Quan hệ thầy - trò thay đổi: Giáo viên phải tự "chuyển mình"

Thời gian qua, ngành giáo dục liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc đáng buồn, như phụ huynh vào trường đánh giáo viên; học sinh vô lễ, xúc phạm thầy, cô giáo… Trong bối cảnh các mối quan hệ trong nhà trường thay đổi, người thầy cần làm gì để giữ môi trường học đường lành mạnh, không để xảy ra những chuyện đau lòng?

h4c-9359.jpg.jpg
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TPHCM cùng học trò trong tiết thực hành.

Áp lực vô hình từ mạng xã hội

Năm học 2023 - 2024 qua gần hết học kỳ 1 nhưng áp lực tâm lý vẫn đè nặng lên cô T.N., giáo viên một trường THPT ở quận 3 (TPHCM). Cô cho biết, do vừa trở lại công việc sau thời gian nghỉ thai sản, ngoại hình chưa trở lại như giai đoạn trước khi mang thai. “Trước đây, tôi thường dành 1-2 tiết học đầu năm để giới thiệu mình và làm quen với học sinh. Năm nay, khi chưa nhận lớp, tôi đã đọc được thông tin về mình trên fanpage trường. Sau tuần học đầu tiên, nội dung các em bàn luận không phải phương pháp dạy học mà là ngoại hình giáo viên. Điều đó khiến tôi buồn trong thời gian dài”, cô T.N. bày tỏ.

Trường hợp khác, giáo viên một trường THCS ở quận Gò Vấp (TPHCM) tâm tư, bình bầu ban cán sự lớp là một trong các hoạt động đầu năm của giáo viên và học sinh. Chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng đầu năm học này, một học sinh trong lớp cô phụ trách do không có sự tín nhiệm của các học sinh khác nên không được phân công nhiệm vụ lớp phó học tập như nguyện vọng của em. Học sinh này về nhà kể với phụ huynh.

Kết quả, mẹ em vào trường, yêu cầu tổ chức buổi làm việc có đại diện ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh để làm rõ lý do vì sao “cô giáo phân biệt đối xử với học sinh”. Sự việc chưa dừng ở đó. Phụ huynh này đăng tải trạng thái trên mạng xã hội với lời lẽ gay gắt, cho rằng giáo viên vô cảm, không quan tâm cảm xúc của học sinh.

Hiện nay, hầu hết các trường THCS, THPT cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học nhưng phải có sự kiểm soát của giáo viên. Theo đó, học sinh được dùng điện thoại di động trong các hoạt động nhóm để làm bài tập trắc nghiệm hay tra cứu thông tin; thời gian học tập còn lại trên lớp, các em phải tắt chuông điện thoại hoặc tắt nguồn, tự bảo quản điện thoại trong cặp hoặc ba lô.

Tuy nhiên, nhiều sự việc đáng buồn xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy thiết bị điện tử này đang bị học sinh lạm dụng. Mọi lời nói, hành động hay hình ảnh của giáo viên trên lớp đều có thể bị học sinh quay lén, chụp hình đưa lên mạng xã hội. Thực tế này khiến nhiều giáo viên chọn cách “mắt lấp tai ngơ”, song luôn có tâm lý dè chừng, lo lắng, không biết hôm nào bị học trò “bóc phốt”, từ đó nảy sinh tâm lý phòng thủ, cẩn trọng trong từng lời nói, hành động vì “sơ sẩy một chút là có đơn kiện lên hiệu trưởng”.

Giáo viên thay đổi thói quen, nhận thức

Cô Lê Thị Việt Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), cho rằng, nhiều sự việc căng thẳng giữa học sinh và giáo viên xảy ra thời gian vừa qua là do chưa có sự đồng điệu về nhận thức, cách suy nghĩ. Khi thầy cô nói, học sinh không hiểu thì các em sẽ “làm loạn”, càng khiến giáo viên dễ tức giận, nảy sinh giao tiếp không chuẩn mực. Để khắc phục tình trạng trên, người thầy trước tiên phải vững vàng về chuyên môn, vì chuyên môn vững mới làm chủ được tiết dạy.

Một khi học sinh bị thu hút vào bài giảng, tập trung tham gia các hoạt động trên lớp thì sẽ không còn thời gian làm việc riêng hay “bày trò” trong lớp. Thêm vào đó, thầy cô cần thường xuyên trau dồi kỹ năng sư phạm, không quá đặt nặng yếu tố “dạy” mà cần thay đổi nhận thức là cùng học với học sinh. Khi các em sai, giáo viên không phán xét, trách mắng mà tương tác như một người bạn đồng hành, nhờ đó quan hệ thầy - trò bớt căng thẳng mà làm việc trên tinh thần chia sẻ, hợp tác.

Ở góc độ khác, theo thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM), để làm tốt vai trò người thầy trong bối cảnh hội nhập, trước tiên giáo viên phải thay đổi suy nghĩ của mình về học sinh theo hướng thoáng hơn, nhân văn hơn, không áp đặt mà phải luôn cầu thị. Trong lớp học, mỗi học sinh có sở trường và cá tính khác nhau.

Nhiệm vụ của người thầy là làm sao giao tiếp được với học sinh, giúp các em cảm thấy gần gũi, xem thầy cô như “người bạn lớn” để chia sẻ tâm tư, tình cảm, qua đó thầy cô mới có thể định hướng, rèn luyện và uốn nắn học sinh trưởng thành về nhân cách, tri thức. Cùng với đó, giáo viên ngày nay phải am hiểu nhiều lĩnh vực, tích góp trải nghiệm, kể cả việc chủ động nắm bắt xu hướng cùng học sinh để hiểu được đời sống tinh thần, cảm xúc của các em, từ đó lồng ghép giáo dục nhận thức, kỹ năng sống qua các tiết dạy trên lớp.

TS GIANG THIÊN VŨ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Thay đổi ứng xử từ hai phía

Giao tiếp ứng xử phải đến từ hai phía. Không thể yêu cầu người thầy đơn phương thay đổi cách giao tiếp mà học sinh và phụ huynh không có động thái hay nỗ lực thay đổi nào. Hiện nay, sự phát triển của khoa học - công nghệ và bối cảnh xã hội đã làm biến tướng nhiều về vị thế xã hội và phong cách giao tiếp sư phạm giữa thầy với trò. Ngoài ra, điều kiện sống và đời sống kinh tế phát triển theo hướng đầy đủ hơn trước khiến nhu cầu được ghi nhận, được tôn trọng của người học tăng cao, đồng nghĩa với việc giảm đi vai trò và vị thế của người thầy.

Ngày nay, khái niệm “người thầy” ngày càng mở rộng, không còn giới hạn trong khuôn khổ truyền thống, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục. Vì vậy, hai tiêu chí quan trọng nhất trong các mối quan hệ giao tiếp sư phạm, nhất là giao tiếp qua môi trường số (dạy học trực tuyến, tương tác mạng xã hội…) là sự lắng nghe và thấu hiểu các nhu cầu, cảm xúc lẫn nhau, từ đó mới có thể cải thiện mối quan hệ giao tiếp, ứng xử văn hóa trong môi trường học đường.

ThS NGUYỄN HỒ THỤY ANH, chuyên gia tâm lý giáo dục: Không để giáo viên đơn độc xử lý khủng hoảng

Khi được phân công đứng lớp có nghĩa là về mặt pháp lý, thầy cô được thừa nhận vai trò, nhiệm vụ của một giáo viên. Ở bất kỳ ngôi trường nào, giáo viên cần được cả hệ thống của ngôi trường ấy bảo vệ - từ ban giám hiệu, công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, lực lượng bảo vệ, đồng nghiệp trong trường…

Nếu cho rằng “giáo viên phải làm sao thì học trò mới vô lễ như thế” thì chúng ta đã vô tình tiếp tay cho suy nghĩ ai cũng có quyền thay pháp luật hành xử không đúng mực với người khác. Sẽ ra sao nếu trong gia đình, cha mẹ sai, con cái có quyền vô lễ, hành động sai về chuẩn mực đạo đức? Để không còn hình ảnh đau lòng, nhà trường cần kết hợp với gia đình giáo dục học sinh từ bậc mầm non đến cấp THPT cách thức phản đối với những điều mình cho là sai trái một cách bài bản, chừng mực, thực hiện đúng nội quy của cơ quan, đơn vị trường học.

Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà trường xây dựng lại hệ thống hỗ trợ giáo viên. Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên, ngoài các câu hỏi liên quan đến thu nhập, cơ hội phát triển nghề nghiệp, giáo viên mới ra trường cần quan tâm nhiều hơn đến việc được nhà trường hỗ trợ gì trong việc xử lý khủng hoảng, gặp các tình huống rủi ro do nghề nghiệp mang lại.

TS NGUYỄN HỮU LONG, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM: Ứng xử nguyên tắc và linh hoạt

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích, giúp con người dễ dàng tiếp cận tri thức khoa học và giao tiếp với công nghệ. Chính sự thuận lợi này giúp học sinh có cơ hội tự tìm kiếm kiến thức để phục vụ nhu cầu học tập và phát triển bản thân. Việc làm này giúp các em tự tin tiếp cận thế giới, tăng cường sự hiểu biết, đồng thời cũng làm thay đổi mối quan hệ trong giao tiếp hàng ngày giữa học sinh và giáo viên.

Vì vậy, người thầy cần chấp nhận sự trưởng thành, thậm chí là khác biệt trong giao tiếp ngày nay của học sinh. Các mối quan hệ cần đảm bảo tính nguyên tắc nhưng phải có tính linh hoạt. Nguyên tắc là các quy tắc trong giao tiếp ứng xử được đặt ra trong và ngoài lớp học, hành vi nào học sinh phải tuân thủ thực hiện để đảm bảo văn hóa học đường. Song, giáo viên cần linh hoạt trong xử lý các tình huống giao tiếp, nhất là với học sinh có “cá tính” đặc biệt. Điều quan trọng là giáo viên học cách kiểm soát cảm xúc, phân định rõ ràng mối quan hệ xã hội giữa mình với phụ huynh và học sinh. Dẫu biết là khó bởi ngày nay giáo viên phải lo nhiều thứ, nhưng với tình yêu nghề, yêu thương học sinh, các thầy cô sẽ làm được.

Báo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

fbytzltw