Theo kết quả bầu cử, ông Macron sẽ là người tiếp tục “chèo lái” nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Tuy nhiên, bước vào nhiệm kỳ hai, chính quyền của Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm đưa nước Pháp “tiến bước” và khẳng định vị thế của Pháp tại châu Âu.
Dư luận về chiến thắng của ông Macron
Cuộc mít-tinh mừng chiến thắng của những người ủng hộ ông Emmanuel Macron được tổ chức tại quảng trường Champs de Mars dưới chân tháp Eiffel từ khoảng 18h chiều ngày 24/4. Khi đó, hàng ngàn người đã tập trung về khu vực chân tháp Eiffel chờ đợi thời điểm công bố kết quả vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào 20h cùng ngày. Khoảng 20.000 người đã cùng chứng kiến giây phút tên ông Macron xuất hiện trên màn hình với tỷ lệ phiếu bầu 58%.
Ông Macron sẽ là người tiếp tục “chèo lái” nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Ảnh: BBC |
Khoảng hơn 1 giờ sau khi có kết quả chính thức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân là bà Brigitte Macron cũng đã xuất hiện tại quảng trường Champs de Mars. Ông Macron và phu nhân đi cùng khoảng 20 trẻ em trong độ tuổi học sinh và tiến vào khu vực lễ đài dưới nền nhạc của bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Beethoven, bản Ode to Joy - “Hành khúc niềm vui”.
“Tôi muốn cảm ơn toàn bộ những người dân Pháp đã tin tưởng vào tôi ở vòng 1 và vòng 2 cuộc bầu cử, để các dự án tương lai của chúng ta được thực thi, để nước Pháp độc lập hơn, để châu Âu hùng mạnh hơn. Tôi cũng biết rõ rằng một lượng lớn người dân Pháp ngày hôm nay bỏ phiếu cho tôi không phải là vì ủng hộ các ý tưởng của tôi mà là để ngăn chặn các tư tưởng cực hữu. Tôi cảm ơn họ và muốn nói với họ rằng, tôi ý thức được rằng mình phải có nghĩa vụ với những lá phiếu đó trong những năm tới”, Tổng thống Macron nói.
Có thể nói, từ việc lựa chọn địa điểm mít-tinh mừng chiến thắng, việc bước vào lễ đài cùng giới trẻ cũng như việc chọn bản nhạc nổi tiếng làm nền… tất cả đều được ông Emmanuel Macron chuẩn bị rất kỹ, để qua đó truyền đi những thông điệp chính trị mạnh mẽ.
Tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp, bản Ode to Joy vốn được coi là bản nhạc không chính thức đại diện cho Liên minh châu Âu. Bằng cách sử dụng 2 biểu tượng đó và song hành cùng các em học sinh đủ màu da, ông Macron gửi đi thông điệp mang tính biểu tượng rất cao rằng chiến thắng của ông là chiến thắng của nước Pháp, chiến thắng của châu Âu, là chiến thắng của một dự án chính trị hướng đến tương lai, với trụ cột là những người trẻ.
Thực tế, nghệ thuật truyền thông chính trị là một trong những điểm rất mạnh của ông Macron. Năm 2017, khi mít-tinh mừng chiến thắng, ông Macron cũng đã lựa chọn quảng trường bảo tàng Louvre, với phông nền phía sau là Kim tự tháp ngược nổi tiếng. Trong rất nhiều cuộc tiếp tân với nguyên thủ các nước lớn, ông Macron cũng sử dụng nhiều các biểu tượng văn hoá lịch sử của Pháp, như tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2017 tại Cung điện Versailles, chiêu đãi Tổng thống Mỹ Donald Trump tại nhà hàng ở tầng 2 tháp Eiffel và mới nhất là cuộc họp thượng đỉnh EU ngay khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, cũng được tổ chức trong Cung điện Versailles. Chiến lược truyền thông chính trị này rõ ràng là đã có hiệu quả tốt.
Yếu tố then chốt đem lại chiến thắng cho ông Macron
Yếu tố đầu tiên mang lại chiến thắng cho ông Macron tất nhiên vẫn là do chính năng lực của ông. Dù chiến thắng lần này sẽ còn bị soi xét rất kỹ và cũng có những yếu tố đáng báo động đối với ông Macron.
Tuy nhiên, có một sự thật, đó là trong lịch sử nền Cộng hoà thứ 5 nước Pháp, trải qua 8 đời Tổng thống, ông Macron mới là Tổng thống Pháp thứ 3 tái cử nhiệm kỳ 2, sau các ông Francois Mitterand (từ 1981 đến 1995) và Jacques Chirac (từ 1995 đến 2007) nhưng lại là vị Tổng thống đầu tiên tái cử mà không trong tình trạng phải “chung sống chính trị”, tức không cần có một điểm tựa chính sách từ một Thủ tướng đến từ một đảng đối lập, như trường hợp của ông Mitterand năm 1995 khi đó Thủ tướng là ông Jacques Chirac của cánh hữu rồi ông Jacques Chirac năm 2002 với Thủ tướng khi đó là ông Lionel Jospin của đảng Xã hội.
Chi tiết này cho thấy dự án chính trị mà ông Emmanuel Macron khởi xướng từ 5 năm trước vẫn thuyết phục được một lượng lớn cử tri Pháp. Nhiều người Pháp vẫn tin tưởng vào đường lối trung hữu của ông Macron, tin vào các kế hoạch cải tổ tham vọng và tin vào năng lực cá nhân của ông Macron.
Yếu tố năng lực cá nhân có lẽ đặc biệt quan trọng trong cuộc bầu cử này. Sau vòng 1 cuộc bầu cử hôm 10/4, khoảng cách giữa ông Macron và bà Marine Le Pen có thời điểm bị rút ngắn xuống chỉ còn 4 điểm và động lực thăng tiến của bà Le Pen rất mạnh. Tuy nhiên, ông Macron đã thực hiện một chiến dịch vận động rất hiệu quả tại vòng 2, với các chiến lược tranh cử có trọng điểm rất tốt nhằm vào lượng cử tri của ông Jean-Luc Mélenchon, nhằm vào những cử tri trẻ vốn có xu hướng hoạt động mạnh trong lĩnh vực sinh thái.
Điều đặc biệt quan trọng là màn thể hiện của ông Macron trong cuộc tranh luận với bà Marine Le Pen tối 20/4. Ông Macron đã áp đảo cuộc tranh luận đó và đẩy bà Le Pen vào thế phải phòng thủ một cách bị động trước các chủ đề mà đúng ra bà Le Pen phải có ưu thế như sức mua hay hưu trí. Sau cuộc tranh luận đó, hầu hết những người quan sát trung lập đều nhận định rằng ông Macron vẫn có một tư chất lãnh đạo và phẩm chất cá nhân xuất sắc hơn bà Le Pen, có khả năng hoạch định và bảo vệ những chính sách rõ ràng hơn. Đó là cột mốc có thể coi là đã đánh dấu chấm hết cho tham vọng lật ngược tình thế của bà Le Pen dù bà cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều so với năm 2017.
Nguyên nhân lớn thứ hai giúp ông Macron chiến thắng, chính là một đặc điểm khác của nền chính trị Pháp, đó là “rào cản cộng hoà”, tức những nhóm cử tri kiên quyết bỏ phiếu chống bà Le Pen để ngăn một lãnh đạo cực hữu lên làm Tổng thống Pháp. “Rào cản cộng hoà” này ra đời từ năm 2002 để ngăn chính cha bà Marine Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen và trong suốt 20 năm qua, vẫn là “lời nguyền” mà có lẽ lãnh đạo đảng cực hữu không thể vượt qua được.
Trong cuộc bầu cử năm nay, dù rào cản này đã suy yếu đi rất nhiều do bản thân thành tích lãnh đạo 5 năm qua của ông Macron cũng gây ra nhiều tranh cãi nhưng rào cản này vẫn đóng góp rất lớn trong việc giúp ông Macron giữ vững ưu thế trước bà Le Pen.
Liên minh châu Âu “thở phào”
Tổng thống Emmanuel Macron có lẽ là một trong những Tổng thống Pháp mang quan điểm thân châu Âu nhất từ trước đến nay. Trong cơ cấu quyền lực nước Pháp, Tổng thống là người phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng và từ khi lên nắm quyền, ông Macron đã thúc đẩy những dự án cải tổ cực kỳ tham vọng mang tính cấu trúc đối với Liên minh châu Âu, trong đó nổi bật nhất là chiến lược xây dựng sự tự chủ về an ninh và đối ngoại cho EU, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và EU.
Nước Pháp dưới thời ông Macron cũng là cường quốc châu Âu đầu tiên xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tạo nền tảng để châu Âu xây dựng chiến lược riêng của khối này đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cùng với cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, ông Macron là người vận động mạnh mẽ cho ý tưởng biến châu Âu thành một cường quốc địa chính trị chứ không chỉ là cường quốc thương mại.
Ông Macron cho rằng trong thời đại mới với sự cạnh tranh cường quốc khốc liệt giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga, không một nước châu Âu riêng lẻ nào có thể là đối thủ của các cường quốc này, vì thế EU cần phải là một khối thống nhất thì mới có thể bảo vệ được các lợi ích tốt nhất của mình. Nhìn chung, ông Macron coi lợi ích mỗi quốc gia thành viên gắn chặt với lợi ích của EU và phải tìm mọi cách để xây dựng EU lớn mạnh.
Ông Macron cũng coi quan hệ Pháp-Đức là trụ cột để bảo vệ EU. Do đó, đối với châu Âu, ông Emmanuel Macron là lựa chọn “hoàn hảo”. Đặc biệt, sau khi bà Angela Merkel rời bỏ chính trường, ông Macron có thể được coi là lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất tại châu Âu hiện nay. Điều này cũng đã phần nào thể hiện trong các nỗ lực ngoại giao mà ông Macron thực thi quanh cuộc chiến Ukraine.
Ngược lại, bà Marine Le Pen mang đến cho châu Âu rất nhiều lo lắng. Chính sách đối ngoại không phải là thế mạnh của bà Le Pen và những gì bà tuyên bố tạo ra nhiều hoài nghi. Bà Le Pen chủ trương nếu lên nắm quyền sẽ xem xét lại một loạt các Hiệp ước mang tính nền tảng của EU, như Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển nội khối, tái lập kiểm soát biên giới để hạn chế; hạn chế tối đa lao động các nước khác trong EU đến làm việc tại Pháp, thiết lập “ưu tiên quốc tịch” nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân Pháp trong việc tiếp cận việc làm, nhà ở… Trong khi đó, nguyên tắc của EU là công dân các nước EU được tự do lao động ở mọi nước thành viên.
Bà Le Pen cũng chủ trương cắt giảm mức đóng góp cho EU. Đối với bà, Liên minh châu Âu chỉ nên xem như một liên minh giữa các quốc gia có chủ quyền mạnh mẽ, chứ không phải là một dạng thiết chế như hiện nay khi Brussels đôi khi có quyền cao hơn chính phủ một quốc gia thành viên. Bà Marine Le Pen muốn giảm quyền lực của Uỷ ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và gia tăng chủ quyền cho nước Pháp bằng cách sử dụng các cuộc trưng cầu ý dân để quyết định các cải cách của châu Âu, chứ không chấp nhận thẩm quyền của EU.
Đối với NATO, bà Le Pen chủ trương thúc đẩy NATO xây dựng quan hệ đối tác mới với Nga, dù không nói rõ đó là gì. Nhìn chung, quan điểm của bà Marine Le Pen tạo ra rất nhiều lo ngại tại châu Âu, thậm chí như Tổng thống Macron chỉ trích, bà Marine Le Pen thực chất muốn Frexit, tức đưa nước Pháp ra khỏi EU, giống như Anh năm 2016, nhưng lại không dám nói ra. Dĩ nhiên là với một chính trị gia như thế, châu Âu không thể nào yên tâm nếu bà Marine Le Pen lên làm Tổng thống Pháp.
Thách thức của ông Macron trong nhiệm kỳ mới
Thách thức lớn nhất đối với ông Macron hiện nay là cuộc xung đột tại Ukraine đã và đang làm đảo lộn cấu trúc an ninh, trật tự địa chính trị cũng như các tính toán chiến lược tại châu Âu. Trước khi xung đột này nổ ra, ông Macron cùng các lãnh đạo Uỷ ban châu Âu đã dự định tổ chức một Thượng đỉnh Quốc phòng đầu tiên của EU trong tháng 3/2022 tại Paris, hướng đến việc biến EU thành một Liên minh Quốc phòng, tiến bước dài trên con đường tự chủ chiến lược.
Tuy nhiên, khi gặp nhau tại Cung điện Versailles hôm 11/3, các lãnh đạo châu Âu chỉ còn một chủ đề thảo luận duy nhất là cuộc chiến thay đổi thời đại tại Ukraine và cách ứng phó tiếp theo của châu Âu. Vai trò của NATO mà cá nhân ông Macron hồi cuối năm 2019 đánh giá là đang “chết não” hiện thời đã hồi sinh và các nước châu Âu hiện nay không còn bất cứ ảo tưởng nào về việc bỏ qua NATO và xây dựng một lực lượng quốc phòng riêng. Với tư cách là quốc gia vận động mạnh mẽ nhất cho sự tự chủ chiến lược của EU, rõ ràng nước Pháp và cá nhân ông Macron hiện nay sẽ rất khó thúc đẩy lại các dự án này khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, không biết khi nào sẽ kết thúc và sẽ kết thúc ra sao.
Cuộc chiến này cũng khiến Đức, cường quốc số 1 châu Âu và là đối tác không thể thiếu của nước Pháp, tiến hành những thay đổi quan trọng về chiến lược an ninh-đối ngoại. Nước Đức đang nối lại các quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, quyết định tái vũ trang bằng ngân sách quốc phòng hàng trăm tỷ euro, mua hàng chục máy bay F-35 của Mỹ. Điều này một mặt dẫn đến sự thay đổi cán cân sức mạnh trong quan hệ Pháp-Đức, mặt khác đe doạ khai tử các dự án quốc phòng chung mà Pháp-Đức và một số nước châu Âu, như Tây Ban Nha, đang tiến hành, như việc phát triển máy bay chiến đấu và xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới. Đó sẽ là các thách thức lớn mà ông Macron cũng sẽ phải đối mặt.
Thách thức còn đến từ cả mặt trận đối nội. Gần 42% cử tri Pháp ủng hộ bà Le Pen là một lời cảnh báo sâu sắc rằng nước Pháp đang bị chia rẽ mạnh và hàng chục triệu cử tri Pháp đang bất mãn. Ông Macron sẽ phải lắng nghe, thừa nhận và sửa chữa những sai lầm chính sách đối nội, như vấn đề sức mua, chất lượng sống, an ninh…. chứ không chỉ tập trung vào hoạt động đối ngoại.
Cuộc bầu cử vừa qua là một bài học đắt giá, khi cuộc chiến tại Ukraine đưa uy tín ông Macron lên cao nhưng cũng chính việc giành quá nhiều thời gian cho cuộc chiến này, xem nhẹ các mối quan tâm thường nhật của cử tri Pháp như sức mua, ông Macron đã bị bà Marine Le Pen bám đuổi gắt gao và từng có thời điểm đối mặt với nguy cơ thất bại thực sự. Do đó, ưu tiên đầu tiên của ông Macron sẽ là phải hàn gắn, tập hợp lại một nước Pháp bị chia rẽ mạnh sau cuộc bầu cử vừa qua chứ chưa phải là dấn thân vào các hồ sơ đối ngoại.