Khi nào ông Donald Trump mới chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ

Với việc giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, ông Trump đã là Tổng thống đắc cử. Nhưng sẽ cần một vài quy trình mang tính thủ tục nữa trước khi ông chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ.

Ông Donald Trump và vợ ăn mừng chiến thắng tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024.
Ông Donald Trump và vợ ăn mừng chiến thắng tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024.

Trái ngược với những nhận định trước thời điểm bỏ phiếu về một cuộc canh tranh quyết liệt, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng thuyết phục, đánh bại ứng cử viên Kamala Harris bên phía đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Theo hãng tin AP, tính tới sáng 7/11, ông Trump đã giành được 295 phiếu đại cử tri, trong khi bà Harris chỉ nhận được 226 phiếu. Số phiếu ủng hộ ông Trump nhiều khả năng còn tiếp tục tăng lên 312 khi ông vẫn đang dẫn đầu tại hai bang còn lại chưa kết thúc kiểm phiếu là Nevada và Arizona.

Theo luật định, với việc giành từ 270 phiếu đại cử tri trở lên, ông Trump đã là Tổng thống đắc cử. Tuy nhiên, sẽ cần phải trải qua một vài quy trình mang tính thủ tục nữa trước khi ông này chính thức trở thành tân Tổng thống.

"Cuộc bầu cử tổng thống thứ hai" sẽ được tổ chức vào ngày 17/12 tới khi Đại cử tri đoàn họp mặt để bỏ phiếu bầu cho ông Trump.

Tiếp đó, ông này sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tại buổi lễ nhậm chức tổ chức vào ngày 20/1/2025.

Đại cử tri đoàn - hệ thống quyết định ghế Tổng thống Mỹ

Không giống bầu cử tổng thống ở Pháp, hệ thống bầu cử của Mỹ là gián tiếp. Tại Mỹ, một đại cử tri đoàn gồm 538 thành viên được các bang chỉ định, dựa trên dân số của mỗi bang mới là người trực tiếp bỏ phiếu bầu tổng thống.

Ở hầu hết các bang (48 trong số 50 bang, cộng với Quận Columbia - không phải là một bang nhưng có đại diện trong Đại cử tri đoàn), khi một ứng cử viên giành được đa số phiếu, ứng cử viên đó sẽ giành tất cả số đại cử tri.

Điều này có nghĩa là chỉ cần giành 50% tổng số phiếu cộng thêm một phiếu bầu, ứng cử viên dẫn đầu sẽ nhận được tất cả số phiếu đại cử tri ở bang đó. Đây được gọi là quy tắc người chiến thắng giành được tất cả.

Riêng tại hai bang Maine (có 4 phiếu đại cử tri) và Nebraska (có 5 phiếu đại cử tri), ứng cử viên giành nhiều phiếu phổ thông hơn sẽ giành được 2 phiếu đại cử tri. Ngoài ra, số phiếu còn lại sẽ chia ra theo "khu vực bầu cử" (với Maine là 2 khu vực bầu cử và Nebraska là 3), trong đó ứng cử viên nào giành chiến thắng tại mỗi khu vực bầu cử sẽ giành được 1 phiếu đại cử tri. Điều này cho phép các đại cử tri tại Maine và Nebraska có thể được phân bổ cho nhiều hơn một ứng viên.

Cách thức phân chia số đại cử tri

Có 538 cử tri trong Đại cử tri đoàn, vì vậy ứng cử viên cần sự ủng hộ của ít nhất 270 người trong số họ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Các bang có số lượng cử tri bằng số lượng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sỹ tại Quốc hội. Do đó, số lượng cử tri tỷ lệ thuận với dân số của mỗi bang, với tối thiểu là ba đại cử tri.

Số phiếu đại cử tri của mỗi bang được chia tỷ lệ thuận với dân số.
Số phiếu đại cử tri của mỗi bang được chia tỷ lệ thuận với dân số.

Phương pháp tính toán này dẫn đến các bang thưa dân như Alaska, Wyoming và Vermont có ba đại cử tri cho 733.536, 586.485 và 647.818 cư dân, nghĩa là họ có trung bình hơn bốn đại cử tri trên một triệu cư dân. Ngược lại, phần lớn các bang đông dân khác có trung bình một hoặc hai đại cử tri trên một triệu cư dân.

Sau cuộc điều tra dân số, sự phân bổ đại cử tri đã thay đổi đôi chút vào năm 2024 khi California, Montana, Bắc Carolina và New York mất một phiếu đại cử tri, trong khi Texas giành thêm được hai phiếu đại cử tri, còn Florida và Colorado có thêm một phiếu bầu.

Đại cử tri có phải tôn trọng phiếu bầu của bang mình không?

Ba mươi ba bang cũng như Quận Columbia có luật yêu cầu cử tri phải tuân theo số phiếu phổ thông để tránh tình trạng "cử tri bất trung".

Theo đó, những bang này áp dụng nhiều mức phạt như phạt 500 USD đối với các cử tri bất trung, hủy bỏ tư cách bỏ phiếu theo quy định ở các bang như Bắc Carolina, hoặc bổ nhiệm một cử tri thay thế ở các bang như Montana, Nevada và Washington.

Cử tri bỏ lá phiếu bầu tại một điểm bầu cử ở quận Brooklyn, thành phố New York.
Cử tri bỏ lá phiếu bầu tại một điểm bầu cử ở quận Brooklyn, thành phố New York.

Vì đại cử tri được các đảng hoặc ứng cử viên chỉ định, nên các trường hợp đại cử tri không bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình là không phổ biến, nhưng đã từng xảy ra.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, thay vì bỏ phiếu cho ứng cử viên Al Gore, cử tri đảng Dân chủ Barbara Lett-Simmons đã không bỏ phiếu. Sự cố này không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, vì ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush đã giành chiến thắng với 271 phiếu trong số 538 phiếu.

Liệu có thể trở thành tổng thống với số phiếu bầu phổ thông ít không?

Bầu cử tổng thống Mỹ là một cuộc bầu cử gián tiếp, vì vậy có thể giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn trên toàn quốc nhưng không giành được đa số phiếu đại cử tri.

Trong lịch sử Mỹ, điều này đã xảy ra năm lần, bao gồm hai lần trong thế kỷ 21. Năm 2000, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore nhận được nhiều hơn 543.895 phiếu bầu so với ông George W. Bush nhưng lại thất bại khi chỉ có 266 phiếu đại cử tri, ít hơn so với 271 phiếu của ông Bush.

Năm 2016, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nhận được nhiều hơn 2,86 triệu phiếu bầu so với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump nhưng ông Trump mới là tổng thống khi giành được 304 phiếu đại cử tri so với 227 phiếu của bà Clinton.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay. Tính đến nay, với việc giành được hơn 72,5 triệu phiếu bầu phổ thông, ông Trump là ứng cử viên đầu tiên của đảng Cộng hòa giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ứng cử viên đảng Dân chủ trong 20 năm qua.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw