Sáng 6/6 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm nay.
Những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm nay vẫn là hiện tượng chen lấn, xô đẩy ở lễ Cướp Phết (Vĩnh Phúc), lễ khai ấn đền Trần (Nam Định)…; việc bày bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, treo thịt gia súc, gia cầm sống rất phản cảm tại chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), phủ Dày (Nam Định)…; hiện tượng cài tiền vào tay tượng, tay phật, ném tiền xuống giếng tại lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bảo Hà (Lào Cai)…
Nổi cộm và nhức mắt trong các kỳ lễ hội là những mâm lễ lớn cầu tài cầu lộc với những vật phẩm xa hoa, đẹp và hoành tráng cùng những món đồ mã cồng kềnh với kích cỡ khủng... Những mâm lễ lớn đến mức gây thắc mắc về nguồn gốc, việc đổ xô tranh nhau cầu cúng, cướp lộc được coi là biến tướng của lễ hội trong nhiều năm gần đây.
“Tôi đề nghị báo chí vào điều tra xem những mâm đồ lễ, vàng mã lớn ở di tích là của ai. Dân người ta bảo chúng tôi làm gì có tiền mà làm như thế”, ông Đặng Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội nghị. Ông Phúc cho rằng, chỉ có thể là một bộ phận không nhỏ những người có điều kiện kinh tế làm vậy, chứ không phải người dân.
Về hiện tượng đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích ở Lào Cai, ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai cho biết: “Theo tôi, vàng mã có từ ngàn xưa, thuộc tín ngưỡng của người dân, vì vậy cần tôn trọng tín ngưỡng ấy. Nhưng không thể thái quá đến mức thấy trần sao âm vậy, hàng tấn vàng mã như vậy là không được. Thực trạng đốt vàng mã thì tùy di tích, có di tích làm tốt ví dụ như di tích đền Thượng, người ta chỉ quy định rất ít, đốt rất khiêm tốn. Nhưng có những di tích ví dụ như đền Bảo Hà lúc ban quản lý không làm gắt gao thì người ta đốt lớn”.
Một số nguyên nhân của những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội được đưa ra đó là: cơ sở hạ tầng giao thông, các phương tiện phục vụ, nhân lực, vật lực chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, du khách; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn lỏng lẻo, một số Ban chỉ đạo, Ban tổ chức thiếu kiên quyết xử lý các tiêu cực trong lễ hội; công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên xong chưa xử lý nghiêm và triệt để.
Về khó khăn của công tác thanh tra, ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: “Cái khó khăn là nếu thanh tra theo kế hoạch thì phải gửi thông báo đến đơn vị từ trước. Do đó, BTC, BQL lễ hội đã sắp xếp, bố trí mọi thứ tốt đẹp, ít cái sai. Như vậy thì không phản ánh được thực tế, thực trạng khi lễ hội diễn ra. Còn thanh tra đột xuất sẽ phản ánh được cái thực nhưng không biết làm việc với ai. Ban quản lý đều đi vắng vì không hẹn lịch trước”.
Hội nghị cũng đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, lễ hội; quy hoạch sắp xếp hàng quán dịch vụ hợp lý, đảm bảo mỹ quan; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý di tích và lễ hội để nâng cao năng lực quản lý các lễ hội tại địa phương…
Theo dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm nay, so với những năm trước đây, lượng du khách đến lễ hội ngày một đông hơn, hoạt động lễ hội đã từng bước đi vào nề nếp, vui tươi, lành mạnh. Vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các phương án đảm bảo an toàn lễ hội được quan tâm chú trọng vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng./.