Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết đây là hội nghị quan trọng để triển khai Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Văn hóa không chỉ là những tư tưởng chỉ đạo mà còn được thể chế hóa bằng chính sách, chủ trương rất cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt.
Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 trong quý 4 năm 2024.
Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 30 là dịp để các cơ quan chức năng lắng nghe, bàn sâu thêm về vấn đề công nghiệp văn hóa và xây dựng các chính sách cụ thể với những chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chỉ thị này ở các bộ, ngành; đặc biệt ở các địa phương được xác định là trọng điểm về phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Hồ An Phong cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, từ năm 2015 trở lại đây, Đà Nẵng luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là mũi nhọn thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.
Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực; trong đó tập trung vào quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những ưu điểm, thế mạnh và chỉ rõ những vấn đề hạn chế, tồn tại của các quy định hiện hành để tìm ra phương hướng, giải pháp triển khai một hiệu quả Chỉ thị số 30.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết để phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị kinh tế trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần nâng cao hơn nữa nhận thức, công tác truyền thông; rà soát, tham mưu trình ban hành các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách, ưu tiên, ưu đãi, hợp tác công tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, các bên liên quan cần đẩy mạnh phát huy các vai trò, nguồn lực trong xã hội…
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu, tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Rõ ràng, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch.
Để thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị số 30, trước hết cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quảng bá, tiếp thị. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng, giúp du khách tiếp cận dễ dàng với thông tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam từ xa.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ di sản sẽ góp phần duy trì tính bền vững cho ngành…