hà Nhì nói chung, phụ nữ Hà Nhì nói riêng thoát khỏi hủ tục, có cuộc sống ấm no chính là học tập. Vì thế, dù khó khăn đến mấy, tôi cũng phải vận động thêm nhiều học sinh nữ người Hà Nhì học hết THCS, học lên THPT, rồi đi học nghề, học cao đẳng, đại học để có hiểu biết sâu rộng, mở mang tư duy, về giúp đồng bào mình xây dựng nếp sống mới”.
Hủ tục tồn tại một phần do đời sống đồng bào Hà Nhì còn quá nghèo khó. Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nậm Pung cho rằng, để công tác cải tạo hủ tục trong dân tộc Hà Nhì có hiệu quả, cùng với khuyến học, khuyến tài, địa phương cần tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất cũ, xây dựng nông thôn mới...để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Khi đồng bào Hà Nhì có đời sống ấm no hơn, sẽ tiếp cận được với sự tiến bộ và dần xóa bỏ hủ tục.
Đánh giá về vấn đề này, bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cũng khẳng định: “Trong thời gian tới, huyện Bát Xát sẽ xây dựng kế hoạch tập trung cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu đối với đồng bào dân tộc Hà Nhì. Trước hết, huyện chỉ đạo các xã rà soát lại các hủ tục cần phải xóa bỏ, đặc biệt là với phụ nữ Hà Nhì, tiếp đó, tổ chức các hội nghị bàn giải pháp cụ thể, chọn một thôn tiêu biểu thực hiện điểm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các thôn, bản Hà Nhì khác trên toàn huyện”. Bà Mai cũng cho biết, huyện sẽ sớm rà soát lại những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do mẹ bỏ đi khỏi địa phương để hỗ trợ, giúp các em có cuộc sống tốt hơn.
Phụ nữ Hà Nhì hãy tự “cởi trói” cho mình!
Giữa bao hủ tục vây kín, đa số phụ nữ Hà Nhì vẫn sống cam chịu, một số người càng tự giải thoát càng rơi vào bế tắc, để lại nhiều hệ lụy, nhưng cũng có những người đã tìm cho mình con đường đúng đắn để vượt qua hủ tục, họ trở thành những “cánh chim đầu đàn” mở hướng cho những phụ nữ cùng dân tộc thoát khỏi sự lạc hậu. Người đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là chị Cao Xe Mẩy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Pung. Với rất nhiều cố gắng, nỗ lực, cô gái Cao Xe Mẩy đã bước qua hủ tục, theo đuổi con đường học tập, trở thành sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, rồi trở về Nậm Pung công tác với khát khao đem trí tuệ và sức trẻ xây dựng quê hương. Là người Hà Nhì đầu tiên ở Nậm Pung có bằng đại học, chị Mẩy chia sẻ: “Ngày còn học phổ thông, tôi đã luôn tự nhủ mình phải thật cố gắng học tốt để sau này có cuộc sống tốt hơn. Ước mơ lớn nhất của tôi là có một công việc ổn định, một người chồng biết quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống. Bây giờ, tâm nguyện của tôi là giúp những phụ nữ Hà Nhì ở quê hương mình sớm thoát khỏi số phận tù túng, cực khổ. Trong các cuộc họp, tôi luôn vận động chị em hãy mạnh dạn thay đổi nếp sống cũ, bỏ những suy nghĩ tiêu cực, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các hủ tục thì mới có cuộc sống tốt đẹp”.

Một phụ nữ Hà Nhì nữa đã dũng cảm vượt qua hủ tục là cô giáo Trang Thó Phe. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, chị Phe được phân công công tác tại Trường THCS và THPT Bát Xát. Mặc dù lấy chồng là người Hà Nhì, nhưng khi về nhà chồng ở thôn Lao Chải 3, xã Y Tý, chị Phe đã dám làm một việc mà chưa phụ nữ Hà Nhì nào ở Y Tý dám làm, đó là ngồi ghế ăn cơm cùng mâm với bố chồng. Cô giáo Trang Thó Phe tâm sự: “Lúc đầu, bố chồng tôi cũng không vừa lòng, nhưng tôi và chồng kiên trì thuyết phục, bản thân tôi cũng luôn quan tâm chăm sóc bố chồng những lúc ông ốm đau, dần dần ông đã thay đổi suy nghĩ, không phản đối việc con dâu ngồi ăn cơm cùng mâm nữa. Tôi nghĩ rằng, để xóa bỏ những tập tục lạc hậu, thì mỗi phụ nữ Hà Nhì cần thay đổi suy nghĩ cũ, ngoài ra, cần tác động vào những người đàn ông trong gia đình để họ hiểu và đồng tình”. Giờ đây, công tác ở trường học có 20 học sinh dân tộc Hà Nhì theo học, cô giáo Phe luôn quan tâm, phân tích cho học sinh Hà Nhì hiểu thế hệ trẻ cần phải tiên phong xóa bỏ các hủ tục để có cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn.
Trước khi khép lại loạt bài này, chúng tôi muốn nói rằng, đây chưa phải là hồi kết của câu chuyện về cuộc đời, thân phận những phụ nữ Hà Nhì, cũng như khát vọng được giải thoát khỏi những hủ tục của họ. Để “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương có đồng bào Hà Nhì sinh sống. Chia tay những thôn, bản Hà Nhì, hình ảnh những phụ nữ đã dũng cảm vượt qua hủ tục như Cao Xe Mẩy, Trang Thó Phe... cho chúng tôi niềm tin rằng, họ sẽ là tấm gương sáng giúp những “a nhí”, những “giàng mi già” trên quê hương mình sớm thoát khỏi “sợi dây trói” vô hình của hủ tục, xóa tan “mây đen” lạc hậu để tìm thấy ánh sáng mặt trời.
Chúng tôi sẽ còn trở lại với đề tài này để phản ánh những đổi thay của phụ nữ Hà Nhì trên hành trình thay đổi số phận để có cuộc sống bình đẳng và hạnh phúc hơn.